Cầu thủ U22 tại SEA Games bị cấm ăn 3 món, chuyên gia cảnh báo người bình thường cũng cần hạn chế dù có món ai cũng mê

Google News

Các cầu thủ cần có chế độ ăn đặc biệt, việc cấm những món ăn như HLV Philippe Troussier đang thực hiện là hoàn toàn phù hợp, thậm chí người bình thường cũng nên hạn chế ăn.

Hạn chế chất ngọt và chất béo từ kem, bánh ngọt là hợp lý

Tối 8/5, đội tuyển U22 Việt Nam đã có trận thắng trong lượt trận thứ 3, vòng bảng SEA Games 32 trước đối thủ Malaysia, với tỉ số 2-1. Trận thắng này đã giúp Việt Nam tiến vào bán kết môn bóng đá nam mà không cần quan tâm đến kết quả lượt đấu cuối cùng. Được biết, trước trận đấu diễn ra, các cầu thủ đã được nghỉ 5 này liên tục, đây là khoảng thời gian quan trọng giúp các tuyển thủ U22 tập luyện, bổ sung dinh dưỡng, phục hồi thể lực. 

Một vấn đề được người hâm mộ quan tâm đó là HLV Philippe Troussier đã yêu cầu các học trò của mình không sử dụng đồ ngọt có nhiều chất béo như kem, bánh kem hay chè. Nguyên nhân được HLV lý giải rằng, lo ngại các cầu thủ tăng cân, ì ạch khi di chuyển, thậm chí là có nguy cơ rối loạn tiêu hóa.

Thực đơn chủ yếu của các cầu thủ là bổ sung thực phẩm giàu đạm, ăn nhiều tinh bột trước và sau trận đấu, đồng thời bổ sung vitamin, khoáng chất từ các loại rau xanh, quả chín.

Chè và bánh ngọt là món ăn nhiều người thích, nhưng gây tăng cân nhanh nên cần hạn chế. (Ảnh minh họa)

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, việc các cầu thủ đang trong giai đoạn nghỉ thi đấu (5 ngày) hạn chế ăn đồ ngọt, chứa nhiều chất béo như bánh ngọt, kem hay chè là hoàn toàn hợp lý để tránh bị tăng cân. Không chỉ các cầu thủ, với người bình thường ăn nhiều đồ ăn chứa chất béo và đường ngọt như kem và bánh ngọt nguy cơ tăng cân rất nhanh. Đó là lý do nhiều người, dù ăn ít cơm nhưng ăn vặt nhiều các loại kẹo, bánh hay uống trà sữa nên vẫn tăng cân.

Đối với các cầu thủ, chế độ ăn cần thực hiện nghiêm ngặt hơn. Trường hợp ăn quá nhiều đồ ngọt, lượng calo nạp vào thời điểm đó cao, lượng đường trong máu cũng tăng lên khiến họ không ăn được các nhóm thực phẩm khác. Trong khi với vận động viên như cầu thủ bóng đá thì năng lượng từ tinh bột và các thực phẩm cung cấp nhiều protein là rất quan trọng.

Một vấn đề TS Nguyễn Trọng Hưng cũng lưu ý, là thời tiết ở Campuchia đang rất nắng nóng, vì vậy ăn nhiều đồ ngọt, béo từ các nguồn như kem, bánh ngọt, chè sau đó uống nhiều nước dễ gặp nguy cơ rối loạn tiêu hóa. Trường hợp cầu thủ bị tiêu chảy, nguy cơ mất nước cao, không thể đảm bảo thể lực để tập luyện và thi đấu.

“Trong đoàn thể thao luôn có bác sĩ đi cùng, vì thế để đạt thể lực và đảm bảo an toàn, các cầu thủ cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn, khuyến cáo của bác sĩ, huấn luyện viên dinh dưỡng. Bởi nhu cầu bổ sung dinh dưỡng trước, trong và sau khi tập luyện khác nhau, thậm chí mỗi cầu thủ sẽ có chế độ dinh dưỡng riêng”, bác sĩ Hưng cho hay.

Mỗi trận đấu, giai đoạn có cách nạp năng lượng từ thực phẩm khác nhau

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh - Cố vấn Dinh dưỡng, Phó trưởng ban Y tế và Doping, Chủ tịch hội đồng miễn trừ (TUE) về Doping cho Thể thao Việt Nam cho biết, ông đồng tình với quyết định của HLV cũng như tư vấn của các bác sĩ trong đoàn về việc hạn chế cho các cầu thủ ăn bánh ngọt, chè và kem trong chế độ ăn khi đang trong giai đoạn thi đấu.

Bánh ngọt chứa nhiều chất béo ăn nhiều gây tăng cân, sẽ khiến vận động viên di chuyển ì ạch.

Ông Ninh cho rằng, với những vận động viên chuyên nghiệp, thực đơn ăn uống luôn phải được kiểm soát chặt chẽ, tổng hợp đủ dinh dưỡng cần thiết, không thể tuỳ tiện. Thậm chí, với những cầu thủ có lịch thi đấu quan trọng, thực đơn cũng tuân thủ quy tắc riêng buộc phải theo để đảm bảo năng lượng khi ra sân.

Theo ông Ninh, thực đơn trước và sau khi thi đấu của cầu thủ bóng đá cần chú trọng vào việc cung cấp nhiên liệu, năng lượng và xây dựng cơ bắp, trong đó, carbohydrate (tinh bột) là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đây là nguồn cung cấp năng lượng cho cầu thủ cũng là nguồn dự trữ nhiên liệu trước và trong các trận đấu lớn. Chất này có nhiều trong các loại thực phẩm như bánh mì, mì gạo, khoai tây, các loại rau củ quả.

Ngoài ra, chất đạm và protein cũng không thể thiếu trong chế độ ăn của cầu thủ và tùy vào tính chất mỗi trận đấu, giai đoạn sẽ có kế hoạch bổ sung hợp lý. “Giai đoạn trước khi thi đấu phải cắt giảm lượng tinh bột nạp vào cơ thể, thay vào đó đẩy lên thịt, dầu mỡ để tạo ra khoảng trống tinh bột. Sau đó, trước khi thi đấu khoảng 3 ngày phải đẩy tinh bột lên để tạo ra tình trạng vượt ngưỡng của glucose. Lượng gLucose này sẽ tích lũy tại gan và cơ bắp, đến ngày thi đấu đây là nguồn dự trữ năng lượng rất tốt để vận động viên khỏe khoắn hơn”, PGS Xuân Ninh phân tích.

Đối với chất béo, các cầu thủ vẫn rất cần, tuy nhiên không phải là chất béo từ kem hay bánh ngọt. Các chất béo trong bữa ăn nên là nguồn chất béo có từ tự nhiên như cá béo, các loại hạt, bơ hạt, thịt, sữa và dầu ô liu. Các loại axit Omega3 dưới dạng các thực phẩm Axit béo Omega-3 cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá bơn), quả óc chó, hạt lanh và hạt chia cũng nên được tăng cường thay cho các loại chất béo từ thức ăn chiên hay thực phẩm nhiều kem.

LÊ PHƯƠNG.

Bình luận(0)