Ngành học lạ chỉ có 1 trường ở Việt Nam đào tạo, điểm chuẩn thuộc top đầu, ra trường lương tới 30 triệu đồng/tháng

Google News

Với những người đam mê lĩnh vực thiên văn, thích ngắm nhìn những ngôi sao trên bầu trời rộng lớn, tìm hiểu về vũ trụ, nghiên cứu vệ tinh thì ngành học hiếm này ngoài việc giúp bạn chinh phục ước mơ còn cho thu nhập khủng khi tốt nghiệp ra trường.

Chỉ 1 trường đào tạo, dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh

Khoa học vũ trụ là một lĩnh vực nghiên cứu đầy thú vị khi cung cấp kiến thức về tất cả các khía cạnh liên quan trong không gian vũ trụ, từ các ngôi sao, thiên hà, các hành tinh trong hệ Mặt Trời. Ngoài ra, lĩnh vực này cũng đào tạo nhiều nhà khoa học, kỹ sư sáng tạo vệ tinh đưa vào không gian để phục vụ truyền hình, thông tin liên lạc và quan sát Trái đất. 

Gần đây, ngành học này được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt đối với những học sinh có niềm đam mê, sở thích nghiên cứu khoa học không gian, muốn tìm hiểu về những ngôi sao lấp lánh, hành tinh xoay xung quanh mặt trời. Lĩnh vực này ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Nga… được chú trọng phát triển, những chương trình học nâng cao, chuyên sâu để người học có thể sáng tạo, lý giải những hiện tượng trong tự nhiên và giải mã bí ẩn về sự sống trên các hành tinh khác. 

Nghiên cứu vũ trụ là một lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn và được phân loại thành ba hướng chủ yếu: Viễn thám - Quan sát trái đất - Công nghệ vệ tinh, vật lý thiên văn. Tuỳ theo sở thích, thế mạnh của bản thân mà sinh viên có thể lựa chọn để bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu. 

Để theo đuổi, tìm hiểu chuyên sâu về lĩnh vực ở Việt Nam này thì ngành Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh là sự lựa chọn thích hợp cho học sinh. Hiện nay, chỉ có trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội mở tuyển sinh và xét tuyển dựa trên nhiều phương thức như xét theo điểm thi THPT QG, bài thi đánh giá năng lực do trường tổ chức. Ngoài ra, trường có cơ chế tuyển thẳng dành cho học sinh có thành tích học tập xuất sắc ở 3 năm THPT và có giải thưởng HSG cấp Tỉnh, cấp Quốc gia. 

Năm 2024, đối với ngành Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh điểm chuẩn xét tuyển dựa trên điểm thi THPT QG đạt mốc 21,65 điểm cho 4 tổ hợp: A00 (Toán - Lý - Hoá), A01 (Toán - Anh - Lý), B00 (Toán - Hoá - Sinh), D07 (Toán - Hoá - Anh). 

Khi theo đuổi ngành học này, sinh viên có cơ hội học tập cùng các giáo sư, tiến sĩ trong nước và quốc tế. Sinh viên sẽ được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh vì đặc thù của ngành phải luôn cập nhật kiến thức mới nhất về khoa học và công nghệ vũ trụ từ các quốc gia phát triển trong lĩnh vực này. 

Ngoài việc học tập song song giữa lý thuyết và thực hành, trường thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo khoa học với diễn giả chính là các chuyên gia trong và ngoài nước. Qua đó, sinh viên không những có cơ hội tìm hiểu về các định hướng nghiên cứu mới nhất trên thế giới, mà còn có thể trao đổi học thuật trực tiếp với các diễn giả.

Chương trình đào tạo ngành Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh là chương trình đào tạo duy nhất tại Việt Nam hiện nay góp phần đào tạo các chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp và các nhà khoa học tương lai.

Cơ hội thực tập ở NASA, ra trường thu nhập khủng

Khoa học vũ trụ ngày nay được ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng... đặc biệt trong các lĩnh vực thông tin liên lạc, khí tượng thủy văn, viễn thám, định vị nhờ vệ tinh. Vì thế, sinh viên sau khi hoàn thành chương trình học có thể trở thành: Chuyên viên thiết kế, điều khiển, lắp ráp vệ tinh và tín hiệu vệ tinh từ các công ty viễn thông, các công ty dịch vụ truyền hình, tham gia các dự án nghiên cứu về môi trường và biến đổi khí hậu, tổ chức bảo tồn tự nhiên… Sinh viên còn có thể làm việc tại các cơ quan sử dụng, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm viễn thám, viện Công nghệ Vũ trụ.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tiếp tục theo học chương trình thạc sĩ, tiến sĩ ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ vệ tinh tại trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội hoặc du học tại các quốc gia phát triển mạnh mẽ về công nghệ vệ tinh, hàng không vũ trụ. 

Mức lương khởi điểm trong lĩnh vực này thường dao động từ 10-20 triệu đồng/tháng cho các kỹ sư vũ trụ mới ra trường. Ở các cấp quản lý hoặc chuyên gia, mức lương có thể lên đến 30 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn. Tại Mỹ, mức lương trung bình của một nhà khoa học vũ trụ là hơn 100.000 USD/năm.

Có lẽ, nhiều người vẫn nghĩ lĩnh vực khoa học vệ tinh, công nghệ vũ trụ hay hàng không vũ trụ ở Việt Nam vẫn còn kém phát triển. Song, chúng ta từng phóng vệ tinh viễn thông địa tĩnh “Made in Vietnam” lên vũ trụ, đánh dấu cột mốc phát triển của lĩnh vực này.

Ngoài ra, sinh viên theo học tại trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội có cơ hội thực tập 3-6 tháng tại những cơ sở đầu ngành trong lĩnh vực Vũ trụ như: Viện Vật lý địa cầu Paris (Pháp), Trung tâm nghiên cứu vũ trụ quốc gia Pháp (Pháp), Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA (Mỹ), Đại học Cornell (Mỹ), Viện Khoa học Thiên văn và Vũ trụ (KASI) (Hàn Quốc)... Từ đó, sinh viên sẽ học hỏi, tiếp cận nhiều kiến thức, kỹ năng chuyên sâu từ các chuyên gia đầu ngành và có thể áp dụng tại Việt Nam để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.

TẤN PHƯỚC

Bình luận(0)