Đây là ngành học có mức lương cao nhất Việt Nam năm 2024, việc làm rộng mở, HOT trong mùa tuyển sinh sắp tới

Google News

Trong bối cảnh kinh tế ngày càng mở rộng, nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính ngày càng tăng cao, Tài chính - Ngân hàng đã và đang là ngành nghề có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Ngành học này dự báo HOT trong mùa tuyển sinh 2024.

Ngành chưa bao giờ ngừng HOT lại có mức lương cực hấp dẫn

Theo khảo sát lương của ManpowerGroup Việt Nam, ngân hàng giữ vị trí đứng đầu ngành nghề có mức lương cao nhất hiện nay. 

TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng cho biết, một trong những lý do then chốt khiến ngành Tài chính - Ngân hàng luôn giữ được “vị thế” trong nhiều năm qua là cơ hội việc làm luôn rộng mở. Nhu cầu tuyển dụng đối với cử nhân Tài chính - Ngân hàng dồi dào, đặc biệt đối với nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường đại học uy tín.

Các chuyên gia dự báo, đến năm 2025, nhu cầu nhân lực cấp cao ngành tài chính ngân hàng sẽ tăng khoảng 20%/năm. Trong đó, trình độ Đại học trở lên, Cao đẳng chiếm tỷ lệ 80,4% nhu cầu. Riêng tại TP.HCM, nhu cầu nhân lực nhóm ngành này đến năm 2025 chiếm tỉ trọng 5% (khoảng 15.000 lao động) tổng số việc làm cần tuyển hàng năm.

Chia sẻ từ Học viện Ngân hàng, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội làm việc tại các tổ chức uy tín trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng với các vị trí công việc như: Các doanh nghiệp (chuyên viên tài chính, giám đốc tài chính, chuyên viên tư vấn thuế, giám đốc thuế); các ngân hàng thương mại (chuyên viên tín dụng doanh nghiệp, nguồn vốn...); đại lý thuế, đại lý hải quan, các công ty cung cấp dịch vụ thuế - kế toán; các công ty kiểm toán.

Không chỉ có cơ hội việc làm rộng mở, một khảo sát thống kê còn cho thấy, mức lương ngành Tài chính - Ngân hàng dao động từ 10 đến 30 triệu đồng. Đây là mức lương cao, dành cho cả sinh viên, học viên mới ra trường. So với các ngành nghề như bác sĩ, giáo viên… nhân viên Tài chính - Ngân hàng có mức lương ổn định hơn.

Báo cáo tài chính riêng lẻ của 27 ngân hàng niêm yết ở nước ta trong quý I/2024 cũng chỉ ra, các ngân hàng đã bỏ ra hơn 25.000 tỷ đồng để chi trả chi phí cho nhân viên. Ước tính, thu nhập bình quân mỗi tháng của nhân viên ngân hàng đạt khoảng 35,8 triệu đồng. 

Một số ngân hàng còn chi trả nhân viên với số tiền cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Ngân hàng Techcombank dẫn đầu khi trung bình mỗi nhân viên tại đây được trả hơn 49 triệu đồng/tháng. Xếp ngay sau là mức thu nhập của nhân viên đang làm việc tại các ngân hàng như MB, TPBank, Vietcombank, Vietinbank… tất cả đều trên 40 triệu đồng/tháng.

Nhìn chung, do môi trường phát triển ổn định, lành mạnh, nhân viên Tài chính - Ngân hàng còn nhận được nhiều ưu đãi khác. Cụ thể như tiền thưởng, chính sách bảo hiểm, chương trình ưu đãi…

3 yếu tố cần có để theo học ngành Tài chính - Ngân hàng

Với cơ hội việc làm rộng mở, Tài chính - Ngân hàng đang là ngành học được nhiều sĩ tử và các bậc phụ huynh quan tâm. Đây là ngành kinh doanh về lĩnh vực tiền tệ thông qua ngân hàng và các công cụ tài chính được ngân hàng phát hành nhằm bảo lãnh, thanh toán, chi trả trong nội địa và quốc tế. Ngành học này được chia thành nhiều lĩnh vực khác nhau như: Ngân hàng, Tài chính bảo hiểm, Tài chính thuế, Phân tích tài chính, Kinh tế học tài chính…

Sinh viên khi lựa chọn ngành Tài chính - Ngân hàng sẽ được trang bị các kiến thức từ cơ bản đến nâng cao về lĩnh vực tài chính, hoạt động ngân hàng; hiểu và sử dụng các công cụ quản lý tài chính hiệu quả nhằm tránh những rủi ro khi kinh doanh. Không những thế, sinh viên còn được trang bị đầy đủ các môn học nền tảng quan trọng về kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính quốc tế và doanh nghiệp… nhằm đáp ứng nhu cầu công việc về sau.

Theo TS Phùng Thị Lan Hương, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp: "Để học ngành Tài chính - Ngân hàng, sinh viên phải có 3 yếu tố là đam mê, sáng tạo và năng động. Nếu không có đam mê, sinh viên sẽ rất vất vả để tiếp thu khối kiến thức khổng lồ của ngành này. 

Tính sáng tạo là một yêu cầu thứ 2 giúp nâng cao tầm nhìn của sinh viên, từ đó có thể đảm nhiệm những vị trí quan trọng. Bên cạnh đó, tính năng động sẽ giúp sinh viên sớm thành công trong ngành này".

Đồng tình với quan điểm trên, TS Trần Mạnh Hà cũng chia sẻ, để làm tốt ngành này, bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên cũng cần trang bị những kỹ năng cần thiết như năng lực làm việc theo nhóm, khả năng làm việc độc lập, kỹ năng giao tiếp thuyết trình, năng lực ngoại ngữ tốt và đặc biệt là có đạo đức nghề nghiệp.

Hiện nay, ở nước ta, ngành Tài chính - Ngân hàng đang được đào tạo rất nhiều tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp với nhiều trình độ, chương trình khác nhau. Tuy nhiên, đối với trình độ Đại học, có thể kể ra một số trường đại học uy tín đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng gồm: Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thương mại, ĐH Ngoại thương, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Tài chính – Marketing, ĐH Kinh tế TP.HCM…

Trong đó, xét theo phương thức xét điểm thi tuyển sinh THPT năm 2023, mức điểm chuẩn của ngành này tại các trường đại học dao động từ 24.00 - 32.7 điểm. 

Cụ thể: Học viện Ngân hàng (Chương trình chất lượng cao ngành Ngân hàng là 32.7 điểm, ngành Tài chính là 32.6 điểm); Học viện ngân hàng (Gồm Tài chính - Ngân hàng 1,2,3 với điểm trúng tuyển lần lượt 25.94, 26.04, 25.08 điểm); ĐH Kinh tế quốc dân (27.10 điểm), ĐH Thương mại (gồm Tài chính - Ngân hàng thương mại là 25.9 điểm và Tài chính - Ngân hàng (Tài chính công) là 25.70 điểm); ĐH Ngoại thương Hà Nội (27.45 điểm), ĐH Ngân hàng TP.HCM (24.90 điểm), ĐH Tài chính – Marketing (24.2 điểm), ĐH Kinh tế TP.HCM (Tài chính công là 24.00 điểm, Ngân hàng là 25.30 điểm)...

H.A

Bình luận(0)