Khởi đầu bằng việc "nhặt rác", nhưng ông luôn cố gắng để tìm điểm khác biệt
49 năm trước, Tào Ngọc Căn sinh ra ở tỉnh An Huy, Trung Quốc trong một gia đình làm nông. Thuở nhỏ, ngoài việc đi học, ông còn phải phụ giúp gia đình những công việc như cày đất, cuốc, cắt cỏ, bón phân - những công việc không hề dễ dàng. Sau khi tốt nghiệp đại học, Tào Ngọc Căn trở về quê hương, tìm công việc bán hàng ổn định. Vài năm sau, được sự vun vén của cha mẹ, Tào Ngọc Căn lập gia đình.
Sau khi kết hôn, đặc biệt là khi sinh đứa con đầu lòng, ông nhận ra rằng mình cần phải kiếm nhiều tiền hơn để có thể mang lại cho gia đình cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì vậy, vào năm 2004, ông đã có một quyết định táo bạo là rời quê hương và đến Thâm Quyến tìm cơ hội đổi đời.
Lý tưởng thì to lớn, hiện thực thì tàn khốc. Khi đến Thâm Quyến, Tào Ngọc Căn phát hiện ra rằng rất khó tìm được việc làm kiếm sống ở một thành phố lớn như vậy. Điều tệ hơn nữa là vì không mang theo nhiều tiền nên ông nhanh chóng hết tiền, cuối cùng ngay cả việc ăn uống cũng trở thành vấn đề.
Trong cơn tuyệt vọng, ông đã chi 300 nhân dân tệ để mua một chiếc xe ba bánh và bắt đầu thu gom phế liệu. Lúc đầu, Tào Ngọc Căn cảm thấy đau lòng, xấu hổ khi đã rời quê lên Thâm Quyến chỉ để đi “nhặt rác”. Thu gom phế liệu là một công việc bẩn thỉu và mệt mỏi, ngày nào cũng phải dậy sớm, về khuya, phơi nắng gió, đa số thanh niên không sẵn sàng làm công việc này nhưng ông không còn cách nào khác là phải làm.
Tuy là lựa chọn bất đắc dĩ, nhưng Tào Ngọc Căn cũng nhanh chóng suy nghĩ tích cực, thầm tự nhủ rằng nếu đã chọn nghề này thì phải nỗ lực trở thành số 1. Với nỗ lực và nhận thức của mình, Tào Ngọc Căn đã gây dựng được điểm khác biệt. Ông luôn ăn mặc sạch sẽ và gọn gàng. Hơn nữa, sau khi thu phế liệu, ông luôn giúp khách hàng dọn dẹp và mang rác đi đổ. Điều hiếm hơn nữa là ông ấy không thích lợi dụng những việc nhỏ nhặt, không giống như một số đồng nghiệp, sẽ trả thiếu tiền hoặc ngẫu nhiên tính giá. Ông luôn tính đúng, tính đủ, niêm yết giá minh bạch.
Với sự chuyên nghiệp và thái độ phục vụ như vậy, Tào Ngọc Căn đã sớm tạo dựng được chỗ đứng trong ngành thu gom rác thải. Trong một tháng, ông có thể kiếm được hơn 3.000 nhân dân tệ (hơn 10 triệu đồng), cao hơn thu nhập ở quê nhà gần 3 lần.
Ngoài ra, nhờ thu gom rác trên phố mỗi ngày nên Tào Ngọc Căn có cơ hội tiếp xúc với nhiều người hơn. Trong quá trình này, tài ăn nói của ông vô tình được rèn luyện và nâng cao. Cũng vào thời điểm này, Tào Ngọc Căn đã hiểu biết sâu sắc hơn về xã hội, hiểu biết sơ bộ về thị trường và hình thành thói quen quan sát.
Vô tình biết tới máy ảnh kỹ thuật số, ông từ một người "nhặt rấc" thành ông chủ nhà máy 100 nhân viên
Ở Thâm Quyến một thời gian dài, Tào Ngọc Căn quen được nhiều người đồng hương tốt bụng. Trong một buổi họp mặt, một người bạn vô tình nhắc đến một sản phẩm điện tử mới lạ, máy ảnh kỹ thuật số. Ngày nay, máy ảnh kỹ thuật số có ở khắp mọi nơi, nhưng cách đây hơn chục năm, chúng là hàng hiếm ở Trung Quốc. “Người nói vô tình, người nghe có ý”, Tào Ngọc Căn nhạy bén nhận ra rằng đây có thể là một cơ hội kinh doanh tốt.
Sau khi trở về nhà, ông đã tìm kiếm thông tin trên Internet. Sau hơn một tháng nghiên cứu, ông hiểu rõ về mẫu mã, hình dáng, kích thước, chất liệu của máy ảnh kỹ thuật số và bỏ tiền ra để tìm người thiết kế để thiết kế bản vẽ.
Sau khi bản vẽ được thiết kế, Tào Ngọc Căn rất hài lòng và ngay lập tức quyết định tìm nhà sản xuất. Tuy nhiên, ông nhanh chóng phát hiện ra mình không có vốn, không có đơn đặt hàng, chỉ có bản thiết kế và cái miệng thì không có nhà sản xuất nào chịu làm cả.
Trong tình huống này, bất cứ ai khác cũng sẽ bỏ cuộc, nhưng Tào Ngọc Căn lại tỏ ra bướng bỉnh và kiên trì khác hẳn người thường. Một nơi không được thì tìm hai, hai không được thì tìm ba, ông tin rằng với một sản phẩm tốt như vậy, chỉ cần không bỏ cuộc thì sẽ luôn có nhà sản xuất sẵn sàng hợp tác.
Với niềm tin này, Tào Ngọc Căn đã đến thăm hầu hết các công ty có thể sản xuất máy ảnh ở Thâm Quyến. Cuối cùng, sau vô số rào cản, chủ một nhà máy cuối cùng cũng đồng ý giúp Tào Ngọc Căn làm mẫu trước.
Một tuần sau, Tào Ngọc Căn đi lấy sản phẩm mẫu rất ngạc nhiên khi thấy nó tốt hơn những gì ông tưởng tượng. Vì vậy, ông tự tin đi khắp Thâm Quyến để bán sản phẩm của mình. Thực tế đã chứng minh tầm nhìn của Tào Ngọc Căn là độc nhất vô nhị, không mất nhiều thời gian để một công ty nước ngoài kí hợp đồng và đặt cọc.
Nhìn dãy số trên thẻ ngân hàng, Tào Ngọc Căn hưng phấn gần như nhảy dựng lên, không thể tin nổi, véo vào đùi phát hiện mình không phải đang nằm mơ mà là giấc mơ đã thành hiện thực.
Sau đó, khi doanh số bán hàng ngày càng tốt hơn và ông đã thành lập hai nhà máy điện tử và bắt đầu tự sản xuất và bán các sản phẩm của riêng mình.
Tào Ngọc Căn chỉ mất 4 năm để từ một người thu gom phế liệu để trở thành một chủ nhà máy với hơn 100 nhân viên, và tất cả những điều này là nhờ vào sự sáng suốt và kiên trì của ông.
Thực tế đã chứng minh rằng, dù là công việc hay cuộc sống, chỉ cần chúng ta chú ý hơn, suy nghĩ kỹ hơn và có dũng khí thực hiện thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên khác biệt.
Năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế càn quét khắp thế giới. Công ty của Tào Ngọc Căn bị ảnh hưởng nặng nề, không những không có đơn hàng mới mà nhiều đơn hàng đã đàm phán trước đó cũng bị thông báo hủy. Hai năm sau, công ty phải tuyên bố phá sản, Tào Ngọc Căn gánh trên mình khoản nợ hơn 2 triệu tệ (khoảng 6 tỷ đồng).
Sau khi đóng cửa nhà máy, Tào Ngọc Căn, khi đó đang rơi vào trạng thái trầm cảm, quyết định trở về quê hương để nghỉ ngơi và đoàn tụ với gia đình. Người ta thường nói rằng khi Chúa đóng cửa lại với bạn thì Ngài sẽ mở cho bạn một cánh cửa khác. Điều Tào Ngọc Căn không ngờ tới là việc trở về nhà lần này thực sự sẽ thay đổi vận mệnh của ông.
Bước nhảy vọt trong cuộc đời, trở thành tỷ phú giàu sụ
Ở quê nhà, anh trai thứ hai của Tào Ngọc Căn thành lập công ty chuyển phát YTO Express Bặc Châu, nhưng do không biết cách quản lý, công ty rơi vào tình trạng thua lỗ, muốn chuyển nhượng công ty. Sau khi biết điều này, Tào Ngọc Căn quyết định tiếp nhận công ty.
Chưa từng tiếp xúc với ngành chuyển phát nhanh trước đây, để hiểu toàn bộ quy trình vận hành chuyển phát nhanh, ban ngày, Tào Ngọc Căn đã đích thân làm công việc của các nhân viên - đóng gói, xếp hàng lên xe, làm nhân viên chuyển phát nhanh. Buổi tối, ông tập trung nghiên cứu hệ thống của YTO Express, tìm hiểu chính sách quản lý của công ty.
Bằng cách này, sau một thời gian làm việc chăm chỉ, ông đã dần dần tìm ra vấn đề và bắt đầu tiến hành những cải cách quyết liệt.
Ông đã thay đổi chính sách lương cố định ban đầu thành lương cơ bản cộng hoa hồng, khuyến khích những người có khả năng làm việc nhiều hơn, càng làm nhiều thì càng nhận được nhiều.
Ông cũng quy định rằng người chuyển phát nhanh phải bồi thường cho các gói hàng bị mất thay vì công ty, điều này làm giảm đáng kể khả năng thất lạc gói hàng và giảm khiếu nại của khách hàng.
Cuối cùng, ông quy định khi gói hàng được giao cho chuyển phát nhanh thì phải giao cho khách hàng hoặc xếp lên xe tải ngay trong ngày mà không có trường hợp ngoại lệ nào, điều này đã nâng cao hiệu quả dịch vụ lên rất nhiều và YTO Express dần dần được khách hàng công nhận.
Hiệu quả của cải cách là ngay lập tức, khách hàng hài lòng và doanh thu của công ty tăng lên, có lãi trong năm thứ 2. Đồng thời, thu nhập hàng tháng của người chuyển phát nhanh cũng tăng gấp 3 lần.
Không ngủ quên trên chiến thắng, năm 2014, để đưa công ty lên một tầm cao mới, ông bắt đầu nghĩ đến cách mở rộng. Khi rảnh rỗi, Tào Ngọc Căn sẽ lấy giấy bút ra và liệt kê những tài nguyên mình có trong tay và cách sử dụng chúng. Cuối cùng, sau nhiều lần suy nghĩ, ông lại một lần nữa đặt tầm nhìn vào “con người”, người ta thường nói, con người là nguồn lực đầu tiên.
Lần này, ông áp dụng chiến lược tận dụng thế mạnh của mình để chia một lượng lớn lợi nhuận cho nhân viên bán hàng và thậm chí cả khách hàng. Mô hình kinh doanh "Express Delivery+" của ông đi trước các đối thủ cùng ngành từ hai năm trở lên.
Sau những nỗ lực không ngừng, Tào Ngọc Căn đã từng bước mở rộng YTO Express Bặc Châu từ hơn 100 mét vuông lên 5.000 mét vuông.
Đến năm 2017, ông cũng đã xây dựng nhà máy Wanbei có diện tích hơn 100.000 mét vuông, mở rộng hoạt động kinh doanh sang kinh doanh thương mại điện tử hiện đại tích hợp tài chính, phân phối hậu cần hàng không, kho bãi và trung tâm dịch vụ thương mại điện tử.
Hiện tại, với tư cách là ông chủ của YTO Express Bặc Châu, Tào Ngọc Căn đã đạt được bước nhảy vọt trong cuộc đời và trở thành một tỷ phú được mọi người vô cùng ngưỡng mộ.
Nhìn vào con đường vận mệnh của Tào Ngọc Căn, không khó nhận thấy đối với những người bình thường không có xuất thân giàu có, nếu muốn thay đổi vận mệnh của chính mình, nỗ lực hơn người khác là điều tất yếu. Tinh thần không bao giờ bỏ cuộc, khả năng quan sát, nắm bắt cơ hội tốt là những phẩm chất không thể thiếu của người thành công.
Dù thu gom rác thải, mở nhà máy điện tử hay sau này là chuyển phát nhanh, Tào Ngọc Căn rất nhạy cảm với “cơ hội” và quyết đoán, sau khi xác định được mục tiêu, ông sẽ bắt tay vào làm ngay và thường chộp lấy “miếng bánh đầu tiên” trên thị trường.
Người ta thường nói cơ hội sẽ đến với người có sự chuẩn bị. Trên thực tế, điều quan trọng hơn là cần phải biết nắm bắt lấy cơ hội một cách dứt khoát khi nó đến.