Chẳng may bão không đi được chợ, vét tủ lạnh làm ngay 5 món đơn giản, bình dân nhưng ngon miệng, trôi cơm này

Google News

Dưới đây là những món ăn đơn giản, dễ nấu nhưng đặc biệt ngon miệng, bắt cơm đảm bảo cả nhà sẽ thích.

1. TRỨNG CHƯNG CÀ CHUA

Nguyên liệu:

- 2 quả trứng

- 2 quả cà chua cỡ nhỏ

- 1 nhúm muối tiêu

- ¼ chén dầu ăn; 1/8 muỗng cà phê đường; ½ muỗng cà phê muối; 1 nhánh hành lá thái nhỏ

Cách làm:

Trong một bát nhỏ, đập trứng vào rồi thêm muối tiêu. Đánh đều cho đến khi trứng sủi bọt nhỏ, có màu sáng vàng.

Cắt đôi cà chua, bỏ lõi, sau đó cắt thành các miếng nhỏ.

Đun nóng dầu ăn trong chảo, sau đó đổ trứng vào, chờ vài giây cho trứng hơi đông lại thì tắt lửa.

Dùng đũa đảo trứng cho chứng vỡ thành từng miếng nhỏ. Sau đó cho trứng ra bát, giữa lại dầu ăn trong chảo.

Cho cà chua vào chảo, xào cho đến khi cà chua mềm. Đổ trứng vào, thêm muối, đường, hành lá, xào nhanh để các nguyên liệu hòa quyện rồi cho trứng chưng cà chua ra đĩa ăn cùng cơm nóng.

2. TRỨNG CHIÊN NGẢI CỨU

Nguyên liệu:

- 1 nắm nhỏ rau ngải cứu non, 3 quả trứng gà, nước mắm hoặc bột canh, muối

Cách làm:

- Ngải cứu bỏ lá già, sau đó đem ngâm nước có pha chút muối trong 10 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch.

- Đun sôi một nồi nước rồi cho lá ngải cứu vào chần cho mềm một chút trong khoảng 1-2 phút. Thêm bước chần rau ngải cứu này sẽ giúp bạn khử bớt vị đắng của nó, nhờ thế làm món trứng chiên ngải cứu sẽ thơm, rau vẫn giữ được màu xanh mà không còn nhiều vị đắng nữa.

- Sau đó vớt lá ngải cứu ra để nguội, vắt kiệt nước, thái nhỏ.

- Đập 3 quả trứng vào bát, cho chút bột canh hoặc nước mắm thích hợp vào. Bạn cũng có thể thay mắm/bột canh bằng muối. Đánh tan trứng. Sau đó cho lá ngải cứu đã thái nhỏ vào.

Cho lượng dầu thích hợp từ chảo, đun cho dầu nóng thì đổ hỗn hợp trứng ngải cứu vào chảo. Vặn lửa nhỏ, đợi trứng se lại thì lật mặt. Không nên lật sớm quá trứng sẽ bị nát.

Chiên cho đến khi mặt còn lại chín, sém vàng là trứng ngải cứu đã chín hoàn toàn. Lúc này bạn có thể cho trứng chiên ngải cứu ra đĩa ăn nóng với cơm. 

Trứng chiên ngải cứu kiểu này không chỉ thơm, bổ dưỡng mà còn ít đắng!

3. TÉP RANG HẸ

Chuẩn bị:

- 250 gram tép sông, 1 nắm hẹ, lượng dầu và muối thích hợp, 1 phần trắng của hành boa rô, 2 miếng gừng, 2 tép tỏi, 1/2 muỗng rượu nấu ăn

Cách làm: 

- Tép rửa sạch để ráo. Hẹ nhặt sạch, rửa rồi để ráo.

- Hành boa rô xắt khúc. Tỏi, gừng băm nhỏ.

- Cho dầu ăn vào chảo đun nóng sau đó thêm tỏi, hành, gừng vào phi thơm.

- Sau đó cho tép vào đảo cho đến khi đổi màu và có mùi thơm.

- Sau đó cho phần trắng của cây hẹ vào trước cùng với rượu nấu ăn, muối, đảo đều một lát cho ngấm. Cuối cùng cho phần lá hẹ vào đảo đều rồi tắt bếp.

Cho tép xào hẹ ra đĩa rồi ăn với cơm trắng! Món tép rang hẹ đạt chuẩn là kho, giòn giòn có mùi thơm nức mũi, hương vị đậm đà!

4. BA CHỈ KHO DƯA

Nguyên liệu:

- 700gr thịt ba chỉ lựa chỗ liền nạc mỡ.

- 3 thìa đường trắng, 3 thìa cà phê nước mắm, 3 thìa cà phê hạt nêm (tuỳ ý).

- 2 bát dưa cải muối chua.

- 150ml nước dưa chua.

- Hành khô.

Cách làm:

Bước 1: Sơ chế thịt

Thịt ba chỉ rửa sạch, sau đó đem thái miếng vừa ăn. Cho ba chỉ vào nồi, thêm nước lạnh, đun sôi tầm 2 phút thì vớt thịt ra để cho sạch bọt bẩn và hết máu thừa. Thịt sẽ thơm và đỡ tanh.

Bước 2: Thắng đường

Cho 3 thìa đường lên chảo, đun đến khi đường tan chảy và chuyển sang màu cánh gián thì thêm nửa bát con nước vào, đun sôi thu được nước màu.  

Bước 3: Kho thịt

Cho thịt vào chảo nước màu, đảo đều cùng 3 thìa cà phê nước mắm, 3 thìa cà phê hạt nêm.

Dưa muối chua để riêng khoảng 150ml nước dưa, vắt kiệt và rửa sạch dưa. Sau đó phi thơm củ hành khô, cho dưa vào đảo đến khi dưa ngót lại, có độ dẻo dai là được.

Cho dưa vào cùng nồi thịt, thêm nước dưa, cùng 1 quả ớt sừng (không cay) thái lát, thêm khoảng 200ml nước sạch. Có thể nêm nếm thêm gia vị cho vừa ăn.

Đậy vung đun trong khoảng 15 phút sau đó mở vung đun với lửa nhỏ đến khi gần cạn, miếng thịt mềm như ý là hoàn thành. Tổng thời gian kho này khoảng 35-40 phút.

Lưu ý:

Để làm món này ngon thì dưa muối chua phải ngon.

Vừa đun vừa mở vung sẽ giúp nước kho và miếng thịt trong hơn. Muốn trong hơn nữa có thể đun 2 lần.

Có thể cho thẳng dưa vào mà không cần xào nhưng khi xào sẽ làm miếng dưa cải chua ăn thấy đậm đà, giòn dai, ngon hơn rất nhiều.

Thịt ba chỉ kho dưa có miếng thịt trong vắt ngậy thơm, ăn kèm miếng dưa chua giòn dai, chua mặn vừa phải cùng bát cơm trắng là ngon "quên sầu".

5. ĐẬU PHỤ SỐT THỊT BĂM SA TẾ

Chuẩn bị:

- 200g thịt vai băm nhỏ, 1 bìa đậu hũ non to, gừng, một ít sa tế (nếu không ăn được cay thì bỏ qua), tinh bột, nước tương nhạt, đường, muối, dầu ăn

Cách làm:

Thịt vai rửa sạch, băm nhỏ.

Đậu hũ cắt miếng vuông nhỏ vừa ăn. Cho nước vào nồi đun sôi, thêm một thìa muối, đổ đậu phụ vào nước chần, luộc trong 2 phút. Sau khi chần, đậu phụ không bị vỡ vụn và có thể loại bỏ được mùi tanh. Nó cũng có thể làm cho đậu phụ mềm hơn và ngon hơn.

Cho một ít dầu vào chảo, đổ thịt băm vào xào cho đến khi thịt đổi màu, thêm 1 muỗng cà phê sa tế và một thìa tỏi băm vào xào cùng để tạo mùi thơm.

Sau đó thêm một muỗng cà phê đường, một muỗng canh nước tương nhạt, một bát tinh bột nước (hòa 1 muỗng cà phê tinh bột vào bát con nước) vào xào đều, đậy nắp nồi và đun trên lửa lớn. Bạn có thể nêm nếm lại cho vừa miệng.

Sau đó, đổ đậu phụ vào và nấu thêm 2 phút, cuối cùng rắc hành lá trang trí lên trên, tắt bếp.

Món đậu sốt thịt kiểu này ăn không những nóng hổi, thơm ngon, đậm đà mà còn trôi cơm vô cùng!

THANH VÂN

Bình luận(0)