Mang cây dại đem vào chậu thành bonsai trở thành xu hướng của những người đam mê cây cảnh và thích khám phá vẻ đẹp của các loại cây mọc dại trong tự nhiên. Nhiều gốc bonsai từ các cây dại có dáng thế đẹp mắt, đầu tư công phu được bán với giá hàng chục đến trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ. Trong số đó có cây dâm bụt.
Cây dâm bụt có tên tiếng Anh là Hibiscus rosa-sinensis còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hoa dâng bụt, râm bụt, bông bụp, hoa lồng đèn. Đây vốn là loại cây dại quen thuộc tại các vùng quê ở Việt Nam.
Tại các vùng quê, loại cây này thường mọc ở bờ bụi, hoặc được trồng đại trà để làm hàng rào. Cây cao tối đa khoảng 5m, thân nhẵn có vỏ màu nâu xám, có nhiều nhánh. Lá dâm bụt mọc so le, có cuống dài, hình bầu dục với gốc lá tròn, phần đầu lá nhọn, mép có răng cưa to, màu xanh sẫm bóng. Hoa dâm bụt có nhiều màu sắc đa dạng như: hồng, đỏ thắm, tím, trắng, vàng… và nở quanh năm.
Những chậu bonsai dâm bụt đẹp mắt
Hiện nay, cây hoa dâm bụt được nhiều người trồng làm bonsai vì dễ trồng, dễ uốn và hoa nở đẹp rực rỡ. Trong phong thủy, cây hoa dâm bụt còn mang ý nghĩa may mắn, tài lộc, giúp gia chủ gặp nhiều thuận lợi trong sự nghiệp. Chính vì vậy, từ loại cây vốn mọc dại trong tự nhiên, nay dâm bụt trở nên “đắt giá”, có những chậu hoa bonsai có giá lên đến hàng chục triệu đồng.
Tại nhiều tỉnh miền Tây, nghề trồng hoa dâm bụt bonsai nở rộ. Đơn cử như ông Nguyễn Văn Út - chủ cơ sở cây hoa kiểng ở TP.Sa Đéc, Đồng Tháp sở hữu siêu phẩm dâm bụt cổ thụ 60 năm tuổi. Ông Út nổi tiếng với chậu bonsai dâm bụt được trả giá đến 100 triệu đồng nhưng chính chủ chưa đồng ý "gả bán".
Ông Út cho biết, cách đây không lâu, trong một lần đi "săn" cây cảnh ở Vĩnh Long ông thấy được chậu hoa dâm bụt có vẻ ngoài rất khác lạ. Không giống như cách mà người ta hay trồng hoa dâm bụt làm hàng rào trước nhà, chậu hoa dâm bụt trên lại được tạo dáng, uốn nắn rất bắt mắt, nên ông quyết định mua chậu hoa này với giá 60 triệu đồng rồi về thử tìm tòi chăm sóc và uốn bonsai. Cũng từ đó, ông Út bén duyên với nghề lai tạo cây bonsai dâm bụt và bán đi khắp cả nước.
Cây dâm bụt 60 năm tuổi của ông Út
Vào năm 2019, tại một triển lãm cây cảnh tỉnh Thanh Hóa, tác phẩm dâm bụt cổ thụ được du khách và giới chơi cây chú ý. Anh Ngô Vĩnh Cường (TP.HCM) - chủ nhân của tác phẩm cho biết cây có nguồn gốc từ Đài Loan, ở Việt Nam không có cây nào lớn như vậy. Dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân người nước ngoài, cây dâm bụt trở thành một cây bonsai đẹp mắt, có giá trị.
Trên thị trường, những gốc dâm bụt to, nhiều hoa, đặt trong chậu có giá khoảng 1 triệu đồng. Các chậu nhỏ hơn có giá dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/chậu. Người mua hàng có thể tìm mua dễ dàng những chậu dâm bụt đã được tạo dáng, đóng vào chậu, thậm chí lai tạo nhiều màu hoa… trên các diễn đàn Facebook, MXH. Thậm chí, tại các sàn giao dịch thương mại điện tử, các chậu hoa dâm bụt bonsai cũng được bày bán khá phổ biến, với đa dạng hình thức mẫu mã.
Theo chia sẻ của những người có kinh nghiệm về tạo dáng bonsai dâm bụt, cây dâm bụt dễ trồng và không đòi hỏi kỹ thuật cầu kỳ. Thời điểm gieo trồng cây hoa râm bụt là từ cuối mùa xuân đến đầu mùa hè. Đất trồng gồm hỗn hợp đất Akadama hạt nhỏ và đất mùn, khoáng trồng cây, người trồng có thể bón thêm phân cho cây. Cây cần được đặt ở nơi có đủ ánh nắng và thoáng gió, lượng ẩm vừa đủ.
Từ cây mọc dại tự nhiên, dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân và những người yêu cây, dâm bụt được đưa vào chậu thành bonsai có dáng thế đẹp mắt
Thời gian thích hợp để đổi chậu là vào tháng 7. Mùa hè, cây sẽ sinh trưởng mạnh nên cần được đổi sang chậu trồng lớn hơn. Sau khi cắt tỉa, người trồng nên giữ lại 2 – 3 mấu tại đầu nhánh. Trước khi chuyển cây vào phòng, người chơi hoa nên cắt tỉa những nhánh dài. Người trồng nên đưa cây vào nhà khi nhiệt độ dưới 13 độ C.
Trên các hội nhóm về dâm bụt bonsai, nhiều người đăng tải những cây hoa có dáng thế đẹp mắt, thu hút sự chú ý của nhiều người. Đó cũng là nơi những người yêu cây chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây dâm bụt để trưng trong nhà hay bán ra thị trường.