Ca mắc COVID-19 bất ngờ tăng vọt lên 4 con số trong ngày 17/4, đã có 10 ca nặng trong 1 tuần qua

Google News

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24h qua (tính đến 18h ngày 17/4) cả nước ghi nhận 1.031 ca mắc COVID-19, đây là ngày ghi nhận số ca mắc cao nhất trong vòng 1 tuần vừa qua.

Số liệu thống kê từ Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày lên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, số ca mắc COVID-19 của cả nước đã tăng đột biến trong những tuần qua. Trong đó, số liệu ngày 17/4 ghi nhận 1.031 ca, 3 ngày trước đó (14, 15, 16) cả nước đã ghi nhận 2.272 ca mắc mới, trung bình mỗi ngày 757 ca.

Hà Nội là một trong số những địa phương có ca mắc nhiều nhất cả nước. Tính từ ngày 7/4 đến 14/4, thủ đô ghi nhận 493 ca COVID-19, tăng hơn 7 lần so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố có 756 ca COVID-19.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, virus biến đổi liên tục tạo các biến thể mới tăng khả năng lây nhiễm. Riêng tại Hà Nội, tuần qua, số mắc COVID-19 ghi nhận tăng so với tuần trước và có thể gia tăng trong thời gian tới. Do đó, các đơn vị cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình dịch để xử lý kịp thời, không để dịch bùng phát.

Cả nước đã ghi nhận hơn 1000 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 17/4.

Về tình hình điều trị, ngày 17/4 trên Hệ thống quản lý COVID-19 cho thấy, trong ngày, có 2 bệnh nhân được công bố điều trị khỏi. Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 14 ca phải thở oxy, gồm 12 ca thở oxy qua mặt nạ và 2 ca thở oxy dòng cao HFNC. Bộ Y tế cũng cho biết, hiện đang có 10 ca nặng phải điều trị tại các cơ sở y tế.

Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế và đơn vị trực thuộc Bộ Y tế rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 của tỉnh, của đơn vị theo nguyên tắc 4 tại chỗ; phân công số giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 cụ thể tới từng đơn vị; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 khi có chỉ định nhập viện; dự trù thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 khi dịch bệnh có thể xẩy ra diễn biến phức tạp.

Tại các cơ sở điều trị tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, đặc biệt tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi,…), khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật… Đồng thời tăng cường công tác vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh bệnh phòng, bố trí sắp xếp khoa phòng thuận tiện, phù hợp tình hình dịch và bảo đảm môi trường xanh, sạch đẹp.

Đối với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ COVID-19 nằm tại các Bệnh viện, khi kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính nhưng vẫn nghi ngờ COVID-19 khuyến cáo thực hiện xét nghiệm PCR để chẩn đoán mắc COVID-19 tránh bỏ sót ca bệnh để dịch bệnh lan rộng. Các Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối điều trị COVID-19 cần theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca bệnh COVID-19 nặng nhập viện hiện nay và gửi xét nghiệm giải trình tự gen để đánh giá mức độ nặng, nguy kịch báo cáo Bộ Y tế để xem xét điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn.

LÊ PHƯƠNG.

Bình luận(0)