Loại quả xưa rụng đầy không ai biết đến, giờ thành đặc sản có hương vị lạ ở thành phố, 170.000 đồng/kg

Google News

Quả này là đặc sản ở An Giang, hình dáng giống quả chanh nhưng vỏ xù xì hơn, được sử dụng làm nguyên liệu tạo vị chua cho món ăn. 

Những ngày này, đi qua các tuyến đường ở huyện Tri Tôn, huyện Tịnh Biên của tỉnh An Giang, du khách sẽ bắt gặp ở 2 bên đường có nhiều người bán một loại quả nghe tên rất lạ tai, đó là trái chúc. 

Trái chúc còn có tên gọi khác là trái trấp, trái trúc, thuộc chi cam chanh, có nguồn gốc từ Lào, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Ở Việt Nam, loại cây này được tìm thấy ở các tỉnh nhiều Tây, nhiều nhất là ở An Giang. 

Trước đây cây chúc mọc bờ bụi ở nơi khô cằn, ở những bãi đất trống. Cây này có thể cao từ 2-10 m, thân cây có gai, lá thuôn hay ngọn giáo. Trái chúc có những đặc điểm rất dễ nhận dạng như: quả tròn, vỏ khá dày và sần sùi, lúc còn non có màu xanh lục đến khi chín thì có màu vàng. Bên trong, thịt trái chúc màu vàng xanh, ít nước, đặc biệt nước có vị the và rất chua.

So với quả chanh thì chúc có kích thước lớn hơn, vỏ sần sùi hơn, mùi thơm nồng hơn. Lá chúc ở giữa có thắt eo hình số 8, mùi hương giống như bưởi non, giữ mùi rất lâu. Trái chúc có nước cốt chua gắt, hơi the, có thể sử dụng thay thế chanh tạo vị chua dùng để ăn tươi, làm thức uống giải khát, ngâm đường phèn, ngâm rượu hoặc làm gia vị pha nước chấm, trộn gỏi, nấu canh… làm tăng hương vị và hạn chế mùi tanh của một số món ăn.

Người dân địa phương cho biết không biết cây chúc có từ bao giờ nhưng từ lâu mọi người đã thấy sự hiện diện của chúng trong đời sống sinh hoạt và ẩm thực ở An Giang. Trước đây chỉ có bà con dân tộc đi hái trái chúc về để chế biến món ăn, làm thuốc, xua đuổi rắn bò vào nhà. 

Những năm gần đây, khi những loại quả dại có hương vị lạ được ưa chuộng thì trái chúc lên đời thành đặc sản nổi tiếng. Nhiều nhà hàng, quán ăn ở An Giang và các tỉnh lận cận tìm mua trái chúc để làm gia vị tạo vị chua và hương thơm đặc trưng trong nhiều món ăn, trong đó phải kể tới món gà đốt Ô Thum. 

Nhận thấy giá trị kinh tế của cây chúc, giờ đây tại 2 huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên, người dân trồng cây chúc trong vườn để hái quả bán. 

Anh Bình (một người trồng cây chúc) chia sẻ: "Cây chúc trồng 5-8 năm mới bắt đầu cho quả, cây càng lâu năm trái càng nhiều. Mỗi năm, cây chúc cho ra quả 1 lần vào mùa mưa, khoảng tháng 6 đến tháng 8 âm lịch. 

Quả chúc sau khi thu hoạch được thương lái thu mua tận nơi hoặc các nhà hàng đặt trước. Nếu thu hoạch được nhiều sẽ mang ra bán các tuyến đường cho người dân và khách du lịch". 

Theo khảo sát, trên chợ mạng và các cửa hàng bán đặc sản vùng miền, nhiều thời điểm giá bán trái chúc có thể lên tới 170.000 đồng/kg, những đợt khan hiếm hoặc trái mùa, khách phải đặt trước vài hôm mới có hàng. 

Ngoài làm gia vị, trái và lá chúc còn làm tinh dầu, nhiều cơ sở thu mua sản xuất tinh dầu. Ở An Giang trước đây, cả trái và lá chúc đều có những công dụng riêng, thường được người dân dùng làm phương thuốc trị bệnh giải cảm, nghẹt mũi, khó tiêu… Những phụ nữ ở vùng Bảy Núi dùng trái chúc để gội đầu với tác dụng làm tóc mượt mà, óng ả, hương thơm dịu nhẹ của chúc tỏa ra từ mái tóc giúp sảng khoái và dễ ngủ.

H.A

Bình luận(0)