Cây dại xưa không ai biết đến, giờ thành đặc sản có hương vị lạ nổi tiếng ở Lạng Sơn, càng ăn càng mê

Google News

Thời điểm sau Tết, khi những cơn mưa xuân rơi xuống cũng là lúc đến mùa rau sau sau. Loại rau có tên lạ này mấy năm nay được người thành phố ưa chuộng. 

Sau sau còn có tên gọi khác là bạch giao hương. Đây là loại cây thân gỗ có lá gần giống với lá phong ở xứ ôn đới. Chúng phân bố ở miền Nam Trung Quốc và một số tỉnh miền Bắc nước ta, trong đó nhiều nhất là ở Lạng Sơn. 

Cứ mỗi độ xuân về, cây sau sau mọc trên các sườn đồi, sườn núi lại đâm chồi trổ lộc. Lá sau sau khi thoát chồi có màu tía đẹp mắt, tạo nên cảnh quan khá hấp dẫn cho núi rừng vào xuân. Sau sau ở Lạng Sơn có hai loại, một loại lá tím và một loại lá trắng đục. Người dân địa phương ưa thích loại màu tím hơn vì có vị đắng nhẹ, và mùi thơm hơn.

Mỗi khi đến mùa, người dân hái chồi non và lá non của cây về làm rau sống, chấm với mẻ om. Món chấm này cũng thật đặc biệt, mẻ được lọc kỹ cho ra nước trắng đục sánh, cà chua chưng lên rồi đổ lẫn mẻ và một chút thịt hộp, nêm mắm muối gia vị vừa miệng, thế là đã có một bát mẻ chưng thơm lừng.

Ngọn sau sau có vị chát chát, đắng nhẹ, mùi thơm đặc trưng khá giống với quả trám. Khi chấm ngọn sau sau với mẻ, vị chát của lá hòa quyện với vị chua chua của mẻ tạo nên món ăn có hương vị lạ, vô cùng hấp dẫn. 

Vào dịp Tết ở xứ Lạng, bên cạnh các món đặc sản quen thuộc thì món sau sau được xem là thứ "rau sống" không thể thiếu trong gian bếp của các gia đình. 

Từ loại rau dân dã, mấy năm gần đây chúng "lên đời" thành đặc sản được người thành phố và du khách gần xa tìm để thưởng thức. Tại các khu chợ như chợ Kỳ Lừa, chợ Đông Kinh, chợ Chi Lăng, người dân hái lá sau sau mang bán cho du khách. Vào bất kỳ quán ăn nào ở xứ Lạng, thực khách sẽ được khuyến mại một đĩa lá sau sau tươi rói, kèm bát nước chấm “đặc trưng". Những ai từng ăn sau sau thì lại hóng chờ mùa rau mới bởi nó chỉ xuất hiện rất ngắn vào dịp đầu xuân.

Chị Sim (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) cho biết: "Đất đồi ở cạnh nhà tôi có nhiều cây sau sau, đến mùa xuân, khi những cơn mưa xuân trút xuống là chúng đâm chồi tua tủa. Tôi hái một lúc là được giỏ đầy, chia thành từng bó mang ra chợ bán để kiếm thêm thu nhập. Trước đây không ai biết đến rau sau sau, vài năm nay chúng rất được ưa chuộng, mang ra chợ bán một lúc là hết". 

Vì là rau rừng được hái trên cao nên chúng khá sạch, chỉ cần rửa qua nước là có thể ăn ngay, không quá cầu kỳ chế biến. Ngoài ra người ta cũng hay dùng khi ăn lẩu nên vẫn gọi là lẩu rau sau sau. Thay vì dùng đủ các loại rau thập cẩm cho một bữa lẩu gia đình, chỉ rần một rổ sau sau đầy chẳng mấy chốc nồi lẩu sẽ hết sạch trong tiết trời se lạnh.

Tầm tháng 3 âm lịch, khi hết mùa lá non, rau sau sau già đi, người dân còn sử dụng nó chế biến món xôi đen. 

Lá rau sau sau nhựa có vị ngọt, tính ấm nên có tác dụng trong đông y, hỗ trợ chữa phong thấp, đau nhức xương khớp, trị ho, chảy máu cam, trị mẩn ngứa ngoài da…

H.A

Bình luận(0)