Những năm gần đây, người thành phố có xu hướng tìm đến các loại rau rừng, quả rừng để chế biến món ăn vì vừa sạch vừa có hương vị lạ lẫm. Trong số đó phải kể tới lá bứa rừng ở An Giang.
Cây bứa rừng có nguồn gốc từ miền Nam Châu Phi, Châu Á, Australia. Tại Việt Nam, loài cây mọc phổ biến trong các cánh rừng từ Bắc tới Nam như Quảng Ngãi, Tây Ninh, Đồng Nai, Khánh Hòa..., nhiều nhất là ở Châu Đốc, An Giang.
Cây bứa rừng cho thu hoạch cả quả và lá, có vị chua thanh rất riêng, nhiều người thích thú khi ăn thử
Quả bứa rừng đã khá quen thuộc, nhưng ít ai biết được rừng lá bứa rừng cũng có thể ăn được. Từ xưa, bà con dân tộc Chăm ở An Giang đã sử dụng loại lá này như một thứ gia vị vô cùng đặc biệt, làm nên nét đặc trưng của ẩm thực nơi đây.
Lá bứa có hình dạng hơi dài, đuôi nhọn, nhẵn bóng, đôi khi có màu phớt đỏ. Lá bứa được sử dụng là loại bánh tẻ, không quá già cũng không quá non. Người Chăm giã lá bứa với muối làm gia vị chấm thịt nướng, hoặc để kho cá, nấu canh chua... Vị chua thanh của lá rừng góp phần làm gia tăng hương vị đậm đà cho các món ăn, át đi mùi tanh của hải sản, kích thích vị giác.
Theo quan niệm của dân gian, lá và quả bứa còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như axit hữu cơ, vitamin C (100g có 61mg vitamin C) có tác dụng làm giảm mỡ trong máu, chống béo phì.
Từ xưa, lá bứa được người dân sử dụng làm nguyên liệu tạo vị chua cho nhiều món ngon
Từ loại lá cây dại, những năm gần đây, lá bứa thành đặc sản có mặt trong các nhà hàng, quán ăn, được nhiều đầu bếp sử dụng để làm nguyên liệu tạo vị chua. Canh chua cá bớp nấu với lá bứa và gỏi lá bứa cá trích là những món được thực khách ưa chuộng.
Trên chợ mạng và một số cửa hàng bán đặc sản vùng miền, lá bứa được bán với giá khoảng 80.000 đồng/kg.
"Lá này để trong tủ lạnh được khoảng 1 tuần, còn phơi khô thì ăn được quanh năm mà vẫn giữ được vị chua vốn có của nó. Thỉnh thoảng tôi mới gom được một mẻ của bà con ở Châu Đốc để bán ở chung cư, đăng lên là chị em đặt tới tấp. Nhiều người chưa biết tới loại lá này thì đặt về ăn thử.
Canh chua lá bứa có vị thơm, chua thanh đặc trưng khác hẳn với vị chua của các loại khác như khế, me, hay chùm ngây", chị Hạnh (ở TP.HCM) chia sẻ.
Nhận thấy giá trị kinh tế từ lá bứa, nhiều người vào rừng hái về để bán cho thương lái. Anh Hải (ở Tịnh Biên, An Giang) cho hay, cây bứa cao khoảng 10 mét nên phải cẩn thận khi trèo hái, chỉ sơ sẩy là hậu quả khó lường. Vào khoảng tháng 4 hàng năm là thời điểm lá bứa vào mùa, nhiều đọt và lá bánh tẻ.
"Mỗi nhánh cây tôi không hái hết mà chừa vài đọt non để chúng phát triển. Sau khi hái, phải 3 tuần cây mới có đọt mới. Để đỡ vướng tay, tôi không mang theo túi đựng rau, hái đến đâu để rau rơi tự do xuống gốc cây. Lúc sau, xuống nhặt chúng cho vào túi, mang về bán cho các nhà hàng hoặc bán lẻ ở ven đường", anh Hải chia sẻ.