Giải mã ngành học HOT của tổ hợp Xã hội, tỉ lệ chọi cao, mỗi môn 9 điểm chưa chắc đậu

Google News

Không chỉ trở thành hướng dẫn viên, sinh viên sau khi học ngành Du lịch được trang bị đầy đủ kỹ năng để hoạt động trong lĩnh vực điều hành, phân phối tour và các khối ngành liên quan đến dịch vụ lưu trú.

Những năm gần đây, bên cạnh sự phát triển của kinh tế, sở thích du ngoạn, khám phá các vùng đất mới ngày một nhiều hơn kéo theo nhu cầu về nhân sự trong ngành Du lịch tăng cao, nhất là nguồn nhân lực trẻ, năng động, đầy đủ kiến thức, chuyên môn.

Ở Việt Nam, ngành học Du lịch được nhiều sinh viên quan tâm vì đầu ra việc làm rộng mở, khả năng kiếm được công việc mức lương ổn định không quá khó. Vì thế, điểm chuẩn của ngành Du lịch tại các trường đại học, cao đẳng luôn nằm trong top đầu của khối ngành xã hội. Thậm chí nhiều trường còn đưa ra mức điểm chuẩn cao ngất ngưởng, 9 điểm/môn vẫn chưa chắc chắn đậu.

Khi theo học các chương trình đào tạo về ngành du lịch, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về các điểm đến, các hoạt động du lịch và cách quản lý và phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, sinh viên ngành du lịch sẽ tìm hiểu, nghiên cứu cách phát triển kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian và giải quyết vấn đề trong môi trường đa văn hóa. 

Ngành Du lịch là một trong những ngành nghề hot tại Việt Nam với nhu cầu nhân lực lớn.

Khi học chuyên sâu về ngành Du lịch, sinh viên bắt buộc phải tìm hiểu khối kiến thức liên quan đến lịch sử, văn hoá của các địa danh, điểm đến nổi tiếng. Ngoài ra, với ngành Du lịch đặc thù phải phục vụ du khách quốc tế nên yêu cầu sinh viên trang bị khả năng ngoại ngữ để có thể giao tiếp, trao đổi thông tin với khách du lịch nước ngoài. 

Theo đuổi khối ngành Du lịch, sinh viên khi ra trường có thể hoạt động trong các lĩnh vực như Hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên tại các điểm đến du lịch, nhân viên điều hành tour du lịch; Quản lý khách sạn và khu nghỉ dưỡng; Chuyên viên Marketing du lịch… Nhìn chung, ngành Du lịch có đầu ra về việc làm rộng mở, hoạt động ở trong và ngoài nước. Vì thế, đây là ưu điểm mà ngành Du lịch thu hút lượng lớn thí sinh xét tuyển qua từng năm. 

Mức thu nhập của các ngành nghề thuộc lĩnh vực liên quan đến Du lịch khi mới ra trường từ 8-12 triệu đồng/tháng. Có kinh nghiệm làm việc nhiều năm, nhiều chế độ đặc thù khác của ngành như phụ cấp, hoa hồng, dẫn tour sẽ giúp cho những người làm trong ngành Du lịch có mức thu nhập đáng mơ ước, thậm chí cả trăm triệu/tháng tuỳ vào khả năng, chuyên môn. 

Sinh viên ngành Du lịch có thể trở thành Hướng dẫn viên, thuyết minh viên hay có thể chọn hướng chuyên về Marketing, điều hành và quản lý tour du lịch.

Để theo đuổi ngành Du lịch, sinh viên có nhiều lựa chọn về các cơ sở đào tạo giáo dục từ chính quy đến cao đẳng. Với hệ chính quy, các trường đại học có chất lượng đào tạo ngành Du lịch tốt, nổi bật ở phía Nam như trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM), trường Đại học Văn hóa, trường Đại học Kinh tế, trường Đại học Yersin (TP.Đà Lạt)... Ở Phía Bắc có các trường như trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Thương mại, trường Đại học Ngoại thương…

Với hệ cao đẳng, sinh viên có thể lựa chọn các trường như trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật, trường Cao đẳng Kinh tế…

Sinh viên ngành Du lịch cần đảm bảo sức khoẻ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống và trang bị khả năng ngoại ngữ.

Ngành du lịch là ngành học hot luôn nằm trong top điểm tuyển sinh cao của các trường đại học. Đối với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM), ở phương thức xét tuyển bằng điểm của kỳ thi THPT Quốc gia, điểm chuẩn của ngành dao động từ 26 - 27 điểm ở các khối C00, D00, D14, D15. Cụ thể, ở năm 2023 điểm chuẩn của ngành Quản trị du lịch và lữ hành là 27,4 điểm (tổ hợp xét tuyển C00). Và ba tổ hợp xét tuyển D00, D14, D15 có cùng mức điểm chuẩn là 25,8 điểm. 

Với phương thức xét tuyển bằng điểm thi THPT Quốc gia năm 2023, trường Đại học Văn hoá TP.HCM có đào tạo các ngành về Du lịch và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có mức điểm giao động từ 23,5 đến 24,5 điểm. 

Ở phía Bắc, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) lấy điểm chuẩn năm 2023 của khối ngành du lịch dao động từ 25 - 26,4 điểm ở các tổ hợp xét tuyển A00, D00, D78. 

Hiện nay, có nhiều ngành học khác trong tổ hợp xét tuyển các môn Xã hội giúp sinh viên trang bị đủ kiến thức để làm việc trong lĩnh vực Du lịch.

Không chỉ sinh viên ngành Du lịch, sau khi tốt nghiệp có thể hoạt động trong lĩnh vực này. Ngoài ra, sinh viên của một số ngành xã hội khác hoàn toàn có thể làm việc trong các khối ngành Du lịch như các ngành Văn hoá học, Việt Nam học, Đông Phương học… Các ngành này đều giảng dạy các kiến thức xoay quanh về văn hoá, con người Việt Nam và trên thế giới. Từ đó, sinh viên có thể vận dụng và học hỏi thêm các kỹ năng để hoạt động trong lĩnh vực Du lịch lữ hành.

TẤN PHƯỚC

Bình luận(0)