Loại lá xưa không ai biết đến, nay thành đặc sản có hương vị lạ người thành phố "săn lùng", tốt cho sức khoẻ

Google News

Loại lá này có vị chua, là nguyên liệu tạo nên nhiều món ăn đặc sản ở thành phố những năm gần đây. Không chỉ lạ miệng, lá giang còn là một bài thuốc tốt cho sức khoẻ.

Những người sinh ra và lớn lên ở Tây Bắc chắc chắn không còn xa lạ với lá giang. Lá giang còn gọi là lá lồm, vốn là cây dây leo có phổ biến ở các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật, Indonesia, Malaysia. Tại Việt Nam, loại cây này mọc hoang ở các vùng ven rừng, vùng núi các tỉnh Tây Bắc. 

Trước đây người dân các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Lạng Sơn... hái lá giang về để xào với thịt thú rừng, tạo nên nét đặc trưng của ẩm thực vùng cao. Lá này có vị chua thanh, khi kết hợp với các loại thịt sẽ tạo ra hương vị vô cùng hấp dẫn. Những ai từng có cơ hội thưởng thức lá rừng này đều mê mẩn hương vị và mùi thơm đặc trưng của lá giang. 

Những năm gần đây, lá giang thành đặc sản ở thành phố. Chúng là nguyên liệu để chế biến thành nhiều món ăn nổi tiếng như lẩu gà lá giang, lẩu cá kèo lá giang, lá giang xào thịt trâu, thịt bò... Những món ăn này có mặt trong nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội, được nhiều người tìm đến để thưởng thức. 

Trên chợ mạng hay ở các chợ truyền thống, cứ đến mùa, nhiều người đăng bán lá giang với giá 70.000 đồng/kg. Ngoài lá tươi còn có lá khô hay lá giang sấy theo phương pháp sấy lạnh, hút chân không giá lên tới 180.000 đồng/kg. 

Mấy năm nay, người dân Tây Bắc mang cây lá giang về trồng để thu hái lá bán cho thương lái hay gửi đi các tỉnh thành. Cây lá giang trồng rất dễ, không mất tiền mua giống, không mất công chăm sóc, đầu tư thấp nhưng hiệu quả cao. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 4 tháng.

Không chỉ là thứ gia vị tạo vị chua, theo kinh nghiệm của dân gian, cây lá giang còn có tác dụng phòng ngừa nhiều bệnh. 

Lá giang có saponin, flavonoid, sterol, curamin, chất béo, tanin, acid hữu cơ và khoảng 12 nguyên tố (Na, Ca, Mn, Sr, Fe, Al, Cu...). Cao lá giang có tác dụng kháng với một số chủng vi khuẩn (Salmonella typhi, klebsiella, Staphyllococus aureus,...

Theo Đông y, lá giang vị chua, tính mát, vào kinh can có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, giải độc, tiêu thũng, chỉ khát, bài thạch; chữa ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng, đau dạ dày, đau nhức xương khớp. Thân lá giang làm thuốc chữa sỏi tiết niệu, viêm đường tiết niệu, viêm thận mạn tính. 

Một số bài thuốc từ lá giang

Chữa viêm đường tiết niệu: Thân và lá cây lá giang có tác dụng trong việc chữa viêm đường tiết niệu. Lấy 100-200g thân hoặc lá giang sắc lên để uống, nên uống liên tục trong vòng 15 ngày để phát huy tác dụng. Ngoài ra bạn có thể thay trà hàng ngày bằng việc uống nước hãm từ thân cây lá giang. Mỗi ngày bạn lấy 10-20g thân lá giang để hãm thành trà.

Chữa ăn không tiêu, chướng bụng: Lá giang 30-50 g, sắc uống. Đơn thuốc này uống liên tục chữa được sỏi và viêm đường tiết niệu.

Chữa đau nhức xương khớp, đau dạ dày: Rễ hoặc lá 20-40 g, sắc uống, thường kết hợp với một số vị thuốc trị đau khác.

Chữa mụn nhọt, lở ngứa ngoài da, vết thương: Lá tươi rửa sạch, giã nát, đắp lên vết thương.

Tốt cho xương khớp: Nhờ tính mát, tiêu viêm, lá giang đun lấy nước uống mỗi ngày cho đến khi xương khớp hết đau rất hiệu quả.

Giúp giải nhiệt, giải độc: Khi cảm thấy cơ thể nóng nực, bức bối, hãy giã lá giang để lấy nước uống, không chỉ giải nhiệt mà còn đào thải chất độc ra ngoài.

Những lưu ý khi dùng lá giang

Lá giang có vị chua, cũng như các loại canh chua khác không nên sử dụng nồi nhôm để nấu để tránh chất chua ăn mòn nhôm và làm tăng nồng độ nhôm trong món ăn, gây nguy hại cho sức khỏe.

Mặc dù có tác dụng tốt trong nấu ăn và chữa bệnh, nhưng vì hàm lượng axit tractric trong lá giang khá cao có thể làm giảm quá trình bài tiết axit uric nên những người mắc bệnh đau nhức xương khớp do gút cấp, bệnh nhân sỏi thận tuyệt đối không nên dùng.

H.A

Bình luận(0)