Tết Trung thu 2024 rơi vào ngày nào?
Tết Trung thu còn có những tên gọi khác như tết Trông trăng, tết Thiếu nhi và tết Đoàn viên, diễn ra vào rằm tháng 8 âm lịch hàng năm. Đây là thời điểm trăng sáng và đẹp nhất trong năm, cũng là một trong những ngày rằm quan trọng đối với người Việt.
Năm nay, Tết Trung thu rơi vào thứ 3, ngày 17/9 dương lịch. Trong ngày này, các gia đình thường cúng tổ tiên, làm cỗ thưởng nguyệt, rước đèn, phá cỗ...
Khung giờ đẹp cúng rằm tháng 8, Tết Trung thu 2024
Việc cúng rằm tháng 8 mang theo nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Đó là cách để thể hiện lòng biết ơn và kính trọng đối với tổ tiên, gìn giữ đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Theo dân gian, ngày rằm hay 15 âm lịch hàng tháng được gọi là ngày Vọng, có nghĩa là nhìn xa trông rộng, ngày mặt trăng, vì đây là lúc mặt trăng tròn và sáng nhất.
Cúng rằm tháng 8 mang ý nghĩa giữ gìn những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp từ hàng nghìn đời nay.
Theo chuyên gia phong thủy Phùng Phương, trong ngày rằm tháng 8 năm nay có một khung giờ "vàng" để lên hương:
- Giờ Thìn (7h - 9h)
Đây được coi là khung giờ đẹp nhất để lên hương nhằm cầu nguyện mọi việc được đắc linh ứng, vạn sự hanh thông, như ý. Tuy nhiên, nếu điều kiện không cho phép thì các gia đình chỉ cần tâm thành và lòng thiện, hoàn toàn có thể dâng hương vào các khung giờ khác trong ngày, miễn là phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình thì mọi việc đều tốt đẹp.
Mâm cúng rằm tháng 8 gồm những gì?
Thông thường, mỗi mâm cúng rằm tháng 8 sẽ bao gồm: Bánh nướng, bánh dẻo, các loại hoa quả, hương hoa và đèn nến,... Ngoài ra, các gia đình có thể chuẩn bị các món ăn chay hay mặn. Nếu không có điều kiện và thời gian, gia chủ có thể chuẩn bị hoa quả, bánh kẹo đơn giản để thắp hương vào sáng ngày rằm.
Mâm cúng rằm tháng 8 có thể bày biện đầy đủ, hoặc có thể chỉ cần đĩa hoa quả hay bánh kẹo, trầu cau, rượu, trà, nước, thắp nhang để tỏ rõ lòng thành
Theo chuyên gia phong thủy Phùng Phương, với mâm cúng, tùy tâm gia chủ chuẩn bị sao cho phù hợp với truyền thống gia đình, tín ngưỡng, phong tục tập quán vùng miền, không yêu cầu phải theo chuẩn mực nào. Có thể chỉ đơn giản là đĩa hoa quả hay bánh kẹo, trầu cau, rượu, trà, nước, thắp nhang để tỏ rõ lòng thành. Sau khi sắp lễ xong thì phải đọc bài văn khấn các vị thần trước rồi mới cúng tổ tiên.
Dưới đây là bài văn khấn cúng rằm tháng 8 theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin:
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con kính lạy cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là:… Tuổi:…
Ngụ tại:…
Hôm nay là ngày rằm tháng 8 gặp tiết Trung thu, tín chủ chúng con thành tâm sắm lễ, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng. Xin các ngài độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Phục duy cẩn cáo!
*Thông tin trong bài mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!