''Cướp" vé số độc đắc của bạn thân và cái kết
Cách đây 20 năm, người dân thị trấn Tân Biên (Tân Biên, Tây Ninh) không khỏi bất ngờ trước câu chuyện hai người bạn tâm giao, thân nhau như ruột thịt bỗng dưng “trở mặt” chỉ vì 6 tờ vé số trúng độc đắc. Thậm chí, đến giờ, một số người già vẫn nhớ như in sự việc ấy.
Tháng 5/2005, ông Cang (SN 1942) cùng một người bạn đi lĩnh lương hưu rồi rẽ vào quán nhậu “đổi gió”. Ông nhớ đến ông Tuất (SN 1956) - đồng đội đồng chí sát cánh trong nhiều trận chiến nên gọi điện ra để nhậu, hàn thuyên chuyện năm xưa.
Trong lúc chén chú chén anh, ông Cang đã mua ủng hộ bé gái bán vé số 10 tờ rồi nhét vào túi áo cùng với 100 nghìn đồng và tiếp tục uống. Sau đó, ông Tuất hai lần rình móc túi của ông Cang nhằm lấy trộm tiền và vé số nhưng thất bại. Ông Tuất đành đợi ông Cang say hẳn rồi móc cả tiền lẫn 10 tờ vé số cho vào túi mình, trở về nhà chưa chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Chiều đó, bé gái bán vé số chạy tới quán nhậu báo tin 10 vé ông Cang mua ban sáng đã có 6 tờ trúng giải độc đắc. Chủ quán vội vàng báo tin cho ông biết nhưng lục trong túi chẳng thấy tờ vé nào cả. Ông đành chạy sang nhà ông Tuất dò hỏi nhưng không nhắc đến việc đã trúng số.
Ông Cang kể lại câu chuyện trúng số cách đây 20 năm.
Ông nói: “Chú Tuất! Có tờ trăm ngàn với mấy vé số trong túi chú lấy, giờ trả tôi”. Nghe vậy, ông Tuất đùa: “Anh trúng độc đắc hay sao mà đòi lại?” rồi đi vào nhà tìm tờ số. Đúng lúc đó ông Tuất thấy người bán vé số đi ngang nên chạy ra dò số thì mới hay trúng giải đặc biệt với tổng giá trị lên đến 300 triệu đồng. Ông Tuất bỗng nổi lòng tham, trở mặt nhất quyết không chịu trả lại 6 tờ số.
Ông Cang từng tâm sự: “Tôi không ngờ ông Tuất lại tham lam như thế. Ông ấy còn chửi tôi là kẻ thấy tiền loá mắt, thấy trúng số đòi cướp. Tôi đâu có cướp gì của ông ấy đâu, đó là của tôi. Hôm đó tôi nghe chửi nhiều quá nên ra về với hy vọng ông ấy nghĩ lại mà trả vài tờ vé số.
Song tôi càng đợi càng chẳng thấy gì. Tôi đành sang nhà người bạn tâm sự thì biết được ông ấy đã lĩnh thưởng 275 triệu đồng và mua 10 nghìn USD gửi ngân hàng”.
Lúc này ông Cang đã xuống nước nói lời hơn thiệt với ông Tuất rồi thuyết phục trả lại số tiền trúng số. Thậm chí ông còn đề cập đến chuyện kiện tụng. Nhưng ông Tuất không chịu trả, đuổi bạn ra khỏi nhà. Vì thế ông Cang quyết định nhờ pháp luật can thiệp.
“Toà tuyên án 8 năm, ông ấy bị giam dưới huyện nhưng nửa tháng sau đã được cho về vì bệnh gan quá nặng khiến cơ thể xanh xao ốm yếu. Về nhà, ông ấy càng suy nghĩ nhiều hơn khi thấy con cháu vẫn giận hờn, làng xóm bàn ra tán vào. Ông ấy đã lao vào nhậu nhẹt đến khi qua đời”, ông Cang xót xa.
Về số tiền trúng số, ông Cang cho biết sau vụ kiện được nhận lại toàn bộ số tiền 275 triệu đồng, còn khoản lãi ngân hàng của 10 nghìn USD ông không nhận. Sau đó ông dành hết tiền trúng số xây dựng lại căn nhà cũ nát khi xưa.
Người đàn ông bỏ mặc vợ con sau trúng số lĩnh trái đắng
Ông Hoàng Hiệp (TP.Cà Mau, Cà Mau) sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo ở huyện Đầm Dơi, quanh năm chịu đói chịu khát. Sau đó ông theo cả nhà lên thành phố chọn nghề chạy đò chở hàng thuê làm kế sinh nhai. Năm 1996, hàng hoá chủ yếu vận chuyển bằng tàu đò, thương lái có nhu cầu nhiều. Vì thế ông có dịp làm ăn, kiếm bộn tiền song vẫn không thể giàu lên nhờ mấy đồng bạc lẻ từ những chuyến đò qua sông.
Gánh nặng cơm áo cùng công việc vất vả đã khiến người đàn ông Cà Mau chán nản. Ông từng tâm sự: “Số phận tôi sinh ra trong gia đình nghèo thì phải chịu cảnh vất vả, chứ biết làm sao bây giờ? Tôi nhìn người có tiền ăn sung mặc sướng cũng ước ao lắm”.
Bến phà khi xưa ông Hiệp làm thuê làm mướn.
Hôm ấy, trước giờ xổ số quay thưởng, ông Hiệp được cô gái bán vé số mời chào và nài nỉ mua giúp. Ông nghe lọt tai liền tặc lưỡi mua ủng hộ 7 tờ, chứ không hề nghĩ đến chuyện được thần may mắn… gõ cửa. Ngờ đâu tất cả đều trúng giải đặc biệt với tổng trị giá 350 triệu đồng, tương đương 800 lượng vàng 24K vào thời điểm đó.
Bỗng dưng có số tiền lớn, ông Hiệp từ người khố rách áo ôm đã trở thành đại gia chỉ sau một đêm. Ông chẳng toan tính gì nhiều ngoài thẳng thừng tuyên bố từ giã con đò, bắt đầu sống cuộc đời của một người có tiền. Song ông không sắm sửa hay dựng xây nhà mới, cũng chẳng gửi tiết kiệm làm vốn phòng thân, không cờ bạc rượu chè. Thứ duy nhất mà ông say mê và thích thú chính là… phụ nữ buôn phấn bán hoa.
Người đàn ông tham sắc phụ ngãi đã mải miết chạy theo các cuộc ăn chơi, bỏ mặc người vợ cô đơn trong ngôi nhà cũ rách nát. Và không chịu đựng được thực tại, vợ ông Hiệp đã đề nghị ly hôn, đường ai nấy đi. Nhờ đó ông được đà ăn chơi, cung phụng các bóng hồng. Đó cũng là lý do “lộc trời” nhanh chóng vơi dần, ông quay trở về cảnh nghèo hèn và trắng tay.
Chỉ sau một năm trúng độc đắc, số tiền còn lại của ông Hiệp chưa đủ ăn hủ tiếu trong chục ngày. Nhưng số ông lại may mắn vô cùng, giữa lúc bĩ cực nhất đã trúng 5 tờ vé độc đắc, lần nữa trở thành đại gia… bao gái.
“Lúc bỏ vợ đầu, gia đình khuyên anh ấy cưới vợ hai để có người chăm sóc toan về già. Anh từ chối, lao vào các cuộc tình một đêm với hàng loạt cô gái khác nhau nên người đời gọi là “ăn tạp” cũng chẳng oan tí nào. Và chính thói quen đó mà chẳng có cô gái nào gắn bó với anh được lâu, cứ lần lượt “tạm biệt” khi tiền trúng số lần 2 cạn dần.
Còn anh vẫn không tỉnh ngộ, thay vì kiếm sống lại lao vào mua xổ số với niềm tin sẽ được thần may mắn gõ cửa lần thứ 3 trong đời. Nhưng… anh đợi mãi vẫn chỉ nhận lại con số 0 tròn trĩnh”, em họ của ông Hiệp tâm sự.
Không có tiền, ông Hiệp phải vay nợ nặng lãi để có tiền chi tiêu hằng ngày. Ông chẳng mấy lún sâu vào nợ nần khi lãi mẹ đẻ lãi con. Vì thế ông đành lăn lộn tìm kế mưu sinh, tìm đến người bạn mua lại chiếc xuồng cũ để tiếp tục với cái nghề thuở cơ hàn.