Thài lài hay còn có tên là rau trai, cỏ chân vịt… Đây là một loại cây thân cỏ, trên thân có lớp lông tơ trắng mềm, cành phân thành nhiều nhánh. Lá của thài lài có màu xanh, hình mũi giáp đặc trưng, hỏa nở có màu xanh tím cực kỳ đẹp mắt.
Cây thài lài mọc dại ở các khu vực ẩm ướt như bờ ao, bờ ruộng. Sau những trận mưa, thài lài mọc tốt um, tươi non mơn mởn. Trước kia, người ta lấy rau thài lài để nấu cám lợn hoặc cho trâu, bò ăn. Ngày nay, người ta tìm ra những công dụng quý của cây cỏ dại này, có nơi đem nấu ăn, có nơi sử dụng để làm dược liệu.
Theo Đông y, cây thài lài có vị ngọt, tính mát nên rất tốt cho cơ thể. Người ta sử dụng loại cỏ này trong điều trị các bệnh thường gặp như cảm cúm, viêm amidan, hầu họng hay kiết lỵ, phù thũng…
Bên cạnh đó, cây dại này cũng có khả năng giải độc côn trùng và giảm tình trạng sưng, đau do mụn nhọn, mưng mủ.
Trong y học hiện đại, người ta tìm ra rất nhiều hoạt chất quý trong cây thài lài. Có thể kể tới α-glucosidase, hoạt chất này giúp cơ thể chống lại tình trạng tăng đường huyết. Hay acid p-hydroxycinnamic, hoạt chất giúp tăng khả năng kháng khuẩn. Hoặc D-mannitol, hoạt chất có khả năng giảm ho…
Khi sử dụng thài lài cần lưu ý, vì cây này có tính hàn vì thế người lạnh bụng, tỳ vị hư hàn không nên dùng hoặc chỉ dùng một lượng nhỏ.
Ngoài ra, một số cách chữa bệnh từ cây thài lài hiện chưa được chứng minh về tính hiệu quả. Vì thế, để hạn chế rủi ro bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi áp dụng bài thuốc từ loại cây mọc dại này.
Các món ngon từ rau thài lài
- Rau thài lài xào tỏi
Rau thài lài hái về chỉ giữ phần thân và lá non rồi rửa thật sạch, vớt ra rổ cho ráo nước. Tiếp đến, bạn đun nóng dầu ăn, phi thơm tỏi rồi bỏ rau thài lài vào đảo chung. Xào thật đều tay để rau thài lài chín đều. Lúc rau gần chín, bạn nêm chút muối, mì chính cho vừa miệng, đảo đều cho rau ngấm gia vị rồi tắt bếp. Gắp rau ra đĩa và thưởng thức.
- Thài lài nấu canh xương
Rau thài lài rửa sạch để riêng. Xương lợn chặt miếng vừa ăn sau đó cho vào nồi, thêm nước và luộc sơ để loại bỏ chất bẩn cùng máu thừa còn sót lại.
Vớt xương ra, rửa lại 2 - 3 lần với nước. Tiếp đến, cho xương vào nồi, thêm nước ngập mặt xương và đậy vung, bật bếp đun tới khi xương chín mềm thì cho rau thài lài vào.
Trước khi tắt bếp khoảng 5 phút, bạn nêm muối, mì chính để canh đậm vị hơn. Cuối cùng, múc canh ra bát và đặt lên mâm cho cả nhà thưởng thức.
Lưu ý, vì rau thài lài là cây thân cỏ rất mọng nước nên không cần phải đun quá lâu. Cho rau vào đảo đều, quan sát thấy rau chín tới thì tắt bếp để giữ cho rau giòn, xanh đẹp mắt và không bị nồng.
Ngoài ra, thời điểm tốt nhất để hái rau thài lài là vào buổi sớm. Thường rau lúc này là non, ngon nhất. Bạn chỉ nên hái ngọn dài từ 3 - 4cm.