Theo thông tin từ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, các sĩ vừa thực hiện kỹ thuật lấy trứng để trữ đông cho một nữ bệnh nhân 17 tuổi, được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng. Theo nhận định của TS.BS Đoàn Xuân Kiên, giám đốc trung tâm thì đây là một ca bệnh khó và nhiều cảm xúc.
Theo đó, bệnh nhân 17 tuổi này được phát hiện có khối u ở buồng trứng trái và được chỉ định cắt bỏ buồng trứng để loại khối u. Sau sinh thiết, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư và có chỉ định xạ trị. Lo lắng quá trình xạ trị sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của con trong tương lai, gia đình và bệnh nhân đã quyết định thực hiện trữ đông trứng, dùng cho việc thụ tinh trong ống nghiệm sau này.
Khi thăm khám và khai thác thông tin, phát hiện bệnh nhân chưa từng quan hệ, các bác sĩ quyết định sẽ tiến hành lấy trứng qua đường bụng. "Việc tiếp cận buồng trứng qua đường bụng gặp nhiều khó khăn và dễ làm tổn thương các mạch máu, các tạng trong ổ bụng là những vấn đề mà ê-kip thực hiện phải đối mặt. Với sự kết hợp nhịp nhàng của cả ê kíp, các bác sĩ đã lấy được 14 trứng từ buồng trứng phải của bệnh nhân để trữ đông”, bác sĩ Xuân Kiên chia sẻ.
Các bác sĩ đang tiến hành lấy trứng trữ đông cho bệnh nhân 17 tuổi.
Bác sĩ Phan Thu Hằng - giảng viên Bộ môn Phụ sản (Đại học Y Hà Nội) cho rằng, việc cô gái còn trẻ, không may mắc ung thư buồng trứng thì việc trữ đông trứng là quyết định sáng suốt, để phục vụ cho việc sinh sản sau này.
Khi nào thì phụ nữ nên trữ trứng?
Theo bác sĩ Hằng, ngày nay, tình huống này không hiếm. Ngoài những trường hợp bệnh lý như cô gái trên hay các bệnh nhân suy bị trứng cần khám và trữ những quả trứng tốt nhất để phục vụ cho việc sinh sản sau này, một số người lập gia đình muộn cũng có thể trữ trứng.
“Hiện nay, xu hướng của phụ nữ trên thế giới cũng như tại Việt nam là trữ trứng và thực hiện các mục tiêu khác trước để đến thời điểm muốn làm mẹ sẽ không gặp phải tình trạng cạn kiệt trứng”, bác sĩ Hằng chia sẻ.
Đặc biệt, trứng có thể được trữ lạnh ở thời gian dài, lên tới 10 năm, không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sau khi rã. Nếu phụ nữ trữ trứng ở độ tuổi 20, sau đó ngoài 30 tuổi mới mang thai, trứng được rã đông sau hơn chục năm thì chất lượng vẫn tốt như độ tuổi 20. Do vậy, với phụ nữ không may mắc bệnh, hay còn phải lo công danh, địa vị, muốn sống tự do thì việc trữ trứng khi còn trẻ sẽ đảm bảo chất lượng trứng được tốt hơn.
Việc trữ đông trứng có thể kéo dài cả chục năm vẫn đảm bảo chất lượng thụ thai sau này. Ảnh minh họa.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tuổi càng trẻ khả năng mang thai bằng trứng đông lạnh cao hơn. Ngược lại, thai phụ quá lớn tuổi, nguy cơ tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp có thể xảy ra, gây nguy hiểm cho cả mẹ và con. Do vậy, các chuyên gia luôn khuyến cáo, thời gian mang thai và sinh con trong chuẩn độ tuổi sinh đẻ (dưới 35 tuổi) là tốt nhất cho mẹ và con.
Phụ nữ cần chuẩn bị gì khi trữ trứng?
Trước khi thực hiện chọc trứng để lấy trứng trữ đông, các chuyên gia tư vấn, chị em nên chuẩn bị về mặt tâm lý và kiến thức, hiểu biết về quy trình trữ trứng. Ngoài ra, còn có 2 yếu tố rất quan trọng cần chuẩn bị:
- Về kinh tế: Chi phí thực hiện kỹ thuật trữ trứng hiện nay ở Việt Nam khá thấp so với các nước trên khu vực và trên thế giới, nhưng so với thu nhập trung bình của phụ nữ trong xã hội còn tương đối cao (khoảng 40-50 triệu).
- Về kỹ thuật: Việc kích thích buồng trứng và hút trứng phải thực hiện bằng siêu âm đầu dò âm đạo. Với một số phụ nữ chưa quan hệ, việc này khó thực hiện nên cần lấy trứng qua đường bụng, có thể gặp nhiều khó khăn và rủi ro hơn.