Thời điểm này, trên chợ mạng có nhiều địa chỉ rao bán một loại quả rừng có vị đắng ngắt nhưng lạ miệng và tốt cho sức khỏe, đó là quả mướp đắng rừng.
Về đặc điểm nhận dạng, quả mướp đắng rừng chỉ bằng 1/3 so với mướp đắng thường, vỏ sần sùi hơn, màu cũng đậm hơn.
Người bán cho biết, quả mướp đắng rừng có vị rất đắng, đắng hơn nhiều so với mướp đắng thường. Nhưng nếu ăn quen, nhai lâu sẽ thấy vị ngọt và bùi hơn. Đặc biệt mướp đắng rừng không chỉ ăn quả mà lá, đọt non cũng được dùng để hãm trà rất thơm và mát.
"Khoảng 2 năm gần đây tôi bán mướp đắng rừng trên chợ mạng, khách đặt mua rất nhiều. Có thời điểm hiếm hàng tôi phải nhờ người quen tới chợ phiên của bà con dân tộc vùng cao để gom hàng chuyển xuống xuôi.
Quả mướp đắng tươi có giá khoảng 70.000 đồng/kg nhưng chúng dễ giập nát, khó bảo quản được lâu. Loại này để xào thịt, xào trứng. Còn loại mướp đắng rừng phơi khô mình đang bán với giá 220.000 đồng/kg, dùng để sắc nước uống hoặc hãm trà, nhiều người còn đun nước tắm cho con. Ngoài quả thì thân và lá của cây mướp đắng rừng cũng có thể sử dụng được", chị Quỳnh An (ở Cổ Nhuế, Hà Nội) chia sẻ.
Chị Quỳnh An cho biết mướp đắng rừng có 2 loại, loại mọc dại ở trong rừng, đến mùa bà con hái về bán. Và một loại nữa là được người dân mang về trồng trong vườn nhà. Lúc đầu mới bán loại quả này, nhiều người mua để thử xem hương vị của mướp đắng rừng. Những khách mua mướp đắng rừng để ăn sẽ chỉ mua với số lượng nhỏ từ 1-2 kg. Còn với những khách mua mướp đắng rừng về làm vị thuốc, để đun nước tắm trị rôm sảy cho người lớn, trẻ nhỏ thì mua với số lượng lớn từ 4-5 kg.
Theo Đông y, mướp đắng tính hàn, vị đắng, không độc, nếu được dùng thường xuyên sẽ giúp giảm các bệnh ngoài da, làm cho da dẻ mịn màng, cả người lớn và trẻ nhỏ.
Theo y học hiện đại, mướp đắng có tác dụng diệt vi khuẩn và virus, chống lại các tế bào ung thư, hỗ trợ đắc lực cho bệnh nhân ung thư đang chữa bằng tia xạ và hỗ trợ điều trị một số bênh lý khác như tiểu đường, huyết áp… Tuy nhiên, khi sử dụng loại quả này, người dùng có thể gặp một số tác dụng phụ. Người đang mang bầu, những người bị huyết áp thấp, hạ đường huyết; người thiếu canxi, người vừa phẫu thuật… thì không nên sử dụng mướp đắng rừng. Đặc biệt, loại quả này rất kỵ trà xanh, sườn heo chiên, măng cụt…
Mấy năm nay, khi nhu cầu trên thị trường tăng nhanh, bà con vùng núi đã mở rộng mô hình trồng mướp đắng rừng để bán quả. Gần 10 năm nay, ông Danh (ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) trồng mướp đắng rừng để tăng thêm thu nhập. "Đây là cây dại nên dễ trồng, kỹ thuật chăm sóc không quá cầu kỳ. Chúng có giá trị kinh tế khi cả lá, trái đều sử dụng được. Ngoài ra, ở đây chủ yếu là đất phù sa cổ nên thích hợp với cây này", ông Danh nói.
Mướp đắng rừng được trồng bằng hạt, nông dân mắc giàn cao 2m để dây dễ leo bám vào. Sau 3 tháng trồng, cây cho trái và có thể thu hoạch được. Ngoài trồng mướp đắng rừng lấy trái, gia đình ông Danh còn hái đọt non bán. Cây để lấy đọt không cần làm giàn leo, thu hoạch sau một tháng trồng. Loại rau này thường dùng để nấu canh, nhúng lẩu, làm trà, thuốc trị bệnh...