Làm sao để tránh đột quỵ khi gió mùa về? Chuyên gia chỉ 2 cách phòng và dấu hiệu nhận biết cực dễ nhớ, dễ làm

Google News

Khi thời tiết chuyển lạnh, ngoài vấn đề liên quan đến viêm đường hô hấp, cảm cúm, cảm lạnh thì đột quỵ rất dễ xảy ra và dẫn đến tử vong nhanh chóng. Do vậy, việc phòng và nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ là vô cùng quan trọng.

Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội bệnh Mạch máu Việt Nam cho biết, trong vài ngày vừa qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiệt độ miền Bắc giảm nên dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong đó, đột quỵ là căn bệnh đáng sợ, nhất là với những người có bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch. 

Bác sĩ Mạnh dẫn chứng một số nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ đột quỵ trong mùa lạnh tăng 20-30% so với các mùa khác trong năm, vì thế mọi người cần hết sức lưu ý trong việc bảo vệ sức khỏe. Theo đó, bác sĩ Mạnh lưu ý 2 vấn đề quan trọng để bảo vệ toàn diện sức khỏe, nhất là hệ thống tim mạch và thần kinh.

- Thứ nhất, hãy giữ ấm cơ thể: Khi thời tiết chuyển lạnh, điều đầu tiên có thể nhận thấy đó là sự mất nhiệt trong cơ thể, gây nên hiện tượng co mạch, nhằm giữ nhiệt cho các cơ quan quan trọng. “Việc co mạch sẽ làm tăng áp lực máu, khiến huyết áp tăng cao, từ đó làm hệ tim mạch quá tải, làm tăng nguy cơ đột quỵ”, bác sĩ Mạnh lý giải.

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh cho biết, mùa lạnh không chỉ người có bệnh nền, ngay cả người trẻ cũng có nguy cơ bị đột quỵ, vì thế hãy giữ ấm cơ thể để phòng bệnh. 

Theo bác sĩ Mạnh, để giảm thiểu nguy cơ này, giữ ấm cơ thể là điều rất cần thiết và là yếu tố then chốt để phòng bệnh. Nguyên tắc giữ ấm cơ thể đầu tiên đó là mặc quần áo ấm giúp giữ nhiệt cơ thể, giảm thiểu tác động của nhiệt độ lạnh bên ngoài vào cơ thể. Tiếp theo, đó là cần giữ ấm những vùng dễ mất nhiệt, có nhiều dây thần kinh như cổ, tay chân, vùng đầu và cả hệ hô hấp, nơi khí lạnh có thể đi sâu vào cơ thể nhanh nhất.

Ngoài mặc ấm, mọi người cần đặc biệt lưu ý đến thời điểm “nhạy cảm” khi thời tiết lạnh, đó là vào buổi sáng sớm và tối muộn. Thời điểm này, những người có bệnh tim mạch, huyết áp hạn chế ra ngoài, không đi tập thể dục. Với người bình thường, nếu ra ngoài vào thời điểm trên cần mặc áo ấm, đeo găng tay, tất chân để giữ ấm cơ thể.

"Khi từ trong nhà ấm ra ngoài trời lạnh, cơ thể cần thời gian để thích nghi. Sự chênh lệch nhiệt độ quá nhanh có thể gây sốc nhiệt cho cơ thể, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Do vậy, mọi người khi thức dậy hay ra ngoài cần mở cửa trước để cơ thể thích nghi từ từ", BS Mạnh nói.

Thứ hai, cần kiểm soát tốt huyết áp và đường huyết: Đây là biện pháp phòng đột quỵ quan trọng, nhất là những người có sẵn bệnh lý nền. Theo đó, mùa lạnh là thời điểm mà huyết áp và đường huyết dễ tăng do cơ chế co mạch và sự ảnh hưởng của nhiệt độ đến quá trình chuyển hóa của cơ thể.

Quản lý huyết áp là biện pháp phòng đột quỵ hiệu quả. 

Mọi người cần kiểm tra huyết áp, đường huyết mỗi ngày để sớm phát hiện những bất thường, từ đó có biện pháp điều chỉnh phù hợp. "Người cao tuổi, đặc biệt là người có tiền sử bệnh mạch máu, cần theo dõi sát sao chỉ số huyết áp và đường huyết để đảm bảo trong giới hạn an toàn", BS Mạnh lưu ý.

Với người mắc bệnh lý này, ngoài mặc đủ ấm, cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế muối, đường và chất béo bão hòa. Những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống hàng ngày sẽ hỗ trợ quá trình kiểm soát huyết áp và đường huyết tốt hơn, từ đó giúp giảm nguy cơ đột quỵ trong mùa lạnh.

Khi thời tiết lạnh, mọi người khi có các dấu hiệu dưới đây cần nhanh chóng đi khám, cấp cứu để tránh đột quỵ hoặc biến chứng do đột quỵ gây nên:

- Các dấu hiệu nghi ngờ do biến cố tim mạch gồm: đau thắt ngực hoặc cảm giác khó chịu vùng ngực; khó thở có thể xảy ra kèm hoặc không kèm với tức ngực; vã mồ hôi, buồn nôn, hay nhức đầu.

- Dấu hiệu cảnh báo tai biến mạch não là: đột ngột tê (hay yếu) một bên mặt, tay hoặc chân; đột ngột choáng, nói khó; đột ngột đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân…

LÊ PHƯƠNG.

Bình luận(0)