Dọc mùng là một loại rau không còn xa lạ tại Việt Nam. Đây là loại rau rất dễ trồng, sống được ở mọi môi trường, khí hậu nên phát triển rất nhanh. Xưa kia, loại rau này nhiều và dùng làm thức ăn chăn nuôi. Còn hiện nay, dọc mùng được bán nhiều ngoài chợ, thậm chí còn chế biến thành một số món đặc sản trong các nhà hàng. Tuy nhiên, không ít người sợ ngứa nên không dám ăn loại rau này.
Các chuyên gia cho biết, bỏ qua dọc mùng là một điều lãng phí, nhất là trong đời sống ẩm thực thời hiện đại, khi mọi người ăn nhiều chất béo, chất ngọt. Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam) cho biết, khi ăn dọc mùng sẽ có nhiều lợi ích của cơ thể, chúng được ví như chiếc “máy quét”, giúp quét mỡ, cholesterol xấu trong cơ thể, cản trở quá trình hấp thu các chất này trong ruột.
“Cuộc sống hiện đại chúng ta ăn nhiều đồ chiên rán, dầu mỡ vì thế phải tăng cường ăn nhiều rau. Trong đó, rau dọc mùng là loại rau nên sử dụng vì ngoài chất xơ, chúng còn có tính thẩm thấu rất cao, vì thế hút được chất béo khi đưa vào cơ thể”, ông Trung cho hay.
Dọc mùng được ví như "máy hút mỡ" cho cơ thể, đặc biệt có thể kết hợp được cùng nhiều loại thực phẩm khác. (Ảnh minh họa)
Không chỉ là rau ăn, dọc mùng còn có nhiều vitamin khác tốt cho cơ thể, thậm chí còn là vị thuốc trong đông y. Theo ông Trung dọc mùng hay còn gọi là môn bạc hà, môn ngọt. Trong Đông y, dọc mùng có vị nhạt, tính mát, hơi có độc và thường được dùng để thanh nhiệt, giải khát.
Theo y học hiện đại, trong khoảng 100g dọc mùng chứa 95g nước, 0,25g protein và lượng bột đường là 3,8g. Dọc mùng cũng chứa lượng lớn phốt pho, kali, canxi, magie, sắt... và một số chất khác có lợi cho sức khỏe.
Trong đông y, bẹ dọc mùng khô còn có tên gọi là phùng thu can, có tác dụng thanh nhiệt, giải chất béo rất tốt, an toàn. Thân và lá của cây dọc mùng còn giúp tiêu đờm, giảm ho đờm khó thở, trừ giun… Ngoài ra, người bị cảm cúm hoặc sưng khớp xương do phong thấp có thể dùng mỗi lần 10-15 g dược liệu khô hay 60-90 g thân rễ tươi, dạng thuốc sắc uống.
Dọc mùng có thể chế biến thành nhiều món ngon trong ẩm thực. (Ảnh minh họa)
Trong đời sống ẩm thực, dọc mùng được chế biến thành nhiều món ăn ngon như canh, bún dọc mùng hoặc dùng để xào, làm nộm… “Đây là món ăn rất thích hợp cho người béo phì, đái tháo đường, có ý định giảm cân”, ông Trung cho hay.
Điều nhiều người lo ngại nhất là bị ngứa khi sơ chế hoặc nấu dọc mùng. Về vấn đề này, có nhiều cách để khắc phục như: Đeo găng tay khi sơ chế; Dọc mùng sau khi tước vỏ nên cho vào nước muối loãng ngâm, có thể ngâm cùng nước vo gạo. Sau khi ngâm nước muối, vắt nhẹ dọc mùng để vừa bớt nước muối, vừa không bị nát, sau đó có thể trần hoặc luộc qua nước sôi để ra hết nhựa và chế biến các món ăn tùy thích. Người bị dị ứng với dọc mùng thì không nên sử dụng. Người bị gút cũng không nên ăn loại rau này vì dọc mùng làm tăng lượng acid uric trong máu khiến cho bệnh nặng hơn.