Lễ hội rước "của quý" khủng ở Lạng Sơn: Nhiều người có biểu cảm dung tục khi tiếp xúc, chuyên gia lo ngại bị biến tướng

Google News

Lễ hội Ná Nhèm vô cùng độc đáo và có ý nghĩa nhân văn to lớn, thế nhưng không ít người đang có hành vi phản cảm, làm mất đi ý nghĩa thật sự của lễ hội này.

Những ngày vừa qua, thông tin và hình ảnh về lễ hội Ná Nhèm ở đình Làng Mỏ, xã Trấn Yên (Bắc Sơn, Lạng Sơn) đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, trong đó sự chú ý đổ dồn về sinh khí thực nam (tàng thinh – mô phỏng bộ phận sinh dục nam). Theo thông tin từ ban tổ chức, tàng thinh được rước trong lễ hội Ná Nhèm năm nay có kích thước 1,3 mét, nặng khoảng 60kg và được các cụ bô lão tại địa phương lên ý tưởng, thiết kế và thực hiện.

Năm 2023 và cả một số năm trước đó có không ít người chụp ảnh với những hành động dung tục, phản cảm. 

Tuy nhiên, khi diễn ra lễ hội cũng như sau đó, rất nhiều người trong đó có cả chị em phụ nữ chụp ảnh với sinh khí thực của nam giới với nhiều biểu cảm rất dung tục, không thể hiện đúng theo tinh thần của lễ hội. Hình ảnh này sau khi được chia sẻ đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều của dư luận, đa số ý kiến lên án những hành động không đẹp này.

TS Bàn Tuấn Năng - Viện Văn hóa Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) người có công phục dựng lễ hội Ná Nhèm cho rằng, chính những hình ảnh xấu xí đó đang làm mất đi những ý nghĩa cao đẹp của lễ hội, gây bức xúc với cộng đồng cư dân sở tại và những người đã mất nhiều thời gian, công sức và trí tuệ để phục dựng lại lễ hội này.

Sinh khí thực nam năm nay dài 1,3 mét và nặng khoảng 60kg.

“Những người chụp ảnh dung tục đó không phải là người dân địa phương, họ không hiểu gì về lễ hội Ná Nhèm. Họ chỉ đến để chụp những bức ảnh mang tính dung tục, đưa lên mạng xã hội để cộng đồng quan tâm. Đây cũng là hệ lụy khi mạng xã hội đi trước truyền thông chính thống, hướng dư luận theo chiều hướng có thể là tiêu cực”, TS Tuấn Năng chia sẻ.

Theo TS Tuấn Năng, lễ hội Ná Nhèm có rất nhiều thông điệp ẩn về con cháu nhà Mạc và khát vọng về sự khôi phục vương triều thời kỳ hậu Cao Bằng (1677). Sự hiện diện của sinh thực khí nam – nữ (tàng thinh – mặt nguyệt), thể hiện khát vọng trường tồn của dòng họ. Trong nỗi sợ hãi khi thay tên, đổi họ trước họa tru di, con cháu nhà Mạc (cụ thể ở đây là họ Hoàng, họ Bế) đã dám “xé rào”, vượt qua Nho giáo, vác sinh thực khí nam nữ đi cúng Vua. Mong Vua che chở cho dòng họ, để được tiếp tục sinh sôi, nảy nở. 

Đình làng Mỏ năm 2011, khi TS Bàn Tuấn Năng bắt đầu phục dựng lễ hội Ná Nhèm. 

“Đỉnh cao của tín ngưỡng tập trung ở đây là khi đến đường cùng, tôn giáo ngoại lai sẽ phải dành chỗ cho tín ngưỡng bản địa, mà cao nhất là 2 tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và phồn thực.

Vì thế tôi rất buồn khi nhiều du khách khi tham gia lễ hội đã bỏ qua sự thiêng liêng này, tự ý dung tục hoá nó như một lễ hội có sắc màu tính dục, quên đi bài học lịch sử bi thương và giá trị nhân văn tài hoa trong sáng tạo mật mã văn hoá của các bậc tiền nhân”, TS Năng chia sẻ.

Theo vị tiến sĩ này, lễ hội Ná Nhèm có 3 điểm đặc biệt so với các lễ hội khác:

Thứ nhất, đây là lễ hội duy nhất ở hiện tại con cháu nhà Mạc được hô Vạn Tuế với vua tổ của mình. 

Thứ hai, đây là lễ hội duy nhất sử dụng mô hình khí giới như thật để diễn trò.

Thứ ba, đây là lễ hội duy nhất đem sinh thực khí nam nữ đi cúng Vua.

Với những giá trị ấy, lễ hội Ná Nhèm đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia từ năm 2015.

Diễn trình lễ hội Ná Nhèm có thể tóm lược như sau:

Buổi sáng sớm ngày rằm tháng giêng, các ông Mo, ông Hội và 4 anh Tưởng là người phụ trách việc cúng bái ở đình Làng Mỏ sẽ ra miếu Mỏ Vằn thắp hương và xin nước tiên ở mỏ nước Bó Vằn và rước về đình Làng Mỏ để thắp hương (Điểm đặc biệt của đình Làng Mỏ là ngoài các lư hương còn thờ thêm 2 thanh đại đao; Trong việc thắp hương cho Thành Hoàng ở đây, mọi người không được trực tiếp thắp hương mà phải dâng qua 4 anh tưởng là những trai tráng trong làng, đảm nhiệm việc hương khói và trong năm đảm nhiệm công việc này thì không đựợc phép lấy vợ).

Sau màn rước nước Tiên, cúng lễ sẽ đến phần Hội. Từ dưới khe suối, hai đoàn quân mai phục xông lên, đánh gươm và đại đao (người dân gọi là mác). Đi đầu là 2 ông tướng của nước Ngô đi trước và nước Lào đi sau (phó tướng). Đoàn quân sẽ đánh trận, diễu võ và khênh các đồ lễ như cây bông, cây ngô, cây khoai, cây lúa, kén tằm cùng với sinh thức khí nam – nữ. Khoảng gần trưa thì đoàn đến miếu Tam Tiều. Màn cung tiến lễ vật sẽ diễn ra tại đây. Cũng ở đây, khi cung tiến lễ vật, bao gồm cả sinh thực khí nam – nữ (tàng thinh – mặt nguyệt) cho đức Vua, người xướng sẽ hô bằng tiếng Tày vùng Cao Bằng chứ không phải bằng tiếng Tày của người Bắc Sơn (một hóa thạch về âm điệu, ngôn ngữ của họ Bế và họ Hoàng trước khi di cư về đây ẩn náu nhằm tránh họa tru di). Trong màn đối đáp, trò diễn… đức Vua sẽ được hô “tô mô Vạn Tuế”.

Buổi chiều, lễ hội tiếp tục diễn ra các trò sĩ – nông – công – thương, ngư – tiều – canh – mục. Đây là các nghề thiết yếu, đảm bảo cho đời sống mưu sinh của con người.

LÊ PHƯƠNG.

Bình luận(0)