Người phụ nữ trúng số 4 lần liên tiếp và lời răn dạy dành cho các cháu
Bà Hai Giàu (Vị Thủy, Hậu Giang) ở cái tuổi "gần đất xa trời" chưa bao giờ tin tưởng vào vận đỏ khi chơi vé số, luôn tâm niệm chăm chỉ làm lụng sẽ có tiền. Năm 2013, bà lần đầu tiên bỏ ra 20.000 đồng mua 2 tờ vé số, ngờ đâu đã trúng giải thưởng trị giá lên tới 200 triệu đồng. Từ đó, bà dần dần xóa bỏ định kiến về xổ số và những người chơi vé số.
“Trừ thuế, tôi lĩnh 180 triệu đồng. Đời tôi chưa bao giờ cầm số tiền lớn như thế nên có tiền đã mua 5 tờ ủng hộ người bán vé dạo. Tối đó tôi đã trúng thêm 150 triệu đồng nữa. Tôi sợ ra đại lý cũ đổi số người ta bàn ra tán vào liền rủ ông xã đến nơi khác. Đổi xong, tôi tiếp tục mua 5 tờ ủng hộ xem vận may mình còn không? Nào ngờ, tôi trúng 150 triệu đồng”, bà Hai từng tâm sự.
Sau 3 lần may mắn trúng số, bà Hai càng hoang mang. Bà bảo lúc nào người cũng như đang mơ, sợ tỉnh dậy thì chuyện trúng số sẽ biến mất. Song gia đình động viên bà sống quá cùng cực, khi về già được trời thương cho “đổi đời”. Do vậy, bà “mạnh tay” chi tiền mua thêm 5 tờ vé số và lại trúng 150 triệu đồng.
Bà Hai và các cháu ngoại đang ăn cơm.
“Chỉ trong vòng 4 ngày, tôi đã trúng số 4 lần với tổng số tiền lên tới 600 triệu đồng. Nhiều người dị nghị tôi tham nên trúng số lại mua tiếp. Thú thực đời tôi nghèo, làm cả đời không một đồng tiết kiệm. Vì thế lúc đầu chơi vé số tôi phân vân lắm vì 20.000 đồng đủ một bữa no cho cả nhà.
Đến khi trúng, tôi vui mừng lắm. Tôi nghĩ mình trúng thì cần phải “giải lộc” nên mua vé số ủng hộ người ta chứ không tham sẽ trúng số nhiều lần”, bà Hai bộc bạch.
Đang nghèo khó bỗng giàu có, bà Hai càng lo lắng hơn bởi từng nghe chuyện hậu vận của những người trúng số bạc tỷ. Bà sợ gia đình quay trở về cảnh khổ cực, sợ tan nát nhà cửa, sợ các con tương tàn… Sau đó bà từ từ kể về từng đứa con mình dứt ruột đẻ ra để thấy hết sự thống khổ suốt bao năm qua.
“Tôi có 8 người con, trong đó có 5 con gái: 2 đứa được gửi vào chùa ở từ bé, 3 đứa còn lại cứ đủ tuổi là lên Sài Gòn chờ cơ hội được mai mối lấy chồng nước ngoài với hi vọng đổi đời, thoát nghèo… Hồi chuẩn bị về Đài Loan, con bé thứ sáu tâm sự rằng con hy sinh đời mình lấy chồng nước ngoài. Qua đó con sẽ thu xếp gửi tiền về cho mẹ nuôi em. Tôi nghe xong đau thắt lòng nhưng chẳng làm được gì cả vì nghèo quá”, bà Hai nhớ lại.
Hai con gái của bà Hai lấy chồng nơi xứ người nhưng cuộc sống chẳng khấm khá hơn bà là bao. Vì thế họ chẳng có gì gửi về cho bà, thậm chí còn đưa con về Việt Nam nhờ bà nuôi giùm.
Chứng kiến hai chị gái lấy chồng Đài Loan quá nghèo, con gái út của bà Hai quyết định lấy chồng Hàn Quốc. Tuy nhiên gia đình chồng cô chỉ cần con trai mà cô lại mang bầu con gái. Thế là cô phải về ngoại sinh con rồi nhờ mẹ nuôi giúp để trở lại xứ sở kim chi kiếm tiền.
“Tôi nuôi 6 đứa cháu của 3 người con gái lấy chồng nước ngoài. Tất cả đều mang họ của chồng tôi. Một đứa trong giấy tờ tôi nhận là con, 5 đứa còn lại được con trai tôi nhận làm cha để chúng làm được giấy tờ đi học”, người phụ nữ miền Tây tâm sự.
Nhờ trúng số, cuộc sống của gia đình bà Hai đã khấm khá hơn rất nhiều. Thậm chí các con của bà cũng đỡ cực hơn khi 2 con gái ở Đài có công việc và thu nhập ổn định, còn gái út ở Hàn đã ly hôn chồng và không còn bị bạo hành. Còn 3 con trai lập gia đình và tổ ấm vô cùng hạnh phúc. Bà bảo việc trúng số giống như một điềm lành đến với các con của bà.
Bà Hai luôn răn dạy con cháu phải biết sống tiết kiệm. Ví dụ như sáng nào cũng dặn các cháu đun nước sôi để nguội rồi chuẩn bị 6 chai nước đem đến trường. Tan học bà nấu cơm sẵn để các cháu về là có cơm ăn, không la cà quán xá. “Vì nghèo nên tôi hiểu được giá trị của việc học hành. Tôi vẫn hay tâm sự với các cháu rằng muốn thoát nghèo phải học tốt cái chữ để cuộc sống không cực khổ như ngoại và các dì”, bà Hai chia sẻ.
Người đàn ông nhiều lần trúng số và kết cục chẳng thể ngờ
Trúng số độc đắc là một vận may đặc biệt với tỷ lệ một trên hàng triệu người. Vậy mà ở Việt Nam từng có người đàn ông lập kỷ lục trúng tất cả các giải ở nhiều đài xổ số khác nhau. Đó là anh T (SN 1985), làm nghề sửa khóa ở chợ Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Anh T chơi vé số từ chục năm về trước – ngày vé số có mệnh giá 2.000 đồng/tờ. Ban đầu anh chỉ trúng giải 3 con số rồi 5 con số với số tiền trị giá 1.5 triệu đồng. Và sau rất nhiều lần may mắn trúng tất cả các giải còn lại, năm 2012, anh bất ngờ trúng độc đắc.
Anh T. làm nghề thợ sửa khóa ở chợ.
“Trúng số không biết bao lần nhưng lần đó tôi nhớ suốt đời và thấm thía nhất. Hôm ấy, khi đang sửa khóa như mọi ngày, tôi thấy người đàn ông tật nguyền cầm tập vé số đi ngang qua liền mua ủng hộ 3 tờ cùng dãy số của đài Vĩnh Long mệnh giá 10.000 đồng/tờ.
Đến giờ xổ số, tôi vẫn chưa hay biết gì chuyện mình trúng độc đắc. Lúc đi sửa khóa cho khách, tôi vô tình đi qua bảng xổ số và nghe nhiều người bàn tán ra vào về giải đặc biệt ấy. Tôi thấy lạ đã dừng lại và giật mình vì dãy số đó khớp với 3 tờ vé của mình”, anh T nhớ lại.
Dù trúng độc đắc rõ mồn một song anh T chưa mấy tin, không dám la hét giữa chốn đông người. Anh quyết định chạy về đưa 3 tờ vé số cho mẹ dò lại một lần nữa. Mẹ anh xem xong cũng không tin vào mắt mình, đành đưa cho cha anh dò lại. Và sau khi cha xác nhận đã “đổi đời” với số tiền lên tới 4.5 tỷ đồng thì anh không còn đứng vững nổi.
Chuyện anh T trúng số chỉ có 3 người trong nhà biết, vậy mà chỉ trong chốc lát cả chợ đều tỏ tường. Nhiều người tò mò đã đến hỏi anh về 3 tờ vé khiến anh sợ hãi, muốn về nhà, bỏ mặc tiệm cho vợ trông coi.
“Vài ngày sau đó, tôi đi lĩnh tiền thưởng. Lúc đó trong tôi có cái cảm giác vui sướng khó tả thành lời bởi lần đầu tiên trong đời mới thấy số tiền lớn đến thế. Họ đóng toàn tờ 500.000 đồng thành 3 cục rồi bỏ vào 3 cái hộp”, anh T kể.
Anh T đã trích một ít làm từ thiện, cho anh em trong nhà vốn làm ăn, mua cho cha chiếc ô tô tải chạy kiếm tiền. Số tiền còn lại, anh mua cho vợ con một căn nhà và gửi ngân hàng tiết kiệm.
Giống như bao người “lên đời” nhờ trúng độc đắc, anh T bắt đầu thay tính đổi nết và quen nhiều bạn mới hơn. Đặc biệt anh ít ở nhà với vợ con, hay la cà nhậu nhẹt rồi gái gú, không màng đến công việc. Điều đó đã khiến anh và vợ nảy sinh nhiều cuộc cãi vã.
“Tôi đã hắt hủi vợ để theo nhân tình. Thậm chí còn nghe lời người ta về đánh vợ để đòi tiền tiêu xài. Vì thế mà gia đình ly tán, vợ tôi quyết định ly hôn ôm con về quê ngoại sinh sống”, anh T đau đớn chia sẻ.
Gia đình “tan đàn xẻ nghé” cũng là lúc nhà cửa, xe cộ… dần dần không cánh mà bay. Anh thợ sửa khóa bắt đầu đi vay nợ để phục vụ thú chơi bời của bản thân. Và đến khi tỉnh ngộ, anh T… trắng tay khi chẳng còn bạn bè thuở hàn vi, vợ con cũng bỏ đi. Anh đã về quê tìm vợ mong được tha thứ, hứa sẽ không đổ đốn. May mắn vợ anh thương nên bỏ qua tất cả, cùng nhau làm lại từ đầu.
Sau bao biến cố cuộc đời, anh T lại quay trở lại công việc sửa khóa. “Dần dần cuộc sống của vợ chồng tôi cũng ổn định. Đến giờ nghĩ lại tôi thấy tiền trúng số khó dùng vô cùng. Bởi vậy tôi không mong mình sẽ trúng thêm nữa”, người đàn ông khẳng định.