Le le là một loại chim trời, thường sống ở những đồng cỏ hoang vu. Chim le le sống thành bầy ở những nơi chúng ưa thích. Le Le phân bố không đều tại Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka, Bangladesh, Myanma, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nam Trung Quốc, Việt Nam. Tại Việt Nam, le le có nhiều nhất là ở Đồng Tháp và Long An
Về đặc điểm ngoại hình, chim le le giống con vịt nhưng trọng lượng của chúng rất bé, con nặng nhất cũng chỉ khoảng 400gr. Nếu đem so với vịt trời, le le có trọng lượng chỉ bằng phân nửa, nhưng thịt lại ngon, bổ và đắt hơn nhiều lần.
Le le có mỏ dài, màu xám, đầu và chân cũng dài. Lông trên đầu, cổ, bụng màu vàng sẫm như da bò, chỏm lông trên đầu sẫm màu hơn. Lưng và hai cánh màu sẫm, với các mảng màu nâu hạt dẻ trên cánh và ở phần đuôi. Trong tự nhiên, đêm về, chúng tụ tập lại một chỗ phát ra những tiếng rất ồn ào. Tiếng của le le hơi khò khè, rất dễ nhận biết.
Từ le le có thể chế biến thành nhiều món ngon như cháo le le, le le xào bầu, le le quay nước dừa... Trên thị trường, le le có giá lên tới 600.000 đồng/kg nhưng luôn trong tình trạng cháy hàng.
Thịt le le quay với nước cốt dừa có cách làm hơi cầu kỳ đôi chút. Le le làm sạch, lấy một ly rượu trắng, một ít gừng tươi giã nhuyễn, đem xoa vào bụng chim và bề mặt ngoài da cho bay hết mùi tanh. Sau đó thấm kỹ cho hết rượu gừng rồi lấy muối tiêu bột ngọt, húng lìu ướp cho ngấm vào trong da thịt khoảng chừng một tiếng đồng hồ. Trong lúc chờ đợi, cho mỡ hoặc dầu vào chảo gang đun sôi bỏng, mới thả chim vào quay, cho tới lúc vàng đều. Chọc một trái dừa tươi hứng lấy nước đổ vào chảo đang quay chim rồi đậy vung kín, đợi nước cạn thành một thứ xốt đặc, màu nâu như mật. Chim chín nhừ gắp ra khay chặt thành từng miếng vuông bày ra đĩa. Tại các nhà hàng, những món từ le le được xem là “hàng độc”, là món ngon hảo hạng có giá đắt đỏ.
Ngoài thiên nhiên, le le bị săn lùng ráo riết và có nguy cơ bị tuyệt chủng. Vì thế, những năm gần đây, nhiều hộ dân đã mở rộng mô hình nuôi chim le le và mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Theo đó, thức ăn của le le cũng rất đơn giản, chỉ có lúa, rong rêu và lục bình. Chúng vừa biết bơi lại vừa biết bay, vì thế khi làm chuồng nuôi nhốt phải tính tính đến chỗ cho chúng bơi lội và sải cánh. Chuồng nuôi phải thông thoáng, rộng, có tường bao quanh thật cao.
Người nuôi le le ở Cà Mau cho biết, le le vốn là giống chim trời hoang dã, sống trong môi trường tự nhiên, có khả năng miễn dịch khá cao. Khi được con người thuần hóa và chăn nuôi, chúng vẫn giữ được hệ miễn dịch tốt. Dù thả nuôi nhưng chất lượng thịt của le le vẫn rất ngọt, thơm, không kém gì thịt chim le le trong môi trường tự nhiên. Loài chim này sinh sản nhiều, mỗi năm chim mái đẻ chừng 6 lứa, ấp 27 ngày ấp sẽ nở con. Sau 8 tháng nuôi, một con le le có thể đạt trọng lượng 300 - 400 gr.