Đi khám đau bụng phát hiện khối u ở gan, cô giáo khóc cạn nước mắt vì sợ ung thư, thủ phạm phía sau mới bất ngờ

Google News

Bị đau bụng từng cơn, dù đã uống thuốc nhưng không đỡ nên nữ giáo viên đã đến bệnh viện khám và phát hiện khối u ở gan. Quá lo lắng và sợ hãi, cô giáo mầm non tiếp tục xuống Hà Nội kiểm tra và bất ngờ khi biết thủ phạm.

Thời gian gần đây, chị T.X (34 tuổi, đang là giáo viên mầm non ở Sơn La) ăn uống không ngon miệng, thường xuyên bị đau bụng ở hạ sườn bên phải. Cơn đau âm ỉ kéo dài khiến cuộc sống, công việc của chị X bị ảnh hưởng.

“Mỗi cơn đau kéo dài khoảng 2 tiếng, sau đó lại đỡ. Tôi lo bị bệnh dạ dày nên uống thuốc, nhưng vẫn không khỏi. Gần đây cơn đau xuất hiện nhiều hơn, cả khi ngủ và lúc đứng lớp”, chị X chia sẻ.

Lần gần nhất, do cơn đau dữ dội và kéo dài hơn những lần trước, nên chị X quyết định đến bệnh viện thăm khám. Kết quả siêu âm cho thấy, ở gan có khối u nên đã được chuyển tuyến cao hơn để khám chuyên sâu.

“Nghe bác sĩ thông báo tôi rụng rời chân tay, khóc hết nước mắt vì mình còn quá trẻ mà đã bị ung thư gan. Tôi còn gia đình, con nhỏ và bao dự định ấp ủ chưa thực hiện được”, chị X tâm sự.

Nữ giáo viên sau khi điều trị một tuần đã hết triệu chứng đau bụng vùng hạ sườn, được xuất viện. 

Khi nhận được kết quả trên, chị X xin nghỉ làm, đi khám chuyên sâu ở tuyến trên, qua chụp chiếu phát hiện, tổn thương trong gan là một khối áp xe, không phải ung thư. Dù “thoát án” ung thư, nhưng chị X vẫn lo sợ vì không hiểu vì sao lại có khối bất thường trong gan.

Được bác sĩ tư vấn, chị X tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) kiểm tra, qua làm các xét nghiệm và thăm khám, chị X được chẩn đoán bị sán lá gan và phải nhập viện điều trị nội trú.

Chị X chia sẻ, chị không bao giờ ăn thịt lợn tái sống hay gỏi cá các loại. Hàng ngày chị chỉ ăn rau nhà trồng, rất ít khi đi ăn ngoài hàng. “Do có đất rộng nên tôi trồng nhiều rau, nhất là các loại rau sống như rau xà lách, rau ngổ, rau mùi để ăn cho mát. Trong đó, rau ngổ tôi ăn thường xuyên hơn vì thích mùi thơm của rau. Tôi không ngờ ăn các loại rau sống dưới nước như rau ngổ lại có nguy cơ nhiễm sán”, chị X cho hay.

Bác sĩ Phùng Xuân Hách, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, sau một tuần tẩy sán, điều trị bệnh nhân X đã ổn định, ăn uống ngon miệng hơn, không còn triệu chứng đau tức hạ sườn và được xuất viện, hẹn tái khám định kỳ.

Theo bác sĩ Hách, sán lá gan được chia thành hai loại là sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ, thường gặp ở những người có thói quen ăn các loại gỏi cá, rau sống, nhất là rau thủy sinh như rau muống, rau cần, rau ngổ.

Khi bị sán lá gan, người bệnh sẽ có các triệu chứng như:

- Đau tức hạ sườn phải, thượng vị.

- Sốt, rối loạn tiêu hóa.

- Ăn uống kém, gầy sút cân…

Ăn các loại rau thủy sinh như rau ngổ nguy cơ nhiễm sán lá gan rất lớn. Ảnh minh họa.

Theo bác sĩ Hách, khi người/động vật nhiễm sán lá gan thải trứng ra ngoài môi trường, trứng sán phát triển và nở thành các ấu trùng, các ấu trùng này sẽ bám vào cây rau thủy sinh (rau ngổ, rau cần…). Nếu người ăn phải rau có ấu trùng sẽ bị nhiễm sán gây ra những tổn thương cho gan. Có một số trường hợp sán ký sinh lạc chỗ gây tổn thương cho lá lách, cơ.

Bệnh nhân bị sán lá gan, nếu điều trị đúng cách sẽ khỏi bệnh. Với các tổn thương ở gan, nếu tổn thương nhỏ có thể trở lại bình thường. Tuy nhiên, những tổn thương gan lớn có thể sẽ để lại sẹo xơ hóa trong gan.

Cách phòng ngừa bệnh sán lá gan tốt nhất là ăn chín, uống chín. Vệ sinh sạch sẽ trước và sau bữa ăn. Khi nghi ngờ sán lá gan nên tới các cơ sở chuyên khoa khám sớm.

Với rau sống, không chỉ rau thủy sinh mà các loại khác như rau mùi, rau húng, rau xà lách được trồng trên cạn cũng không nên ăn, nhất là ở vùng cao. Bởi rau này thường trồng ở gần nguồn nước, dùng nước ao, suối tưới nên vẫn có nguy cơ nhiễm sán lá gan, dù nguồn nước đó rất trong sạch.

LÊ PHƯƠNG.

Bình luận(0)