Loại cá xưa có đầy không ai ăn giờ thành đặc sản khan hiếm được săn lùng, rất giàu Omega-3, 350.000 đồng/kg

Google News

Theo lương y Minh Phúc, cá thác lác chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, trong đó có Omega-3, thường xuyên ăn có thể mang lại nhiều lợi ích cho hệ thần kinh, tốt cho tim mạch và cải thiện giấc ngủ.

Cá thác lác cung cấp omega-3 tự nhiên cho cơ thể

Cá thác lác (còn gọi là thát lát) là loại cá nước ngọt, hiện được nuôi nhiều ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nước ta. Nếu như trước đây, loại cá này bị nhiều người “ngó lơ” thì hiện nay, nó trở thành thực phẩm yêu thích của rất nhiều người.

Theo ghi nhận của chúng tôi, giá bán cá thác lác đã nạo hết xương ở các chợ, siêu thị khoảng 300.000 đến 350.000 đồng/kg.

Cá thác lác. Ảnh minh họa.

Về giá trị dinh dưỡng, cá thác lác được xếp vào loại cá béo. Trong 100g thịt cá có chứa 11,3g chất béo. Cả trong thịt lẫn trứng của loài cá này đều cung cấp hàm lượng axit béo Omega-3 khá cao. Ngoài chất béo, thịt cá còn cung cấp chất đạm, nhiều vitamin A, vitamin D, vitamin B12 và các vitamin nhóm B, cùng các khoáng chất thiết yếu như selen, i-ốt, kẽm, đồng, canxi...

Với các thành phần dinh dưỡng như trên, thường xuyên ăn cá thác lác là cách cung cấp Omega-3 tự nhiên cho cơ thể và mang lại nhiều lợi ích cho hệ thần kinh và thị lực, tốt cho tim mạch, cải thiện miễn dịch, chống oxy hóa, cải thiện giấc ngủ... 

Theo lương y Minh Phúc, nguyên Phó chủ tịch Hội Đông y Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong Y học cổ truyền, cá thác lác có vị ngọt, tính bình, không độc, tác dụng bổ khí huyết, ích thận tráng dương, trừ phong thấp, giảm đau, nhuận trường... 

Các món ăn giàu dinh dưỡng từ cá thác lác có thể chữa bệnh như sau: 

Cá thác lác kho nghệ: Món này công dụng bổ khí huyết, lợi sữa, giúp chữa bệnh cho sản phụ huyết hư thiếu sữa ăn kém.

Giá bán thịt cá thác lác khoảng từ 300.000 đến 350.000 đồng/kg. Ảnh minh họa.

Canh thác lác nấu nấm: Thịt cá thác lác băm nhỏ kết hợp với nấm hương, măng khô, gừng hành gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ tỳ vị, dưỡng khí huyết, chữa chóng mặt, ăn kém.

Cá thác lác nấu hạt sen: Cá thác lác, hạt sen, nấm đông cô, hành, gừng mắm muối gia vị vừa đủ. Thịt cá băm nhuyễn nhồi cá, hạt sen vào phần bụng nấm, gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng bổ tâm tỳ, dưỡng khí huyết, chữa tỳ ăn ngủ kém, khó lên cân.

Cá thác lác om rau cần: Cá thác lác kết hợp rau cần, hành tím, mắm, tiêu, muối, dầu ăn gia vị vừa đủ nấu ăn. Công dụng kiện tỳ, hóa thấp, bổ khí huyết, chữa tỳ hư sinh đàm thấp, tăng huyết áp.

Canh khổ qua nhồi cá thác lác: Cá thác lác băm nhỏ nhồi vào khổ qua bỏ ruột, gừng, hành, gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng kiện tỳ thanh thấp nhiệt, chữa vàng da, viêm gan do thấp nhiệt.

Canh bông bí cá thác lác: Cá thác lác băm nhỏ, nhồi vào bông bí, gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng ích khí kiện tỳ, cố biểu chỉ hãn, chữa khí hư nhiều mồ hôi.

Canh chua cá thác lác: Cá thác lác, cà chua, dứa, dọc mùng, giá đậu, măng chua, mùi tàu, hoa chuối, rau ngổ, hành lá, ớt sừng, mắm, gia vị vừa đủ nấu ăn. Công dụng kiện tỳ hóa thấp, chữa mập phì thừa cân, mệt mỏi, lười vận động.

Canh thác lác rau cải cúc: Cá thác lác băm nhỏ, rau cải cúc, gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng kiện tỳ vị, hóa đàm, chữa tỳ hư sinh đờm ho hen.

Cá thác lác có thể chế biến được nhiều món ăn tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

Những lưu ý khi ăn cá thác lác

Theo lương y Minh Phúc, dù cá thác lác tốt cho sức khỏe, nhưng những người sau không nên ăn:

- Người bị bệnh gout, bởi  trong cá có chứa purine, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành axit uric. Khi có quá nhiều axit uric sẽ kết lại thành các tinh thể đóng ở các khớp, gây đau sinh ra bệnh gout. Do vậy, người mắc bệnh này nên ăn ít hoặc không ăn cá để tránh tình trạng bệnh bị ác hóa, nguy hại cho sức khỏe.

- Người rối loạn chức năng máu như suy giảm tiểu cầu, thường xuyên bị chảy máu mũi, xuất huyết trong do thiếu vitamin K. Trong cá có chứa axit eicosapentaenoic (EPA) ức chế quá trình kết tập tiểu cầu, từ đó làm tăng hiện tượng chảy máu ở người bệnh.

- Người đang sử dụng thuốc ho.

DIỆU THUẦN

Bình luận(0)