Gợi ý những món ăn có thể làm mang đi cứu trợ, người dân vùng lũ sử dụng được luôn không cần đun nấu

Google News

Khi chuẩn bị các món ăn mang đi cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, các tình nguyên viên nên ưu tiên những thực phẩm không cần đun nấu, có thể sử dụng ngay và dễ bảo quản vì các khu vực này đa số đều mất điện, mất nước, không thể chế biến đồ ăn. 

Trong những ngày qua, nhiều tỉnh miền Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi siêu bão Yagi mạnh nhất trong 30 năm trở lại đây. Cơn bão số 3 đã quét qua và tàn phá nặng nề Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội... Đến hiện tại, các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên,... đang tiếp tục phải gồng mình chống trọi với mưa lũ, sạt lở đất nghiêm trọng, gây thiệt hại quá lớn về người và tài sản bởi hoàn lưu bão, nước sông dâng cao. 

Nhiều khu vực bị chia cắt tín hiệu, giao thông đình trệ, và một số nơi mất điện, mất nước, làm cho công tác cứu hộ, cứu trợ gặp nhiều khó khăn. Người dân các nơi này đang rất cần các nhu yếu phẩm thiết yếu như thực phẩm ăn liền, nước uống, thuốc men và đồ dùng cá nhân để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Công tác cứu trợ từ các lực lượng chức năng và tình nguyện viên khắp nơi từ mọi miền Tổ quốc đang được đẩy mạnh để hỗ trợ kịp thời cho người dân các vùng bị ảnh hưởng.

Trong tình huống cứu trợ lũ lụt, các tình nguyện viên nên ưu tiên những thực phẩm không cần đun nấu, có thể sử dụng ngay và dễ bảo quản vì các khu vực này đa số đều mất điện, mất nước, không thể chế biến đồ ăn. Một số gợi ý về các món ăn có thể mang đi cứu trợ trong tình huống này bao gồm: Bánh mì hút chân không, bánh bông lan, cơm nắm muối vừng - ruốc hút chân không, xôi gói hút chân không, xúc xích ăn liền, thịt hộp, các loại bánh quy, bánh chưng hút chân không, thịt chưng mắm tép...

Những món này cần cung cấp đủ dinh dưỡng và năng lượng cho người dân mà không cần đun nấu. Bên cạnh các món ăn, sữa hộp, nước uống đóng chai, và trái cây tươi như chuối, táo cũng là lựa chọn phù hợp, giúp bổ sung vitamin và giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh.

Lưu ý, trước khi vận chuyển thực phẩm cần được đóng gói kín (như hút châm không) để thực phẩm được bảo quản tốt hơn.

Dưới đây là cách làm một số món ăn có thể mang đi cứu trợ hợp lý:

1. CƠM NẮM MUỐI VỪNG

Chuẩn bị:

500g gạo dẻo thơm; 100g lạc (đậu phộng); 50g vừng; 3 muỗng cafe đường; 1 muỗng cafe muối

Cách làm:

Làm cơm nắm: Gạo cho vào vo sạch rồi cho vào bếp nấu chín. Khi cơm chín và đang còn rất nóng, bạn có thể chuẩn bị nắm luôn. Cho cơm vào bát ăn cơm, dùng muôi nén thật chặt cơm xuống. Sau đó bạn đeo gang tay, lấy cơm ra nặn cơm cho tròn, dẹt hay dài tùy ý. Làm lần lượt đến hết. Nhớ phải nén mạnh tay cơm mới mịn. Để nguội.

Làm muối vừng với lạc: Lạc và vừng rang chín, để nguội. Vò lạc để loại bỏ vỏ lụa của lạc. Để nguội lạc, vừng. Sau đó cho vào máy xay, xay nhỏ với muối và đường vừa ăn. Không có máy xay, bạn có thể cho vào cối giã.

Cơm nắm, muối vừng đem hút chân không, chia theo xuất để thuận tiện cữu trợ.

2. RUỐC

Chuẩn bị:

- Thịt nạc mông (dùng thịt mông ruốc sẽ thơm hơn). Gia vị: Nước mắm, bột canh (hoặc hạt nêm), mì chính (tùy ý), hạt tiêu vừa đủ.

Cách làm:

Thịt rửa sạch rồi thái dọc thớ, cắt thành miếng vuông vừa phải, bỏ phần gân có dính trên thớ thịt. Lưu ý, muốn ruốc có sợi dài và bông hơn thì nên cắt miếng to. Ướp thịt với chút nước mắm, bột canh (hoặc hạt nêm), mì chính (tùy ý), hạt tiêu. Gia vị ướp bạn tự cân đối để phù hợp với khẩu vị của gia đình.

Cho thịt lên rim chín bằng lửa nhỏ, không cần cho thêm nước vì khi rim, thịt đã ra nước rồi. Khi thịt chín, cho thịt ra, dùng chày đập tỏi đập dập thịt khi đang còn nóng. 

Dùng băng dính quấn vào lưỡi dao của máy xay thịt. Sở dĩ làm điều này để giảm độ sắc của dao, làm sợi ruốc không bị nát vụn.  Cho thịt đã đập dập vào xay ngay khi vẫn đang còn nóng. Làm điều này để ruốc bông hơn. Lưu ý, khi xay, sử dụng nút ấn rồi nhả. Ấn khoảng 3 giây lại nhả ra rồi lại ấn nhả tiếp như vậy. Không ấn suốt quá trình xay làm sợi ruốc dễ bị đứt. Xay cho đến khi sợi ruốc nhỏ như ý mình là được. Mỗi mẻ xay như vậy tổng thời gian là 15-20 giây là xong. Cho ruốc ra chảo, sao bằng lửa nhỏ cho đến khi ruốc khô, vàng, thơm là xong! Cho ruốc ra để nguội.

Khi ruốc nguội, chia thành các phần nhỏ rồi hút chân không, thuận tiện theo từng suất và cũng dễ bảo quản hơn. Ruốc hợp để ăn kèm với cơm nắm, xôi/bánh chưng mang đi cứu trợ.

3. THỊT CHƯNG MẮM TÉP

Nguyên liệu làm thịt chưng mắm tép:

- Thịt nạc mông: 650g (xay nhuyễn hoặc băm) - Thịt ba chỉ: 350g (cũng xay hoặc băm).

- Mắm tép: 110g - Mắm tôm: 55g - Riềng xay vắt lấy nước cốt: 100ml - Hạt tiêu: 1 thìa cà phê - Sả: 5 cây - Hành khô: 5 củ - Đường: 1-2 thìa canh.

Cách làm thịt chưng mắm tép:

Trộn đều thịt nạc mông băm nhỏ với thịt ba chỉ băm nhỏ. Phần mắm tôm và mắm tép trộn đều với nhau. Chỉ lấy 2/3 trộn vào nguyên liệu khi ướp, còn chừa lại 1/3 nêm nếm khi chưng cho tròn vị.

Sả, hành khô băm nhỏ trộn vào ướp luôn với thịt băm. Nước riềng khi cho vào thịt thì nên chắt chừa lại phần lắng đọng bên dưới lại.

Thêm đường vào hỗn hợp thịt, trộn đều tất cả, sau đó bọc bát thịt lại, cho vào tủ lạnh ướp khoảng 3-4 giờ. Nếu có thời gian bạn cũng có thể ướp qua đêm. Sau thời gian ướp, cho hỗn hợp thịt đã ướp vào chảo và bắt đầu chưng.  Lưu ý, khi chưng, nhớ đảo liên tục để không bị cháy dưới đáy chảo. Chưng cho đến khi thịt chuyển sang màu vàng nâu đỏ, mỡ tứa ra nhiều, thịt săn lại thì tắt bếp.

Để nguội rồi cho thịt chưng mắm tép vào các lọ hoặc các túi hút chân không để mang đi cứu trợ. Món này hợp lý để ăn kèm với cơm nắm, bánh chưng.

4. BÁNH MÌ

Bánh mì bạn có thể mua sẵn như các loại bánh mì gối, bánh mì chuột, bánh mì thường. Nếu bạn muốn tự làm có thể tham khảo công thức tại đây.

Nguyên liệu:

- Bột mì đa dụng: 500g (hoặc bột mì số 13) - Men nở: 5g - Đường trắng: 20g - Muối: 3g - Nước lạnh: 300ml - Bơ thực vật: 30g - Giấm: 10ml - Dụng cụ làm bánh - Lò nướng bánh

Cách làm:

Bước 1: Cho bột làm bánh, đường, muối vào trong một chiếc bát tô to, rồi trộn đều hỗn hợp lên sao cho tạo thành hỗn hợp bột khô đồng nhất.

Bước 2: Tiếp theo, bạn cho giấm, bơ thực vật, men nở và nước lạnh vào hỗn hợp bột, trộn đều hỗn hợp lên sao cho chúng tạo thành một hỗn hợp đặc sệt. Để hỗn hợp này trong bát tô trong 15 phút để bột được nghỉ và men nở phát huy tác dụng.

Bước 3: Tiếp theo, bạn tiến hành nhào bột để cho khối bột trở nên mềm, mịn và hoàn chỉnh. Bạn có thể dùng tay không để nhào, hoặc sử dụng máy nhào bột tự động tùy thích. Sau khi đã nhào xong, bạn hãy để bột nghỉ trong 1 tiếng.

Bước 4: Chia nhỏ khối bột thành nhiều phần khác nhau (khoảng 100g - 120g mỗi phần). Sau đó bạn đập nhẹ bề mặt bột rồi vo viên để cho bột thoát hết không khí thừa bên trong. Mỗi viên bột đó sẽ được tạo hình thành bánh mì trước khi đem nướng. Tiếp tục để bột nghỉ trong vòng 5 phút.

Bước 5: Để tạo hình bánh mì, bạn cần lấy mỗi viên bột ra đem đặt trên mặt phẳng. Sau đó dùng cây cán bột để cán phẳng viên bột nhiều lần. Cuối cùng, bạn dùng tay lăn đều khối bột đó để tạo thành các thanh dài và có 2 đầu nhọn.

Bước 6: Tiếp tục đem ủ chỗ bột bánh vừa tạo hình trong lò nướng khoảng 20 phút. Sau đó bạn mở cửa lò nướng ra một chút để cho không khí lọt vào, rồi đóng cửa lò lại để tiếp tục ủ thêm 10 phút. Không được bật lò nướng trong khi ủ bánh.

Bước 7: Lấy khay bánh sau khi đã ủ ra, đặt một khay trống vào trong rồi bật lò nướng với nhiệt độ 240 độ C trong vòng 15 phút. Sau khi hết 15 phút, bạn mở nắp lò ra, đổ 300ml nước vào trong khay rồi đậy nắp lại.

Bước 8: Bạn chuẩn bị một con dao sắc để rạch tạo hình dọc thân bánh. Nhúng lưỡi dao vào dầu ăn rồi nghiêng lưỡi dao trong khi rạch để tạo thành các đường đẹp mắt. Sau khi rạch xong, bạn hãy xịt một ít nước tại phần vừa rạch nhé.

Bước 9: Đặt bánh vào lò nướng, ngay trên khay đựng nước mà bạn mới đổ vào trong lò lúc nãy. Đậy kín lò nướng rồi thực hiện việc nướng bánh ở 240 độ trong khoảng 8 phút liên tục.

Bước 10: Hết 8 phút nướng bánh, bạn mở nắp lò nướng và xoay lại khay đựng bánh theo chiều ngược lại để bánh chín đều, rồi bạn đậy nắp lại tiếp tục nướng lần hai trong vòng 5 phút ở nhiệt độ 200 độ.

Bước 11: Hết 5 phút, bạn thấy bánh vàng đều rồi thì hãy lấy khay nước phía dưới cùng ra khỏi lò. Đóng nắp lò lại rồi tiếp tục nướng lần ba trong vòng 3 phút ở nhiệt độ 180 độ C. Nướng đến khi bánh chuyển sang màu vàng nâu tức là đã chín hoàn toàn. Bạn tắt lò nướng và lấy bánh ra để sử dụng.

Để bánh nguội, đem hút chân không cùng với các hộp sữa đặc nhỏ và nước lọc chia theo suất cho dễ cứu trợ.

5. XÔI KHÚC

Ngoài xôi khúc bạn có thể nấu các món xôi như xôi lạc, xôi xéo... để mang đi cứu trợ. Xôi khúc thì không cần ăn mèm thêm ruốc hay muối vừng.

Nguyên liệu:

- 700gr gạo nếp - 200gr đậu xanh không vỏ - 300gr thịt ba chỉ xắt nhỏ - 1 củ hành khô xắt nhỏ - 1 tép hành lá xắt nhỏ - 200gr rau khúc hoặc rau cải bó xôi - 300ml nước lã - 250 - 300gr bột nếp (tùy thuộc vào độ hút ẩm của bột và nước xay lá nhuyễn hay không)

Cách làm:

Gạo nếp ngâm qua đêm hoặc vài giờ cho nở, xả lại nước lạnh, để ráo, trộn với xíu muối và tiêu. Đậu xanh ngâm nước qua đêm hoặc vài giờ, xả lại nước lạnh, để ráo.

Cho rau khúc, 200ml nước lã vào máy xay sinh tố, xay lấy nước cốt lá, lọc lại cho mịn. Đổ 100ml nước còn lại vào, lọc nước cốt lá thêm lần nữa.

Bắc chảo nóng, cho thịt ba chỉ, hành lá, hành khô, gia vị muối, tiêu vào xào chín cho thịt ra bớt mỡ.

- Đậu xanh sau khi ngâm xong, hấp chín với tiêu, muối. Hoặc có thể nấu trong lò vi sóng bằng cách cho đậu vào tô chịu nhiệt trong lò vi sóng, lượng đậu thấp khoảng 1/3 của tô. Đổ nước xâm xấp mặt đậu. Cho vào lò vi sóng bấm 2 lần 3 phút là đậu chín. (Nhớ phủ lên tô đậu 1 miếng khăn giấy loại dày). Nếu đậu khô thì thêm tí nước vào bấm thêm 1 phút nữa, còn nếu đậu nhão thì bỏ khăn giấy ra bấm khoảng 40 giây là đậu có độ ẩm vừa ý.

- Đậu chín lấy ra nghiền mịn, nêm gia vị muối, nhiều tiêu. Đổ phần thịt heo ở trên vào trộn đều. Chia ra vo viên thành những phần đều nhau.

- Làm nóng phần nước cốt rau bằng cách cho vào nồi, nấu hơi sôi hoặc cho vào lò vi sóng bấm khoảng 1 phút cho nóng là được. Cho bột nếp vào tô trộn bột, đổ từ từ phần nước cốt rau xanh vào. Dùng đôi đũa khuấy cho bột thấm đều quyện thành 1 khối bột. Sau đó dùng tay nhồi vài cái đến khi bột mềm, mịn và mượt là được.

- Chia bột ra làm những phần đều nhau. Nhúng tay cho ướt để dễ nặn bánh. Lấy từng phần bột nếp dàn mỏng, cho viên nhân đậu xanh vào giữa, bọc lại rồi vo tròn. Làm tương tự cho hết phần bột nếp và nhân đậu.

Lăn từng viên qua gạo nếp để gạo nếp bao đều viên nhân.

- Bắc xửng nước sôi lên bếp. Rắc ít nếp vào chõ, xếp bánh cách xa nhau để bánh chín và không dính vào nhau. Sau khi xếp hết 1 lớp bánh thì lại rắc kín 1 lớp nếp tới khi hết. Dùng khăn sạch đậy lên miệng xoong rồi đậy nắp nồi lại (để tránh bánh bị nhão do nước trên nắp bánh nhiễu xuống). Hấp khoảng 90 phút là xôi khúc chín.

Xôi nguội đem hút chân không.

MINH NGỌC

Bình luận(0)