Nhân dịp năm Mão nói chuyện người tuổi mèo, chúng ta hãy cùng nhau “điểm danh” những doanh nhân, đại gia Việt cầm tinh con vật này:
Ông Nguyễn Thanh Việt hay còn gọi là Shark Việt (SN 1963, quê Hà Tĩnh) hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông Intracom. Ông sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo khó của vùng núi Hương Sơn. Vì thế từ nhỏ ông đã phải phụ giúp cha mẹ làm nhiều việc, như nấu cơm, chăn nuôi gia súc gia cẩm, làm nông… để có tiền trang trải chuyện học hành.
Tốt nghiệp cấp III, vị đại gia theo học tại trường Đại học Thuỷ Lợi theo tâm nguyện của cha. Năm 1985, ông tốt nghiệp và lấy bằng cử nhân, sau đó công tác tại Công ty Sơn Trà.
Suốt 16 năm công tác, Shark Việt nắm giữ rất nhiều vị trí cốt lõi và quan trọng của công ty như: giám đốc xí nghiệp, phó giám đốc công ty, giám đốc công ty…
Năm 1990, khi Shark Việt còn làm ở Thủy Điện Sông Đà, vợ ông là giảng viên một trường ngoại ngữ và phải dạy thêm, ông liền khuyên vợ bỏ việc, làm một doanh nghiệp nào đó để nuôi con. Vì hai vợ chồng cùng đi làm thì con sẽ hỏng. Và bố mẹ ông đã nói ông vì sao lại bảo vợ bỏ nghề đi làm kinh doanh? Ông bảo với ông đó là ý thức hệ và các bạn startup cần phải làm để thay đổi suy nghĩ về người doanh nhân và tôn trọng những người làm kinh doanh.
Năm 2001, Shark Việt đã bắt tay cùng với một người và sáng lập lên Công ty đầu tư và phát triển Hà Nội. Sau đó một năm, ông quyết định tách ra và thành lập công ty cho riêng mình – Công ty đầu tư hạ tầng và giao thông (Intracom). Công ty này kinh doanh theo hướng đa ngành, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, thuỷ điện, bất động sản, y tế…
Điểm đặc biệt trong phương thức hoạt động của công ty chính là văn hóa “Từ bi – Trí tuệ” xây dựng trên nền tảng Phật giáo: Cuộc sống cũng như kinh doanh, con người không khinh ghét, không cạnh tranh thiếu lành mạnh mà che chở, tạo giá trị cho nhau để cùng đạt được mục đích là no ấm hạnh phúc. Nhờ đó đến nay công ty đã phát triển với hơn 1.000 nhân viên, doanh thu mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Năm 2006, công ty đã tiến hành cổ phần hoá – đây chính là bước ngoặt lớn trong con đường phát triển sự nghiệp thành công của vị đại gia. Hiện ông đang là một trong những doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam. Ông được nhiều người yêu mến và ngưỡng mộ kể từ khi tham gia chương trình truyền hình Thương Vụ Bạc Tỷ – Shark Tank Việt Nam mùa 2 vào năm 2018.
Ông Nguyễn Tử Quảng (SN 1975, quê Ninh Bình) là cái tên không còn xa lạ đối với giới kinh doanh nói chung và cộng đồng công nghệ nói riêng. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, từ nhỏ đã là một học sinh giỏi, từng thi đỗ vào lớp chuyên toán hệ trung học phổ thông thuộc trường Đại học sư phạm Hà Nội.
Sau đó ông trở thành sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1995, ông bắt đầu viết phần mềm diệt virus Bakv – phần mềm này đã cung cấp miễn phí cho cộng đồng mạng đến năm 2005.
Năm 1997, ông tốt nghiệp lấy bằng cử nhân, được nhà trường giữ lại làm giảng viên bộ môn Kỹ thuật máy tính thuộc khoa Công nghệ thông tin. Trong thời gian này ông tiếp tục nghiên cứu phát triển phần mềm Bkav cùng với nhiều dự án khác.
Vài tháng sau, vị đại gia cố đô chính thức ra mắt phần mềm chống virus trên mạng đầu tiên của Việt Nam với tên AV-ONLINE. Sau đó không lâu, ông cũng viết ra thành công phần mềm hỗ trợ kiểm duyệt thông tin trên mạng Internet, phục vụ cho việc kết nối Internet của một trong ba nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên của Việt Nam.
Tháng 12/ 2001, ông Quảng cùng với 9 người bạn của mình thành lập nên Trung tâm phần mềm và Giải pháp an ninh mạng Bkis dưới sự bảo trợ của Đại học Bách Khoa Hà Nội rồi trở thành giám đốc của Trung tâm này.
Với thành tích trên, năm 2003, ông Quảng được tạp chí EChip phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin. Đến năm 2005, phần mềm Bkav do anh viết chính thức được thương mại hóa và nhận nhiều lời nhận xét trái chiều của cộng đồng mạng cũng như giới truyền thông trong nước.
Tiếp đó năm 2008, vị đại gia đã cộng tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc điều tra vụ việc “Lộ đề thi toán khối A” trong cuộc thi tuyển sinh vào đại học năm học 2008 - 2009 và đã được tặng thưởng. Năm 2010, ông tiếp tục thực hiện dự án Bphone bằng việc sản xuất ra sản phẩm điện thoại thông minh “designed by Bkav và made in Vietnam” bằng cách mua tên miền Bphone.vn.
Tháng 6/2015, với vai trò là CEO của tập đoàn Bkav, ông Quảng đã cho ra mắt chiếc điện thoại “tốt nhất thế giới” Bphone.
Ông Hoàng Việt Anh (SN 1975) hiện là Chủ tịch Công ty TNHH FPT Digital. Ông tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội vào năm 1996. Ông được đánh giá là thế hệ cao thủ “đời thứ hai” của ngành phần mềm FPT.
Năm 1998, lần đầu tiên FPT tổ chức thi Trạng nguyên và vị CEO này đã ghi tên mình trên bảng Vàng giải thưởng. Còn chú rùa có gắn tên ông sau đó được trưng bày tại Bảo tàng FPT.
Năm 1999, khi FPT tiến vào “kỷ nguyên” xuất khẩu phần mềm bằng làn sóng toàn cầu hóa lần thứ nhất, chàng tân binh với 3 năm kinh nghiệm đã xung phong nhảy vào “biển lửa” để thử sức và cũng bởi “nghe nói làm xuất khẩu phần mềm được đi đây đi đó”.
Trong giai đoạn 2004-2006, với ý tưởng từng được xem là điên rồ: “Cung cấp dịch vụ và triển khai chuyển đổi ứng dựng trên các nền tảng khác nhau sang nền tảng Microsoft”, ông Việt Anh cùng đồng nghiệp đã tạo ra một thành tích mới cho lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của FPT. Lần đầu tiên, FPT làm tổng thầu tại thị trường nước ngoài với dự án cho khách hàng Petronas tại Malaysia trị giá 6,5 triệu USD. Dự án đã thành công xuất sắc với sự tham gia của gần 350 người trong khoảng gần 2 năm. Đồng thời, đẩy doanh số của Đơn vị Phần mềm Chiến lược số 1 (FSU1, phụ trách các thị trường nói tiếng Anh và một phần Nhật Bản), lên mức 37% toàn FPT Software.
Tại công ty ông đã đảm trách nhiều vị trí quan trọng tại công ty như: giám đốc FPT Software Asia Pacific; giám đốc FSU1; Phó Tổng giám đốc kiêm giám đốc điều hành FPT Software, Tổng giám đốc FPT Software.
Tháng 3/2018, ông Việt Anh được bổ nhiệm chức tổng giám đốc FPT Telecom (FOX). Từ tháng 2/2021, ông được bầu giữ chức chủ tịch FPT Digital.
Ông Hoàng Việt Anh cho rằng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, blockchain... sẽ là mũi nhọn để phát triển. COVID-19 được ông đánh giá là thời cơ vàng của chuyển đổi số khi đầu tư số trực tiếp vào chuyển đổi không ngừng tăng, CAGR dự báo đạt 15,5% trong giai đoạn 2020-2023, dự kiến đạt 6.800 tỷ USD năm 2023.
Ông Phan Minh Thông (SN 1975, quê Hải Phòng) - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, được mệnh danh là “vua hồ tiêu” của nước ta gần một thập niên qua. Ông tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương Hà Nội rồi lập tức đầu quân cho một doanh nghiệp nhà nước chuyên xuất khẩu nông sản có trụ sở tại TP.HCM.
Tại đây ông giỏi ngoại ngữ lại có duyên giao tiếp nên nhanh chóng nắm được những nguyên tắc lẫn những ngóc ngách thị trường hồ tiêu đang mở cửa quốc tế. Năm 2001, trải qua bao sóng gió công việc và bằng sự liều lĩnh của tuổi trẻ, ông quyết định nghỉ việc rồi mở công ty cho riêng mình.
“Vua hồ tiêu” làm giám đốc được một năm thì nợ ngập đầu khiến chính vợ ông sợ ông quẫn trí, cứ mắt trước mắt sau canh chừng. Không nản chí, ông làm lại, đích thân gọi từng cuộc điện thoại đường dài để chào hàng, đích thân mang sản phẩm đến tận tay đối tác để đàm phán hợp đồng. Kết quả, như ông từng tự hào: “Đến cuối năm 2004, tôi kiếm được 1 triệu USD đầu tiên”.
Sau đó vị doanh nhân vạch ra chiến lược và thực hiện từng bước khá quyết liệt. Từ năm 2005 đến 2007, tập trung thu mua và xuất khẩu hồ tiêu. Từ năm 2008 đến 2009, mở rộng thêm mặt hàng cà phê. Từ năm 2010, xây dựng vùng nguyên liệu. Tính đến hiện nay, tập đoàn của ông có 30 mặt hàng xuất khẩu, trong đó 8 mặt hàng hồ tiêu và 22 mặt hàng cà phê.
Hiện tại, ông Thông có sự nghiệp thành đạt, gia đình hạnh phúc với vợ hiền và hai đứa con đủ nếp đủ tẻ, vì thế ông chỉ có một ước muốn giản dị dị: “Tôi tiếp tục con đường cống hiến của tôi, thúc đẩy nông sản Việt tăng trưởng mạnh mẽ bằng bản sắc Việt và văn hóa Việt”.