Việt Nam có đa dạng các loại rau gia vị tạo nên mùi hương độc đáo cho nhiều món ăn. Tuỳ vào điều kiện thổ nhưỡng, mỗi nơi sẽ có một loại rau gia vị đặc trưng. Trong số đó phải kể tới rau lá é ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Lá é có vị chua thanh, mùi thơm giống mùi sả
Cây é còn có tên gọi khác là trà tiên, tiến thực, mọc bạt ngàn khắp các bãi đất trống, ven đường hay sau vườn nhà. Cây cao khoảng 50cm, hoa màu trắng, thân và lá có màu xanh lục nhạt, có lông 2 bề mặt, mép lá có răng cưa. Vì có mùi thơm đặc trưng và hương vị hấp dẫn, trước đây lá é được xem là sản vật tiến vua, dâng lên vua chúa.
Khoảng 2 năm trở lại đây, lá é rộ lên ở thành phố, được nhiều người bán trên chợ mạng và các sàn thương mại điện tử. Mỗi kg lá é có giá khoảng 70.000 đồng.
Rao bán lá é trên chợ mạng, chị Xuân Thanh (ở Cầu Diễn, Hà Nội) giới thiệu: "Lá é là đặc sản ở Tây Nguyên, nếu trồng ở các nơi khác thì mùi vị, độ thơm không bằng. Ngoài lá giang, lá é cũng là một sự lựa chọn thích hợp để tạo vị chua cho các món lẩu gà, lẩu cá kèo, hay gà hấp, canh gà, tôm biển hấp... Lá é có vị chua thanh và mùi thơm đặc trưng giống cây sả".
Lá é được bán trên chợ mạng với giá khoảng 70.000 đồng/kg
Theo chị Thanh, lá é có vẻ ngoài khá giống lá húng quế nên nhiều người dễ bị nhầm lẫn. Hai loại lá gia vị này được phân biệt thông qua hoa và thân. Hoa và thân cây é có màu trắng và có lông. Còn hoa và thân húng quế có màu tím, không lông. Ngoài ra, hương vị của lá é chan chát, chua, hơi the the. Còn lá húng quế chủ yếu mang vị cay.
Tại nhiều nhà hàng và quán ăn ở Hà Nội hay TP.HCM, các món lẩu gà lá é hay lẩu cá kèo lá é được người thành phố ưa chuộng, đặc biệt đông khách khi thời tiết bắt đầu se lạnh.
Lẩu gà lá é hay lẩu cá kèo lá é được nhiều người thành phố yêu thích
Lá é cực tốt cho sức khoẻ
Không chỉ mang lại hương vị độc đáo, lá é còn được xem là một bài thuốc, có nhiều công dụng tuyệt với đối với sức khoẻ. Thân, lá, hạt é được sử dụng như một thành phần trong các bài thuốc dân gian hoặc chiết xuất tinh dầu.
Theo đó, thân và lá é có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng phát hãn, giải biểu, khu phong, lợi thấp, tán ứ, chỉ thống… Dân dan hay dùng làm thức uống trừ các bệnh nhiệt trong mùa hè, chống stress, nhuận tràng, dịu thần kinh, cải thiện mỡ máu, góp phần quan trọng làm giảm nguy cơ các loại bệnh tim mạch, tăng huyết áp.
Theo Đông y, hạt é có tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, lợi cổ họng, giải nhiệt, thông tiện, thường dùng chữa ho khan, cổ họng sưng đau, nôn ra máu, đi cầu ra máu, nhức răng... Theo các nghiên cứu từ tài liệu ResearchGate, lá é có tác dụng kháng khuẩn rất hiệu quả nhờ vào khả năng ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn. Đồng thời tính oxy hóa mạnh của loại lá này cũng giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
Các bác sĩ khuyến cáo chỉ dùng hạt é ít nhất một giờ trước hoặc sau khi dùng các loại thuốc uống khác, không dùng loại hạt này trong vòng một tuần trước khi sắp phẫu thuật.
Bài thuốc chữa bệnh từ cây é
Có nhiều cách sử dụng cây é để điều trị và hỗ trợ chữa cảm cúm, đau đầu, ho, táo bón, đau bụng, viêm thận, viêm bàng quang như:
+ Chữa cảm, cúm, sốt, đau đầu: Một trong những tác dụng của lá é là chữa cảm cúm, sốt hay đau đầu.
Sử dụng 20 – 30g lá é tươi, có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các loại lá cây khác như bưởi, chanh, cúc tần, hương nhu mỗi thứ 10g, nấu nước để xông cho ra mồ hôi.
+ Chữa đau và chướng bụng, ăn không tiêu: Sử dụng 10 – 20g lá é phơi khô hãm lấy nước uống trong ngày.
+ Chữa táo bón: Ngâm 4 – 12g hạt é trong 100ml nước ấm cho tới khi thấy bên ngoài hạt có một lớp nhầy trắng bao quanh thì cho thêm đường, khuấy đều và uống.
+ Chữa đái buốt, viêm thận, viêm bàng quang: Cho 3 – 6 giọt tinh dầu é pha cùng với siro và nước nhũ tương uống trong ngày.
+ Chữa ho: Sử dụng 20 – 15g lá và toàn thân cây hãm hoặc sắc lấy nước uống.
+ Giảm căng thẳng mệt mỏi: Dùng trà ướp với lá é để uống mỗi ngày. Cách ướp khá đơn giản, bạn chỉ cần lấy vài trăm gam trà ngon chưa ướp, trộn lẫn với vài lá é phơi héo đã thái sợi nhuyễn để pha như bình thường.