Ngoài tinh bột, khoai tây còn chứa chất giúp ngừa bệnh tim mạch, ung thư
Khoai tây là loại củ được trồng nhiều ở nước ta, có thể thu hoạch quanh năm. Ghi nhận của chúng tôi, giá bán khoai tây tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… khoảng 40.000 đồng đến 70.000 đồng/kg, tùy loại khoai, kích thước củ to hay nhỏ.
Theo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, khoai tây được xếp vào nhóm rau củ, nhưng vai trò chính của nó lại là cung cấp tinh bột. Trong 100g khoai tây đã gọt vỏ cung cấp 77 calo, 2.05g protein, 17.49g carbohydrate, chất xơ là 2.1g, 12mg canxi, 57mg phosphor, 425mg Kali, 6mg natri, 19.7mg vitamin C. “Ngoài tinh bột, khoai tây cũng chứa khá nhiều các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe khác. Vì điều này, khoai tây được xem là thực phẩm đậm độ dinh dưỡng”, các bác sĩ khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chia sẻ.
Vỏ khoai tây giàu kali và các chất rốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Theo BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược, dù khoai tây không có nhiều dinh dưỡng bằng khoai lang, nhưng nó cũng có điểm mạnh riêng. Cụ thể, trong khoai tây, nhất là loại khoai màu đỏ hoặc màu tím có chứa hợp chất tự nhiên gọi là anthocyanins. Đây chính là chất chống oxy hóa trong cơ thể chúng ta, giúp bảo vệ các tế bào khỏi các tác nhân gây hại. Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng, anthocyanins giúp giảm nguy cơ mắc ung thư, tim mạch và suy giảm nhận thức.
Ăn khoai tây ở dạng hấp, luộc, nướng sẽ giúp giảm cân, hạ đường huyết
Theo bác sĩ Vũ, khoai tây là thực phẩm giàu chất xơ, giúp giảm cảm giác đói và giúp giữ cho bạn no lâu hơn. Điều này rất tốt cho những người đang có nhu cầu giảm cân, ăn kiêng hay muốn ăn khoai tây để cải thiện đường huyết. Tuy nhiên, bạn chỉ nên chế biến khoai tây theo dạng hấp, luộc, nướng, nấu canh… mới có thể tận dụng được hết các lợi ích của khoai tây.
Khoai tây luộc cũng trở thành tinh bột tốt, ăn giúp giảm cân, hạ đường huyết. Ảnh minh họa.
Một nghiên cứu từ Đại học Nevada ở Las Vegas (UNLV - Mỹ) đã chứng minh khoai tây ăn theo cách nướng, luộc, hấp để nguyên vỏ thì nó thuộc nhóm tinh bột tốt, có thể được dùng để thay thế các loại tinh bột khác ở người cần cải thiện vòng eo và sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu này cũng tìm thấy, nếu ăn khoai tây “nguyên vẹn” hoàn toàn an toàn với bệnh nhân tiểu đường type 2 mà không gây ra các bất lợi về tim mạch.
Những lưu ý khi ăn khoai tây
Tiến sĩ Neda Akhavan, trưởng nhóm nghiên cứu từ Đại học Nevada ở Las Vegas lưu ý, để tốt cho sức khỏe và hấp thu hết các chất dinh dưỡng từ khoai tây, bạn không nên gọt vỏ khoai, bởi lẽ vỏ khoai tây từ lâu đã được chứng minh là chứa nhiều chất dinh dưỡng tăng cường sức khỏe, nhiều hơn cả phần ruột. Ngoài ra, vỏ khoai tây chứa một loại chất xơ nhất định gọi là "tinh bột kháng", đã được chứng minh là có thể cải thiện khả năng kiểm soát glucose, các chỉ số mỡ và tăng cảm giác no. “Bạn không nên ăn kiểu khoai tây chiên hay nghiền nó với quá nhiều bơ. Tốt nhất hãy ăn khoai ở dạng luộc, hấp, nướng”, Tiến sĩ Neda Akhavan lưu ý.
Bác sĩ Vũ cũng khuyến cáo, mọi người nên lưu ý sử dụng khoai tây đúng cách để tránh bị ngộ độc. Đặc biệt, khi sử dụng khoai tây cần phải gọt bỏ hết mắt (mầm) khoai. Mầm khoai tây chứa độc Solanin (tập trung chủ yếu ở vỏ, ngay lớp dưới vỏ và mầm củ khoai tây).
Khoai tây chiên ăn rất dễ tăng cân, không tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Triệu chứng ngộ độc chất solanine gồm buồn nôn, tiêu chảy, đau rút ở dạ dày, khô rát cổ họng, đau đầu và chóng mặt ảo giác, mất cảm giác, tình trạng tê liệt, sốt. Với liều lượng 3-6mg/kg thể trọng có thể gây hại lớn cho sức khoẻ.
Bác sĩ Vũ cũng lưu ý thêm, khi chế biến khoai tây cần hạn chế chiên rán. Các nghiên cứu chỉ ra ăn nhiều khoai tây chiên sẽ dẫn tới tình trạng tăng cân, béo phì…Với phụ nữ có thai không ăn nhiều khoai tây. Thực phẩm này chứa nhiều kali nên người bị mắc bệnh thận cũng không nên ăn.