Loại quả đợi cả năm mới có một mùa, giàu vitamin C hơn cam, quýt nhưng luôn mang tiếng "bẩn" nhất, liệu có đúng?

Google News

Dù chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin C, axitfolic, các chất chống oxy hóa nhưng dâu tây nhiều năm liền bị xếp loại "bẩn" nhất theo một tổ chức môi trường của Mỹ. Vậy làm thế nào để ăn dâu tây mà vẫn đảm bảo an toàn?

Dâu tây đang vào mùa, được bán rất nhiều ở các siêu thị và cả trên đường phố với nhiều mức giá khác nhau tùy từng giống, có loại dao động trong khoảng 100-120 nghìn/kg, cũng có loại lên tới 300-400 nghìn/kg. Dây tây là loại quả có vị chua ngọt, dễ ăn được nhiều người yêu thích, giàu dinh dưỡng. 

Tuy nhiên đây cũng là loại quả nhiều năm liền bị xếp vào loại rau củ quả "bẩn" nhất thế giới. Vậy làm thế nào để ăn dâu tây mà không tiêu thụ những "chất bẩn" đó.

Dâu tây rất bổ dưỡng

Dâu tây có hàm lượng calo thấp, chỉ 32 kcal trên 100 g. Nó nổi tiếng là loại trái cây ít calo nhất, ngoại trừ đu đủ, dưa hấu, hầu hết các loại trái cây khác đều có lượng calo cao hơn nó. Do đó, nếu bạn đang giảm cân hay muốn kiểm soát cân nặng thì dâu tây chính là loại thực phẩm tốt nhất. 

Dâu tây ít calo, giàu vitamin C hơn cam chanh, cung cấp axit folic và bổ sung nhiều chất chống oxy hóa cho cơ thể. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, nó rất giàu vitamin C, chứa 47mg/100g dâu tây. Hàm lượng vitamin C này gần gấp đôi so với nho, gấp 5 lần so với anh đào và cao hơn so với cam quýt, bưởi, chanh. Ăn 6 quả dâu tây lớn có thể đáp ứng đủ nhu cầu vitamin C hàng ngày. Chất dinh dưỡng này có thể thúc đẩy quá trình tổng hợp collagen tốt hơn, thúc đẩy quá trình hấp thụ sắt, chống oxy hóa và chống viêm, cải thiện vẻ ngoài của bạn.

Dù cũng có vị ngọt nhưng hàm lượng đường trong dâu tây không cao, chỉ 4,89g/100g, là loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp nên rất phù hợp với những người đang kiểm soát lượng đường trong máu. Mỗi bữa ăn 4-5 quả dâu tây, kết hợp với một cốc nhỏ sữa chua không đường, bổ sung năng lượng và dinh dưỡng kịp thời mà không cần lo lắng về lượng đường trong máu tăng đột biến.

Hàm lượng axit folic của dâu tây cao tới 90 microgam/100 g, ăn khoảng 340g dâu tây có thể bổ sung 306 microgam axit folic, đạt 76,5% lượng axit folic hàng ngày được khuyến nghị với người trưởng thành. Đừng nghĩ rằng chỉ có phụ nữ chuẩn bị mang thai, đang mang thai và cho con bú mới cần bổ sung axit folic, người bình thường thiếu axit folic, homocysteine ​​trong cơ thể rất dễ tăng cao, đây là một yếu tố tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

Dây tây cũng rất giàu anthocyanin, flavonoid và polyphenol, có khả năng chống oxy hóa và chống viêm, không chỉ có thể chống lão hóa mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh khác nhau. Vì anthocyanin tan trong nước nên khi rửa dâu tây, một số tế bào bị vỡ ra khiến anthocyanin hòa vào trong nước tạo thành màu đỏ, đây không phải phẩm nhuộm nên đừng lo lắng.

Ngoài ra, chất pectin và cellulose trong dâu tây còn giúp phân giải chất béo trong cơ thể, giúp giảm cholesterol, duy trì tiêu hóa trơn tru; carotene có thể giúp tổng hợp vitamin A, rất tốt cho mắt. Nghiên cứu y học cũng đã xác nhận, dâu tây tốt cho tim và não, phòng ngừa bệnh tim mạch rất mạnh, axit ellagic trong dâu tây còn có thể hấp thụ và ngăn cản sự hấp thụ chất gây ung thư, có tác dụng phòng ngừa nhất định đối với bệnh ung thư.

Dâu tây là loại trái cây bẩn nhất?

Với hàm lượng dinh dưỡng tuyệt vời như vậy, dâu tây rất tốt để ăn. Tuy nhiên nó đã bị đánh giá là loại trái cây "bẩn nhất". Nhận định này đến từ một tổ chức môi trường có tên EWG của Mỹ, những năm gần đây đã công bố danh sách những loại rau củ quả bẩn nhất và sạch nhất, trong danh sách cho năm 2022 và những năm trước, dâu tây đứng đầu và được mệnh danh là loại quả bẩn nhất. 

Dâu tây nhiều năm liền bị xếp loại "bẩn" nhất. (Ảnh: EWG)

Sở dĩ EWG cho rằng dâu tây "bẩn" nhất là do hơn 90% mẫu được kiểm tra đều có nhiều dư lượng thuốc trừ sâu.

Tuy nhiên điều này cũng không hoàn toàn đúng. Hiện tại các thiết bị phát hiện thuốc trừ sâu rất nhạy dù dư lượng cực thấp, chỉ cần lượng thuốc trừ sâu đó không vượt quá tiêu chuẩn, hoàn toàn có thể ăn. 

Bên cạnh đó, ngay cả khi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá tiêu chuẩn (MRL) cũng chưa chắc đã gây hại cho sức khỏe. Điều này là do MRL không phải là giới hạn an toàn, mà là giới hạn pháp lý và mức đặt ra thường thấp hơn nhiều so với mức gây nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Hơn nữa, dư lượng thuốc trừ sâu sẽ giảm hơn nữa trong quá trình bảo quản và rửa dâu tây nên bạn có thể yên tâm ăn dâu tây.

Để có thể rửa sạch dâu tây, bạn nên rửa chúng dưới vòi nước chảy. Rửa sạch phần cuống trước tiên, sau đó loại bỏ cuống rồi rửa sạch cả quả. Phần cùi gần cuống khá cứng, có thể chà xát nhẹ.

Rửa dâu tây dưới vòi nước sạch sẽ giúp giảm bớt dư lượng thuốc trừ sâu. (Ảnh minh họa)

Nghiên cứu đã so sánh tác động của việc rửa bằng nước chảy, ozone và sóng siêu âm đối với việc loại bỏ 16 loại dư lượng thuốc trừ sâu trong dâu tây. Người ta thấy rằng rửa bằng nước chảy có thể loại bỏ 19,8-68,1% dư lượng thuốc trừ sâu; làm sạch bằng ozone có thể loại bỏ 36,1-75,1% dư lượng thuốc trừ sâu và làm sạch bằng siêu âm có thể loại bỏ 91,2% dư lượng thuốc trừ sâu.

Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rửa kỹ trái cây và rau quả dưới vòi nước chảy là một cách rất hiệu quả để giảm số lượng vi sinh vật. Lưu ý rửa sạch tay trước khi ăn vì tay bạn có thể bẩn hơn dâu tây. Tuyệt đối không nên rửa dâu tây bằng chất tẩy rửa, vì mức độ an toàn của dư lượng chất này chưa được đánh giá và hiệu quả của nó chưa được thử nghiệm hoặc có tiêu chuẩn rõ ràng.

HOÀNG DƯƠNG

Bình luận(0)