Ghé Long Xuyên (An Giang) hỏi thăm cặp vợ chồng nghèo có 8 đứa con ai cũng hay biết, thậm chí có thể kể tường tận hoàn cảnh không đất, không nhà, không việc làm. Anh Hai – người hàng xóm cho biết: “Họ là người dân chính gốc ở đây nhưng chẳng có đất canh tác, cũng không có nơi để dựng nhà ở.
Họ hiện sống đậu trên mảnh đất của người anh kế trước, trong chiếc chòi rộng vỏn vẹn chục mét vuông. Chồng làm thợ hồ, vợ ở nhà trông coi 7 đứa nhỏ và chuẩn bị sinh thêm đứa thứ 8. Tôi thấy cuộc sống cực lắm nhưng bà con trong ấp đều khó khăn, chẳng giúp đỡ được gì cả”.
Nói rồi người đàn ông chỉ về phía nơi ở của cặp vợ chồng đông con. Đó là căn chòi được dựng tạm bợ, bên trong chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc giường cũ kỹ. Thậm chí gian bếp rất tuềnh toàng với thùng gạo chỉ còn vài hạt.
Thấy người lạ ghé tới, người đàn ông sở hữu mái tóc điểm bạc, gương mặt khắc khổ tự giới thiệu: “Tôi tên Minh Cảnh, năm nay 43 tuổi. Còn kia là vợ tôi, kém 2 tuổi. Chúng tôi cưới nhau ở cái độ tuổi có thể gọi là muộn, tầm 26-28 nhưng chẳng hiểu sao lại đông đúc con đến thế.
Chúng tôi liên tục bị vỡ kế hoạch do không biết cách phòng tránh. Thế rồi tôi không nỡ bỏ con nên động viên vợ sinh, ngờ đâu cuộc sống cứ dần khó khăn”.
Gia đình anh Cảnh dù nghèo khó nhưng luôn rộn rã tiếng cười.
7 đứa con cứ lần lượt chào đời, anh Cảnh và vợ bàn nhau không sinh nữa để có thời gian làm lụng kiếm tiền nuôi nấng các con trưởng thành. Cả hai phân chia công việc cụ thể, anh đi làm hồ với mức thu nhập 250.000 – 300.000 đồng/ngày, còn chị ở nhà chăm sóc mấy đứa nhỏ chưa đến tuổi đi học mẫu giáo.
Lúc này hàng xóm thở phào nhẹ nhõm nghĩ cặp đôi đã… dừng đẻ thật. Song đời chẳng biết chữ ngờ, chị vợ lại mang thai đứa con thứ 8. Anh Cảnh thảng thốn, không tin nhưng cũng chẳng dám khuyên vợ đi bệnh viện bỏ thai.
“Con cái là lộc trời cho, hơn cả tôi nghĩ “trời sinh voi ắt có cỏ” nên cứ đẻ thôi. Tôi biết cuộc sống giờ còn khó khăn nhưng không thể bỏ máu mủ được, nó làm gì có tội mà mình làm thế cơ chứ. Vì vậy tôi đành động viên vợ cứ để đẻ, có khó khăn gì hãy để mình tôi gánh vác”, anh Cảnh bộc bạch.
Người vợ (áo chấm bi) hiện mang thai đứa thứ 8, sắp đến ngày vượt cạn.
Vợ mang bầu ở tuổi ngoài 40, đồng nghĩa với việc sức khoẻ đi xuống rất nhiều. Bởi vậy anh Cảnh không dám để chị lao động nặng nhọc, thậm chí mấy việc nội trợ cũng nhờ con gái lớn 16 tuổi làm giúp.
“Chúng tôi có tất thảy 7 đứa con: 4 gái, 3 trai và đứa đang trong bụng. Cái lớn năm nay 16 tuổi, sau đó đến cặp song sinh trai, thêm một bé gái, bé trai và 2 đứa con gái nhỏ. Giờ đứa trong bụng tôi cũng là con gái, còn vài ngày nữa sẽ đến ngày sinh.
Tôi buồn lắm, vì sự thiếu hiểu biết về sức khoẻ sinh sản mà để các con không có cuộc sống đủ đầy như chúng bạn. Tôi quyết định rồi, sinh xong đứa út sẽ nhờ bác sĩ thắt vòi trứng hoặc đặt vòng tránh thai”, người vợ tâm sự.
Người vợ cũng cho biết, 7 đứa nhỏ rất ngoan và hiểu chuyện. Chúng biết cha mẹ vất vả mưu sinh nên hay đỡ đần việc nhà, chịu khó học hành. Thậm chí bé lớn còn trông em, cơm nước, giặt đồ giúp chị những lúc chị mệt mỏi. Và chị vất vả nhất là cặp song sinh, hay ốm đau cùng một lúc khiến chị không thể xoay kịp.
“Chúng hay bệnh, lại còn cùng nhau. Mỗi lần chúng bệnh khiến cả nhà lao đao vì tốn một khoản mua thuốc hoặc đi bệnh viện. Còn lại đám nhỏ trộm vía lắm. Có lẽ trời thương vợ chồng tôi vất vả vì đẻ nhiều mà cho con ngoan ngoãn, hiểu chuyện. Tôi chỉ hi vọng chúng luôn mạnh khoẻ, ngoan ngoãn… Sau này chúng lớn trở thành người tốt, chứ không mưu cầu giỏi giang gì”, chị vợ tâm sự.
Về phía anh Cảnh, anh chỉ mong có ông việc ổn định bởi hiện tại cứ làm một ngày, nghỉ 2 hôm. Như vậy anh mới có thể gánh vác được gia đình nhỏ có đông thành viên. Anh chia sẻ: “Người ta nói tôi giàu con cái. Tôi thừa nhận nhưng sòng phẳng mà nói sinh nhiều là vi phạm pháp luật về kế hoạch hoá gia đình, nghèo khó chồng chất. Tôi chẳng ước mơ gì ngoài mong vợ chồng, con cái khỏe mạnh”.