Cây ăn quả quen thuộc nay thành bonsai được "săn lùng", vừa đẹp vừa phong thuỷ, có cây giá vài tỷ

Google News

Giới chơi cây cho biết cây khế gân là dễ tạo hình và phù hợp để làm bonsai nhất bởi chúng có thân xù xì, u cục. Không chỉ làm đẹp cho không gian sống, cây khế còn có ý nghĩa về mặt phong thuỷ nên rất được ưa chuộng.

Từ xa xưa, cây khế vốn là loại cây gắn liền với đời sống thôn quê dân dã, thân thuộc. Cây khế còn được gọi là ngũ liêm tử, có nguồn gốc từ Sri Lanka. Không chỉ đơn thuần là loại cây ăn quả, cho bóng mát, ngày nay cây khế được giới sành cây cảnh "săn lùng" để tạo dáng bonsai, trưng làm cảnh trong nhà và khuôn viên để làm đẹp cho không gian sống.

Chậu bonsai khế gân tạo dáng thế đẹp mắt, chi chít quả thu hút sự chú ý của giới chơi cây

Về mặt phong thủy, cây khế bonsai được xem như một loại cây sinh tiền, sinh vàng. Đây là một trong những loài cây giúp chiêu tài, chiêu lộc cho những người kinh doanh, buôn bán. Quả khế có 5 múi, đại diện cho sự cân bằng của 5 nguyên tố ngũ hành trong cuộc sống, gồm: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa -Thổ. Một điểm thú vị chính là nằm ở cái tên "Khế", theo âm điệu và cách nói của người dân Nam Bộ "khế già" nói ngược lại chính là "khá về". Vì thế, cây khế cảnh nằm trong số các loại cây phong thủy giúp mang lại sự sung túc, may mắn, tài lộc cho gia đình gia chủ. 

Giới sành cây cảnh chia sẻ thân cây khế có nhiều cành, nhánh cùng hình dáng đặc biệt nên dễ dàng uốn, tỉa, tạo kiểu. Hơn nữa, cây có sức sống lâu năm, có thể phát triển với bộ rễ lớn khỏe, mang nhiều thế độc lạ. Cây không những cho hoa nhỏ nhắn nổi bật trên nền lá xanh mà quả cũng có hình dáng, màu sắc bắt mắt. Có nhiều giống khế, nhưng giống khế gân là dễ tạo dáng và đẹp nhất bởi chúng có thân xù xì, u cục.

Trên chợ mạng hay trong các hội nhóm cây cảnh, bonsai khế được rao bán với nhiều mức giá khác nhau, từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. 

Tuỳ vào kích thước và dáng thế mà khế kiểng có những mức giá khác nhau

Anh Ngọc (ở Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: "Vốn là người yêu cây cảnh nên tôi hay vào các hội nhóm để ngắm sản phẩm của anh em và học hỏi kinh nghiệm. Có lần tôi đăng gốc bonsai khế gân lên bao người vào trả giá, từ đó tôi mở rộng việc tạo bonsai khế để bán. Tôi còn nhận theo đơn đặt hàng của khách, dáng thế và tạo kiểu tuỳ họ chọn nhưng giá đắt hơn vì làm theo đơn đặt hàng sẽ rất mất thời gian. 

Tôi chủ yếu phục vụ phân khúc tầm trung, mỗi cây có giá dưới 1 triệu đồng. Khách mang về có thể trưng ở phòng làm việc hay ban công, vừa đẹp vừa có ý nghĩa về phong thuỷ. Dịp Tết, đơn đặt hàng tới tấp, tôi thu về vài chục triệu đồng từ khế kiểng".

Anh Trần Đắc Duy (31 tuổi, Đồng Tháp) mỗi tháng kiếm thêm hàng triệu đồng từ việc kinh doanh khế kiểng. Anh bộc bạch, có tháng bán được gần 50 cây khế bonsai với giá từ vài trăm đến vài triệu đồng. Chia sẻ về bí quyết chăm khế kiểng, anh Duy nhấn mạnh, mỗi cây sẽ có đặc tính, dáng thế khác nhau. Cây khế sức sống dẻo dai nên không cần phun thuốc, chủ yếu tưới nước 1 lần/ngày vào sáng sớm hoặc xế chiều. Giai đoạn cây ra hoa kết trái sẽ tưới 2 lần/ngày.

Một số chậu khế kiểng đẹp mắt được chia sẻ lên hội yêu cây

"Những cây đắt tiền thì ít người chốt đơn, Còn đối với cây giá rẻ, ai chơi cũng được, nếu không chịu chăm sóc, cây chết thì người ta mua cây khác mà không tiếc tiền nên tôi tập trung làm phân khúc này", anh Duy chia sẻ.

Anh Trương Văn Lợi (TP.HCM) cũng kiếm thêm thu nhập mỗi tháng nhờ sở hữu hàng chục chậu khế kiểng. Thời gian đầu theo đuổi công việc này, anh gặp khó khăn khi khó tạo thế bởi đặc tính của thân cây cành giòn, dễ gãy. Sau này, qua tìm hiểu và nghiên cứu, anh khéo léo sử dụng dây quấn, chằng, kẽm để tạo dáng cho cây.

Anh Lợi nhận định, một bonsai khế đẹp cần có sự cân bằng từ việc tạo hình, uốn nắn cấu trúc cho đến kết hợp giữa cây và chậu. Bên cạnh đó, người chơi kiểng cũng nên tránh để cây bị nứt, tách thân sẽ làm giảm độ thẩm mỹ cũng như giá trị khi bán.

Giới cây cảnh từng trầm trồ với cây khế bonsai cổ có tên "Kết mộc vi sơn" với tuổi đời trên 200 năm có thân mốc, cành lá đan xen nhau nhìn như một ngọn núi kiên cố. Chủ nhân của cây khế cổ này chính là đại gia Phan Văn Toàn (ở Việt Trì, Phú Thọ). Vị đại gia này cho hay: "Thời gian qua có nhiều người trong giới chơi cây biết đến, trả giá hơn 6 tỷ đồng nhưng tôi chưa muốn bán vì nghĩ mình có duyên với cây". Ông Toàn bày tỏ chỉ muốn giữ lại và đưa đi trưng bày các nơi cho mọi người chiêm ngưỡng.

Anh Lê Văn Dũng (Thái Nguyên) sở hữu cây khế cổ đá quý, nằm trong top những cây khế đẹp nhất Việt Nam. Cây có tên "Trực quân tử" được anh mua từ miền Nam, cao khoảng hơn 1m nhưng trông to lớn, tay cành uốn lượn. Thân cây già cỗi, nổi địa y cho thấy đã rất nhiều năm tuổi. 

Tại hội chợ hoa xuân quận 7, TPHCM, một cây khế cổ có hình đầu chuột độc nhất vô nhị cũng được rao bán với giá 500 triệu đồng. Chủ nhân của cây khế là ông Nguyễn Văn Mến (51 tuổi, quê Bến Tre), một người chơi cây kiểng đã lâu năm. Ông Mến cho hay, tuy không biết chính xác tuổi đời cây khế nhưng từ lúc ông mua về chăm sóc tới nay cũng đã hơn 21 năm.

Qua quan sát, cây có thân to, phải mấy người ôm mới xuể. Sức sống của cây mãnh liệt đến nỗi chỉ còn có bộ rễ vẫn đâm chồi, phát triển. Với tạo hình đầu quái thú bằng mạt cưa sàng nhuyễn trộn với keo chống thấm nước và mức độ hiếm có, ông Mến cho biết phải 500 triệu ông mới bán. 

H.A

Bình luận(0)