Bắt đầu từ tháng 7 âm lịch, các quầy bánh trung thu lưu động trên các tuyến phố tại Hà Nội đã được chuẩn bị rất sớm nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Bước sang tháng 8, khi Tết đoàn viên đến gần, thị trường bánh trung thu càng trở nên sôi động hơn. Tuy nhiên, năm nay vì nhiều lý do, thị trường bánh trung thu có vẻ ảm đạm.
Nhiều mẫu mã mới được tung ra vẫn không "hút" khách hàng
Do ảnh hưởng của bão số 3, thị trường bánh trung thu có sự gián đoạn trong vài ngày. Tuy nhiên, ngay sau khi cơn bão đi qua, thị trường đã hoạt động trở lại ở một số khu vực với nhiều quầy hàng tại nơi đông dân cư.
Các quầy hàng bán bánh trung thu được dựng lại sau bão.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện trên các tuyến phố ở Hà Nội như Võ Chí Công (Tây Hồ), Đào Tấn (Ba Đình), Lê Đức Thọ (Cầu Giấy),… nhiều cửa hàng, sạp bánh của các thương hiệu lớn đã được dựng lại tại những vị trí đắc địa nhằm thu hút người mua, kích cầu tiêu dùng.
Bánh trung thu năm nay không chỉ được đầu tư về chất lượng mà còn rất ấn tượng ở mặt thẩm mỹ, có nhiều vị bánh, mẫu mã nhằm phục vụ thị hiếu của người tiêu dùng. Nhiều thương hiệu lớn cũng cho ra mắt thêm các dòng sản phẩm mới, độc đáo như bánh sữa chua, phô mai sen nhuyễn, trà sữa trân châu, trứng muối hoa đậu biếc, vị trà xanh, vị than tre, vị táo đỏ, rau câu,...
Không chỉ đẹp ở từng chiếc bánh, mẫu mã bao bì của bánh trung thu năm nay cũng rất ấn tượng. Nhiều thương hiệu có thiết kế bìa, hộp sang trọng để người tiêu dùng có thể lựa chọn làm quà tặng, biếu.
Đa dạng các mặt hàng và mẫu mã bao bì.
Giá cả bình ổn, khách mua hàng vẫn thưa thớt, tiểu thương “vừa bán vừa ngóng”
Trung bình, các dòng bánh bán lẻ có giá dao động từ 35.000 đến 175.000 đồng/chiếc. Các dòng bánh đóng hộp cao cấp phục vụ khách hàng biếu, tặng với giá từ 350.000 đến 5.000.000 đồng/hộp.
Nhiều nhãn hàng cũng cho ra mắt các dòng sản phẩm bình dân để phục vụ đúng nhu cầu của người dân. Tuy là hàng bình dân, nhưng các sản phẩm vẫn đáp ứng đủ nhu cầu mĩ, vị của từng chiếc bánh. Nhìn chung giá bánh trung thu năm nay vẫn giữ mức giá ổn định so với năm ngoái.
Tuy mức giá hợp lý, nhiều mẫu mã đa dạng nhưng bánh trung thu năm nay khá ế ẩm. Ở thời điểm hiện tại, chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Trung thu nhưng thị trường vẫn thưa thớt, trầm lắng. Vì thời tiết mưa kéo dài trong suốt 1 tuần qua khiến việc đi lại, mua sắm của người dân bị hạn chế phần nào. Tại cửa hàng lớn, các khu chợ hay dọc tuyến phố, chỉ thấy lác đác vài khách mua bánh lẻ.
Thời tiết mưa kéo dài, các cửa hàng vắng khách.
“Từ trong tháng 7 cũng có khách mua lẻ nhưng thưa thớt, nhìn chung khách mua rải rác chứ không ồ ạt. Sau bão, khách mua bánh trung thu giảm hẳn, có lẽ là chưa đúng rằm tháng 8”, một nhân viên bán hàng trên đường Võ Chí Công (Tây Hồ) cho biết.
Tại một số cơ sở sản xuất bánh trung thu nổi tiếng ở Hà Nội như Bảo Phương (Thụy Khuê - Tây Hồ) hay Bình Chung (Xuân Đỉnh - Bắc Từ Liêm), Thu Hương (Phố Huế - Hai Bà Trưng) tình trạng có khả quan hơn đôi chút. Tuy nhiên, khách mua bánh trung thu năm nay không phải xếp hàng dài hay chờ đợi quá lâu.
Khách mua bánh trung thu tại Bảo Phương năm nay rất ít.
Tại Bình Chung, cũng chỉ có vài khách lẻ đến mua bánh.
Đối với các cửa hàng bán lẻ, tiểu thương chỉ nhập hàng với số lượng vừa phải vì khách năm nay tương đối vắng. Đặc biệt là sau bão, số lượng khách mua hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Một chủ cửa hàng tạp hóa tại đường Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm) cho biết: “Tôi bán bánh trung thu từ đầu tháng 7, nhưng chỉ nhập hàng cầm chừng vì thấy sức mua chậm. Bây giờ vẫn đang bão lũ khắp nơi, mưa gió ngập đường nên tôi nghĩ người dân cũng không hứng thú gì với bánh trung thu. Còn 1 tuần nữa đến trung thu nhưng thấy khách mua cũng không đông, hi vọng tới sát ngày sẽ bán hết hàng”.
Một số người dân đội mưa đi mua bánh trung thu.
Có thể thấy, thời tiết Hà Nội mưa kéo dài trong những ngày sau bão cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường bánh trung thu. Các tiểu thương hi vọng, tại thời điểm cận và chính Rằm tháng 8, tình hình sẽ khả quan hơn.