Loại quả xưa rụng đỏ đầy gốc không ai nhặt, giờ sốt giá như "vàng ròng" thương lái tranh nhau mua, tốt cho sức khỏe

Google News

Loại quả này rất phổ biến ở Việt Nam, đang có giá cao và được các thương lái thu mua rất nhiều. Về phương diện sức khỏe, loại quả này cũng có nhiều công dụng trong việc hỗ trợ và điều trị bệnh.

Hiện nay, thị trường cau đang tăng giá từng ngày, với mức giao động từ 80-90.000 đồng/kg, với mức giá này nếu gia đình nào thu hoạch được một tấn cau sẽ thu về số tiền tương đương với một lượng vàng 9999. Dự báo, thời gian tới giá cau có thể sẽ tiếp tục gia tăng, khi thị trường tiêu thụ là Trung Quốc vẫn đang thu mua rất mạnh. Được biết, cau tươi sau khi thu mua về sẽ được sơ chế để chế biến thành kẹo cau, trà cau hoặc một số món ăn, vị thuốc từ cau.

Theo các chuyên gia, quả cau ít được sử dụng làm thực phẩm, nhưng nó lại là loại dược liệu có nhiều tác dụng với sức khỏe. Không chỉ quả cau, nhiều bộ phận trên cây cau như rễ cau, hoa cau cũng đều là vị thuốc khi biết dùng đúng cách và điều độ.

Hiện cau có giá rất đắt đỏ, dao động 80.000 - 90.000 đồng/kg. Ảnh minh họa. 

Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y TP Hà Nội cho biết, trong quả cau phần được sử dụng và có nhiều tác dụng nhất là hạt cau, ngoài ra phần thịt quả cau cũng có thể sử dụng được. Trong đông y, hạt cau còn được gọi là Tân lang hay Bình lang, có vị đắng, chát có tác dụng giáng khí, phá trệ, sát trùng, thông thủy, chữa bệnh do giun sán, ăn không tiêu, đầy bụng, tức ngực, tả lỵ, viêm ruột, thủy thũng (phù).

Các nghiên cứu của y học hiện đại cũng chỉ ra rằng, hạt cau có chất tanin và một số loại chất khác như arecolin, arecailin gây chảy nước bọt nhiều, tăng tiết dịch vị, dịch ruột, co đồng tử (dùng cho người mắc bệnh glaucom), giảm nhịp tim, tăng nhu động ruột.

Đặc biệt, một nghiên cứu trên trang HealthBenefitsTimes cho thấy, chất arecoline là một trong những hoạt chất có trong hạt cau, có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, hạt của loại quả này còn có khả năng làm tăng tiết nước bọt, giúp khắc phục chứng khô miệng ở những người bị bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, chiết xuất trong hạt cau còn có tác dụng gây ức chế các vi khuẩn có hại ở khoang miệng và giúp làm sạch các mảng bám trên răng. Từ đó, hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị các bệnh như đau răng, hôi miệng, viêm lợi,… một cách hiệu quả.

Ông Sáng cho rằng, chính vì tác dụng này nên nhiều người (cả nam và nữ) trước đây thường ăn cau để giúp răng chắc khỏe, hạn chế bị sâu răng hay viêm lợi. Tuy nhiên, ngày nay với sự phát triển của khoa học, nhất là sự ra đời của kem đánh răng nên việc ăn quả cau đã ít hơn trước rất nhiều.

Quả cau ngoài làm kẹo còn có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Ảnh minh họa. 

Một tác dụng rất phổ biến của quả cau nữa đó là dùng đề trị các loại giun sán, vì trong hạt cau có chứa chất alcaloid không độc với cơ thể người nhưng gây độc cho hệ thần kinh của sán. Do vậy, dung dịch được lấy từ hạt cau có tác dụng tẩy sán an toàn.

Dưới đây là một số bài thuốc từ hạt cau có thể tham khảo:

- Tẩy giun móc: Hạt cau 20g, vỏ lụa trắng rễ xoan 30g, sắc đặc thêm đường thành 60ml. Uống trước khi đi ngủ hoặc khi bụng đói. Dùng liền 2 ngày.

- Tẩy trùng roi: Quả cau 100g, cắt lát mỏng hoặc giã nát cho vào 500ml nước ngâm trên 12 giờ. Đun cạn còn 200ml và chia thành 3 lần uống trong buổi sáng sớm khi bụng đói.

- Chữa sốt rét: Lấy 2g hạt cau, 1g thảo quả, 4g cát căn, 6g thường sơn. Sắc nước từ 600ml xuống còn 200ml, uống ba lần/ngày.

- Chữa tê phù, kết đờm: Lấy 10g hạt cau tán thành bột, pha với nước sôi hoặc pha thành chè, uống nhiều lần trong ngày.

- Chữa đầy bụng, khó tiêu: 10g hạt cau sắc cùng 10g sơn tra, lấy nước uống.

- Chữa táo bón, tiểu rắt, đau dạ dày: 10g hạt cau, 10g mạch tiền đông, sắc cùng nhau uống khi còn nóng.

Lương y Bùi Đắc Sáng lưu ý thêm rằng, dù quả cau không gây độc hay nguy hiểm cho sức khỏe, nhưng khi sử dụng làm thuốc hay hỗ trợ điều trị bệnh thì cần phải có sự tham khảo của người có chuyên môn, nhất là liều lượng sử dụng.

LÊ PHƯƠNG.

Bình luận(0)