Cô gái phải đi cấp cứu trong giờ làm việc, bác sĩ cảnh báo 4 thói quen dễ giảm tuổi thọ của dân văn phòng

Google News

Dù đã được bác sĩ cảnh báo nên nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc để cải thiện sức khỏe, nhưng vì công việc nhiều, Tuyết không thể làm khác, và sau đó phải đi cấp cứu trong giờ làm việc.

Còn trẻ nhưng đã mắc bệnh người già

Rối loạn tiền đình là căn bệnh phổ biến hiện nay. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, bệnh có liên quan đến yếu tố tuổi tác, giới tính, điều kiện sống và môi trường làm việc. Trong đó, tuổi cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh, ước tính có khoảng 35% người trên 40 tuổi ghi nhận tình trạng rối loạn tiền đình và hiện nay con số này đang có xu hướng trẻ hóa.

Chị Trần Linh Tuyết (27 tuổi), là trưởng phòng cho một công ty ở TP.HCM nên thường xuyên phải làm việc liên tục hơn 10 giờ/ngày. 2 ngày cuối tuần, chị cũng ít có thời gian nghỉ ngơi. Mỗi ngày chị chỉ được ngủ từ 3-4 giờ, nên thường xuyên trong tình trạng bị thiếu ngủ, nhiều lần kiệt sức, chóng mặt và phải nhập viện điều trị. Bác sĩ khuyến cáo, chị cần giảm lượng công việc, ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất để cải thiện sức khỏe. 

Theo các bác sĩ, ngồi làm việc hàng giờ trên máy tính sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Ảnh minh họa. 

Mới đây, chị một lần nữa được đưa đến bệnh viện cấp cứu vì hoa mắt, chóng mặt, nôn ói khi đang làm việc. BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, chẩn đoán chị bị rối loạn tiền đình dạng chóng mặt kịch phát tư thế lành tính, được điều trị bằng thuốc chống nôn ói, kiểm soát căng thẳng lo âu, được hướng dẫn thực hiện các bài tập nhằm tái định vị sỏi tai. Sau 2 tuần điều trị, sức khỏe của nữ bệnh nhân hồi phục được 90%. 

Bác sĩ Hằng cho biết, ngoài chị Tuyết, thời gian qua, Trung tâm Tai Mũi Họng còn tiếp nhận hơn 100 người trẻ dưới 40 tuổi bị rối loạn tiền đình. Trong đó có chị Cẩm Mai (29 tuổi, ở TP.HCM) thường có thói quen thức khuya đến 2 hoặc 3 giờ sáng để giải quyết công việc tồn đọng ở công ty. Ngoài ra, chị còn nhận thêm nhiều công việc khác, nên ngày nào cũng phải ngồi trước máy tính từ 14-15 giờ, không vận động.

Công việc khiến chị Mai bị áp lực, stress, thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu. Dù đã được chẩn đoán rối loạn tiền đình 3 năm trước, chị quyết định “sống chung” với bệnh vì còn dành thời gian để làm việc. Cũng vì vậy, mỗi khi bệnh tái phát, chị bị ám ảnh với các cơn hoa mắt, chóng mặt, nôn ói. “Chị Mai cũng được điều trị phương pháp giống chị Tuyết, hiện đã hồi phục sức khỏe khoảng 90%”, bác sĩ Hằng chia sẻ. 

Chị Mai trong lần khám rối loạn tiền đình mới đây. Ảnh: BVCC.

Dân văn phòng dễ bị rối loạn tiền đình vì có 4 thói quen không tốt

Theo bác sĩ Hằng, vốn dĩ nhiều người trẻ, nhất là dân văn phòng dễ bị rối loạn tiền đình là do có chế độ sinh hoạt chưa khoa học như:

- Lịch làm việc dày đặc, phải làm việc liên tục mà không có thời gian nghỉ ngơi. 

- Bị áp lực trong công việc nên thường xuyên bị stress.

- Thường xuyên ngồi nhiều giờ trước máy tính, dẫn đến không có thời gian vận động.

- Ngủ không đủ giấc dẫn đến bị thiếu ngủ.

Bác sĩ Hằng giải thích, khi công việc quá áp lực, bạn sẽ dễ bị stress, căng thẳng. Điều này khiến cơ thể sản sinh một lượng lớn hormone cortisol tác động tiêu cực đến việc truyền thông tin từ hệ thống tiền đình đến não, khiến hệ thống tiền đình nhận thông tin không chính xác, dẫn đến rối loạn. Hay khi ngồi trước máy tính nhiều giờ liền, không vận động ảnh hưởng đến lưu thông máu đến não, có thể gây rối loạn tiền đình trung ương. “Căng thẳng không trực tiếp gây chóng mặt, nhưng nó góp phần gây rối loạn chức năng phần tai trong kiểm soát sự cân bằng (hệ thống tiền đình)”, bác sĩ Hằng chia sẻ. 

Thiếu ngủ, ít vận động, làm việc căng thẳng là nguyên nhân dễ làm giảm tuổi thọ. Ảnh minh họa.

Theo bác sĩ Hằng, tỷ lệ hồi phục khi điều trị người trẻ rối loạn tiền đình thường cao hơn so với người lớn tuổi nếu chẩn đoán chính xác sớm và điều trị đúng cách. Bởi các tế bào và mô trong cơ thể người trẻ hoạt động hiệu quả hơn trong việc phục hồi tổn thương. Đồng thời, người trẻ cũng không mắc các bệnh nền vốn làm phức tạp thêm quá trình điều trị và hồi phục như tiểu đường, cao huyết áp, các bệnh về tim mạch.

Do đó, khi có triệu chứng chóng mặt, xoay tròn, mất thăng bằng là những biểu hiện thường gặp của bệnh rối loạn tiền đình bạn nên cần đi khám sớm, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và đối diện nguy cơ té ngã dẫn đến chấn thương không mong muốn. “Rối loạn tiền đình trung ương nguy hiểm hơn, để lại biến chứng lâu dài, nguy cơ đột quỵ, tai biến nếu không điều trị kịp thời”, bác sĩ Hằng khuyến cáo.

* Tên người bệnh đã thay đổi.

DIỆU THUẦN

Bình luận(0)