Cố tuyển cho bằng được nhân sự Gen Z vào làm, một thời gian sau nữ giám đốc chỉ biết thốt: "Ngao ngán lắm!"

Google News

Nhiều nhà tuyển dụng và người sử dụng lao động cho biết họ đau đầu trước khả năng giao tiếp – ứng xử và thái độ làm việc “không có tổ chức” của một bộ phận Gen Z.

Gen Z (viết tắt của Generation Z) là những người sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2012. Họ thừa hưởng các tiến bộ từ văn hóa, xã hội đến công nghệ. Vì thế họ được xem như nhân tố năng động, sáng tạo, tiếp thu nhanh, tầm nhìn rộng mở có triển vọng đánh bật sự ù lì, thụ động, chậm thay đổi của không ít người ở thế hệ trước.

Bên cạnh những điểm sáng ấy, nhiều nhà tuyển dụng và người sử dụng lao động cho biết họ đau đầu trước khả năng giao tiếp – ứng xử và thái độ làm việc “không có tổ chức” của một bộ phận Gen Z.

Chị Nguyễn Hồng (30 tuổi) – chủ một doanh nghiệp may gia công tại Hà Nội lắc đầu khi nhắc đến các ứng viên, nhân sự Gen Z mà chị từng tiếp xúc, làm việc cùng. Thậm chí khi đăng tuyển dụng nhân công, chị tuyên bố thẳng “Không tuyển Gen Z” để tránh mất thời gian của đôi bên.

Chị Hồng cho biết xưởng may vốn có chục nhân công, trong đó có 2 bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z có trình độ về may mặc – tức được đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học liên quan đến ngành Công nghệ dệt may. Họ gửi hồ sơ xin việc “sạch đẹp” cùng một thái độ cầu tiến khiến chị tin rằng xưởng sắp sửa có một “luồng gió mới”.

Mình không phải tự dưng có ác cảm với các bạn Gen Z. Xưa mình luôn nghĩ đó là thế hệ nổi trội với các ưu điểm: cập nhật xu hướng nhanh, giỏi công nghệ, dám bứt phá… Và tuyển các bạn về sẽ có sự phát triển vượt bậc cho xưởng, giúp mình có cái nhìn mới hơn về ngành thời trang.

Ngờ đâu mình làm việc với các bạn một thời gian phải thốt lên quá mệt mỏi, chán nản. Mình muốn sa thải nhưng vì các điều khoản hợp đồng đành kiên trì “dạy dỗ”, bảo ban lại từ đầu một Gen Z”, chị Hồng bày tỏ.

"Nhân sự Gen Z đã làm gì khiến bạn có cảm nhận như vậy?”, khi được hỏi, người phụ nữ thuộc thế hệ Gen Y thẳng thắn cho biết các bạn trẻ có thái độ làm việc cợt nhả, không chấp hành đúng nội quy doanh nghiệp cũng như thiếu tôn trọng đến người làm chủ. “Mình không muốn nói xấu nhân sự cũ nhưng thực sự thái độ làm việc của các em khiến mình sợ hãi đến tận bây giờ.

Ví dụ như “Chị ơi! Hôm nay em mệt, cho em nghỉ”. Sau đó bạn ấy nghỉ liền một mạch 2-3 hôm không báo, mặc định sẵn sếp đã biết, hôm nào đi làm lại sẽ hay.

Vài bữa sau, bạn ấy lại tiếp tục “Nhà em thợ đến làm cửa, không có ai nên em ở nhà trông. Họ làm xong em sẽ lên xưởng sau”. Và thế là bạn ấy nghỉ 2 hôm.

Mình có góp ý thì bạn cãi thẳng: “Đây chỉ là xưởng may, có phải công ty hay doanh nghiệp lớn đâu”. Mình choáng váng, không biết phải làm sao đành cho nghỉ việc”, chị Hồng tâm sự.

Nhân sự còn lại có cách ứng xử không tồi nhưng thái độ làm việc chẳng thể chấp nhận. Họ làm sản phẩm màu này nhưng đường chỉ lại màu khác. Chị Hồng phát hiện ra lỗi và hỏi vì sao lại làm vậy. Họ trả lời rằng “Em lười thay quá, làm vậy cho tiện”. Sau đó chị cứ “nói 1, nhân viên cãi 2”.

"Bạn ấy đem đồ ăn vặt vào xưởng, để cả lên vải, vừa ăn vừa may. Mình sốt ruột, sợ đồ ăn đổ xuống vải nên nhẹ nhàng nhắc nhở. Bạn ấy mặt lạnh tanh phủi đi, đem bịch đồ vứt xuống sọt rác ngay trước mặt mình.

Mình không chịu đựng được đã nói gay gắt suốt mấy chục phút. Sau lần đó, bạn ấy dần thay đổi, có thể nói thẳng là dần quen với môi trường làm việc tại xưởng, với những đồng nghiệp được coi là "già".

Nói chung mình thấy khi làm việc với các bạn Gen Z cần phải có sự kiên nhẫn, dành thời gian chỉ dạy đối với những người có thái độ lắng nghe, chấp nhận học tập. Song mình vẫn không muốn tuyển dụng các bạn, tránh gây ức chế cũng như mất thời gian của bản thân”, Hồng nói.

Chị Ngọc Anh (45 tuổi) – giám đốc một công ty nhỏ ở Hà Nội quả quyết một số nhân viên Gen Z làm việc kém hiệu quả nhưng rất hay đòi tăng lương. Đặc biệt mỗi lần gặp chuyện không như ý, họ sẵn sàng đăng đàn kể lên trên mạng xã hội với nội dung bêu xấu nơi làm việc, chỉ trích sếp.

Tôi từng có quan điểm tuyển người trẻ để công ty “mới hơn”. Vì thế cứ đợt nào tuyển nhân sự, tôi đều loại các nhân sự từ 30 tuổi trở lên, giữ lại Gen Z.

Có thời điểm công ty có tận 5 nhân sự ở độ tuổi từ năm 2000 trở lên. Ngày nào tôi cũng thấy các em ăn mặc sành điệu nhưng tuyệt nhiên không ai đi làm đúng giờ, đều muộn tầm 15 đến 25 phút dù công ty có chế tài phạt đi làm muộn", chị Ngọc Anh cho hay.

Trong lúc làm việc, người phụ nữ để ý các nhân viên Gen Z thường không tập trung làm việc, thi thoảng lại mua sắm online dẫn đến việc hoàn thành công việc chậm trễ. Chị yêu cầu giải trình thì nhận được câu trả lời: "Em chỉ làm đúng với mức lương nhận được. Nếu muốn em làm tốt, hãy trả lương cao hơn".

"Gần chục năm làm sếp, tôi lần đầu gặp kiểu nhân viên như vậy. Các em ấy không hiểu rằng bản thân mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, vậy mà đòi hỏi rất cao.

Và khi công ty không đáp ứng yêu cầu, các em sẵn sàng xin nghỉ rồi "bóc phốt" công ty và sếp trên các nhóm hội với tư cách của một "người bị hại". Tôi biết ngoài kia có rất nhiều bạn Gen Z giỏi giang, có ý chí cầu tiến, tuy nhiên, vẫn tồn tại một bộ phận không nhỏ các nhân viên lười làm nhưng luôn đòi hỏi lương ở mức cao", nữ giám đốc chia sẻ.

Vì "va vấp" với Gen Z rất nhiều vấn đề trong lúc làm việc nên khi nhắc đến họ, chị Ngọc Anh phải thốt lên "Ngao ngán lắm!". Chị cũng hi vọng thế hệ trẻ cần có cái nhìn đúng đắn về trình độ - kinh nghiệm của bản thân cũng như thái độ, cách ứng xử khi đi làm. Như vậy các em mới phát huy được năng lực, xứng đáng là thế hệ Gen Z của thời đại mới.

Hàng loạt bài báo "phản ánh" về Gen Z nơi công sở.

Theo khảo sát của Anphabe - một trong những đơn vị trong lĩnh vực tuyển dụng, việc làm, với gần 14.000 sinh viên trên toàn quốc, có tới 95% gen Z biết rõ mình thích và không thích làm việc trong lĩnh vực nào và tin rằng nếu có công việc chính thức đầu tiên sau tốt nghiệp, các bạn sẽ gắn bó ít nhất 1 năm.

Thế nhưng, khi khảo sát trên nhóm Gen Z đã ra trường và đi làm trong vòng 1 - 2 năm qua cho thấy, nhiều bạn trẻ thế hệ Gen Z có dấu hiệu chông chênh khi bước chân vào thị trường việc làm. Bởi, theo khảo sát này, có tới hơn 60% các bạn trẻ nhảy việc trong năm đầu tiên. Và lý do lớn nhất là chế độ lương thưởng không như mong đợi.

ResumeBuilder (trang web tạo CV miễn phí và chuyên nghiệp) từng khảo sát hơn 1.300 quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp tại nhiều quốc gia và cho kết quả 74% quản lý nói khó làm việc cùng Gen Z hơn các thế hệ khác.

Những lý do khiến các nhà quản lý thất vọng đối với các nhân viên Gen Z là họ thiếu kỹ năng công nghệ (39%), thiếu động lực và nỗ lực làm việc (37%). Các yếu tố còn lại bao gồm kỹ năng giao tiếp nghèo nàn (36%), dễ nổi nóng (35%).

Akpan Ukeme, Giám đốc nhân sự hãng chuyển phát toàn cầu SGK Global, chia sẻ sự mệt mỏi khi phải tương tác với nhân viên Gen Z vì họ "thiếu kỷ luật, thích chống đối". Họ cũng cho rằng mình tài giỏi hơn, thông minh hơn, có năng lực hơn sếp và không ngại "nói thẳng vào mặt bạn".

Không chỉ có vậy, 65% người tham gia khảo sát thừa nhận đuổi việc nhân viên Gen Z nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác. 12% sa thải trong chưa đầy một tuần nhận việc, 27% trong một tháng.

NGỌC HÀ

Bình luận(0)