Đây là ngành học tiềm năng nhưng ít được để ý: Luôn "khát" nhân sự, có cơ hội làm việc tại nước ngoài

Google News

Đây là khối ngành không quá áp lực cạnh tranh nhau tranh suất học nhưng lại được doanh nghiệp đặt hàng nhiều, cơ hội cho sinh viên ra trường đi làm với mức lương hấp dẫn.

Nhiều cơ hội việc làm cho khối ngành nông lâm

Ngành nông lâm ngư nghiệp bao năm qua vẫn luôn nền tảng cốt lõi an sinh xã hội tại Việt Nam. Nông lâm ngư nghiệp là viết tắt của tổ hợp ba nhóm ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp, đảm nhận vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân. Nông lâm ngư nghiệp cũng như nhiều ngành nghề khác, luôn hiện hữu nhiều vị trí công việc đa dạng nhằm thu hút và phát triển nhân lực giỏi theo từng hướng chuyên môn sâu khác nhau.

Có thể mọi người thấy rất rõ nhu cầu xã hội về các ngành như Chăn nuôi, Thú y, Nông lâm nghiệp, Thủy sản, Công nghệ thực phẩm. Tuy nhiên, có một số ngành có nhu cầu về nguồn nhân lực cao nhưng lại chưa được nhiều người biết là Lâm nghiệp, Môi trường, Nông học và Thủy sản, Quản lý đất đai.

Trong thời đại số hoá, ngành học hướng đến ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông - lâm - ngư nghiệp. Người học được học tập, nghiên cứu tại phòng thí nghiệm hiện đại, với khu thực nghiệm, nhà lưới, phòng nghiên cứu sản phẩm thực nghiệm theo tiêu chuẩn tiên tiến. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên đảm bảo có đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương và phục vụ sự phát triển của nền nông nghiệp quốc gia nói chung.

Trong thời đại số hoá, ngành học hướng đến ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông - lâm - ngư nghiệp

Hiện nay nhu cầu nhân lực khối ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp đang thiếu hụt khoảng 3,2 triệu lao động đã qua đào tạo, vì vậy học các khối ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp có tỷ lệ việc làm sau ra trường là rất cao, sinh viên tốt nghiệp có nhiều cơ hội tìm việc làm, đây là một trong những lý do học sinh sau khi tốt nghiệp THPT nên chọn các khối ngành này để theo học.

Nói về ngành học Nông lâm những năm gần đây, Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, Giám đốc phân hiệu Ninh Thuận cho biết: "Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM với các nhóm ngành đều nhận được sự quan tâm của học sinh, điểm chuẩn khá cao, có ngành như bác sĩ thú y lên đến 26-27 điểm. Đặc biệt là các ngành thuộc nhóm khó tuyển cũng được các em quan tâm và các doanh nghiệp đặt hàng nhiều, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cho cả trong và ngoài nước như Úc, Nhật, Campuchia, Lào, Israel...".

GS.TS.NGƯT Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cũng cho hay: "Lâm nghiệp ngày nay đã khác xưa. Chẳng hạn, một kỹ sư có thể ngồi tại Hà Nội để điều khiển hoạt động tưới nước, bón phân hoặc khai thác, thu hoạch sản phẩm tại một tỉnh miền núi nào đó; giao dịch bán hàng có thể nhờ công nghệ chuyển đổi số. Máy móc đã làm thay con người nhiều việc. Thị trường lao động và công nghệ đã làm thay đổi nhiều thứ.

Nhìn dưới góc độ đào tạo và khoa học công nghệ, lâm nghiệp đang vận hành theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Trường Đại học Lâm nghiệp đã và đang coi trọng tính thực tiễn cho người học, xúc tiến du học, lao động tri thức ở nước ngoài. Nói đến lâm nghiệp là nói đến một trụ cột xanh của nền kinh tế xanh, là nói đến sự giao hòa, kết nối giữa con người với thiên nhiên. Việc mở rộng ngành nghề đào tạo và các lĩnh vực hoạt động càng giúp cho nhà trường phát triển mạnh mẽ hơn, thực hiện sứ mệnh tốt hơn".

Học ngành nông lâm ngư ra trường làm gì?

Các chuyên ngành cung cấp nhân lực cho nông lâm ngư nghiệp gồm các chuyên ngành học phổ biến sau: Khoa học cây trồng; Nông nghiệp công nghệ cao; Quản lý đất đai; Khoa học môi trường; Chăn nuôi - Thú y; Lâm sinh.

Sinh viên theo học khối ngành nông lâm ngư nghiệp sau khi ra trường có thể làm các công việc như Giám sát dự án thi công cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông/lâm/ngư nghiệp; Chăm sóc, nuôi trồng nông/lâm/ngư nghiệp; Nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại phòng thí nghiệm; Kiểm soát chất lượng sản phẩm và nguyên vật liệu sản xuất nông/lâm/ngư nghiệp; Marketing, tiếp thị, kinh doanh sản phẩm nông/lâm/ngư nghiệp; Phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đa quốc gia; Đào tạo, huấn luyện, chuyển giao, hợp tác nhân lực ngành nông/lâm/ngư nghiệp…

Sinh viên theo học nhóm ngành này có cơ hội việc làm rộng mở với mức lương hấp dẫn

Mỗi vị trí đều có cấp bậc nhân viên, chuyên viên đến quản lý. Yêu cầu tuyển dụng, quyền và nghĩa vụ sẽ thay đổi theo cấp độ thăng tiến của bạn. Hiện nay, thu nhập của nhân viên ngành nông lâm ngư nghiệp trung bình 9,7 triệu đồng/tháng, dao động trong khoảng 8,1 – 11,3 triệu đồng /tháng. Đối với nhân sự có trên 5 năm kinh nghiệm, mức lương có thể đạt đến 20 triệu đồng /tháng cho cấp bậc kỹ sư.

Bên cạnh đó, mức lương của các sinh viên ngành nông nghiệp có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Nếu các bạn có kiến thức chuyên môn sâu rộng và nhiều năm kinh nghiệm, bạn hoàn toàn thể xin việc và cơ hội làm việc tại các nền nông nghiệp lớn trên thế giới như Nhật Bản, hay các nước Trung Đông như UAE, Kuwait,...

Học ngành Nông Lâm ở đâu?

Thí sinh yêu thích ngành Nông Lâm có thể tham khảo học tập tại các trường như: ĐH Nông lâm TP.HCM, Học viện Nông Nghiệp Việt Nam, ĐH Nông Lâm Huế, ĐH Cần Thơ; ĐH Việt Nhật, ĐH Lâm nghiệp… Ngoài ra, tại các địa phương cũng có nhiều trường đào tạo khối ngành này giúp cho thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn.

Năm 2024, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tuyển sinh khoảng 5.095 chỉ tiêu cho cơ sở chính tại TP.HCM và 2 phân hiệu tại Gia Lai và Ninh Thuận. Trường sẽ sử dụng 5 phương thức xét tuyển trong năm nay.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển sinh 5.991 chỉ tiêu với 43 ngành theo 4 hương thức xét tuyển: Tuyển thẳng; Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; Xét học bạ; Xét kết hợp. Năm ngoái, đầu vào theo điểm thi tốt nghiệp THPT của Học viện Nông nghiệp Việt Nam dao động 16,5-24,5.

HÀ ANH

Bình luận(0)