Chim công còn được gọi với cái tên khác là khổng tước. Loài động vật này có nguồn gốc hoang dã nên sức đề kháng tốt, tỷ lệ nuôi sống cao. Thức ăn cho chim cũng đơn giản, dễ kiếm, chủ yếu là thóc, ngô và rau xanh, cỏ chiếm 60%. Lượng thức ăn chỉ bằng 1/3 của gà nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí chăn nuôi.
Thị trường hiện nay thường cung cấp nhiều loại chim công giống với mức giá khác nhau. Chim công nuôi vài tháng đã có thể đem bán. Một cặp chim công con hiện đang có giá bán ra gần 10 triệu đồng, chim bố mẹ có thể lên tới 100 triệu đồng/cặp.
Đây là loài chim quý và là 1 trong 10 loại chim đẹp nhất của tự nhiên. Loài này thường được nuôi để làm cảnh tại các gia đình, khu vui chơi, nghỉ dưỡng, khu sinh thái,… nhờ vẻ đẹp của bộ lông mang lại. Ngoài ra, lông chim công còn được dùng để làm hàng thủ công, đồ trang sức cao cấp, đồ trang trí.
Nhận thấy mô hình nuôi chim công mang lại nguồn kinh tế ổn định, nhiều hộ nông dân đã quyết định đầu tư con giống, xây dựng chuồng trại để làm giàu ngay tại quê hương.
Anh Trần Văn Toản (phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) được biết đến là người đầu tiên ở miền Tây mở trang trại nuôi chim công. Cách đây hơn 10 năm, anh Toản bắt đầu hành trình khởi nghiệp bằng mô hình nuôi gà đông tảo và đạt được nhiều thành công.
Năm 2017, tình cờ khi lên mạng tìm hiểu về một số giống vật nuôi mới lạ, đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh bị cuốn hút bởi loài chim công hoang dã có bộ lông sặc sỡ, múa đẹp, lại dễ nuôi, thị trường tại Cần Thơ rất khan hiếm.
Sau khi tìm hiểu kỹ về loài vật nuôi này, cộng với kinh nghiệm sẵn có khi nuôi gà đông tảo, anh nhanh chóng bắt tay vào xây dựng chuồng trại và nhập 2 cặp chim công bố mẹ với giá 20 triệu đồng/cặp về nuôi. Chỉ sau một thời gian ngắn, chim công sinh sản từ 25 - 27 trứng, anh đem ấp bằng máy và tỷ lệ nở thành công đạt 85%, do vậy anh đã mua thêm công bố mẹ về để phát triển mô hình.
Hiện nay, anh Toản có trại nuôi chim công rộng gần 400m2 với tổng đàn hơn 100 con, trong đó có 18 con công bố mẹ đang sinh sản. Anh Toản chủ yếu nuôi 2 loại công gồm chim công má vàng Việt Nam và chim công Silver có xuất xứ Thái Lan.
Giá chim công con (từ 1,5 tháng tuổi trở lên) được anh Toản bán ra cho thị trường ở mức từ 8 - 8,5 triệu đồng/cặp đối với công má vàng, còn công Silver có giá từ 17 - 20 triệu đồng/cặp. Riêng chim công má vàng bố mẹ có giá lên đến 55 - 60 triệu đồng/cặp và khoảng 75 - 95 triệu đồng/cặp đối với công Silver.
Chim công được anh Toản bán ra có đầy đủ các giấy tờ theo quy định của ngành chức năng. Những năm qua, mỗi năm anh xuất bán từ 100 cho tới 150 con chim công các loại, giúp mang về lợi nhuận từ 250 đến 300 triệu đồng.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Phương (xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) đã quyết định bỏ công việc ổn định với mức thu nhập cao để về quê làm nông dân.
Sau nhiều lần thử nghiệm với nhiều giống vật nuôi hoang dã, cuối cùng anh Phương quyết định lựa chọn chim công là hướng phát triển. Anh dồn hết tâm huyết vào cặp chim giống đầu tiên bằng số vốn phải đi vay mượn.
Một thời gian sau, những lứa chim con đầu tiên đã được ấp nở thành công, anh Phương quyết định vay tiếp 400 triệu đồng để mua thêm chim giống và mở rộng chuồng trại. Hiện nay, anh có cơ ngơi khoảng 4.000m2 chuồng với hàng chục chim mái sinh sản mang lại thu nhập rất cao cho gia đình.
Theo giá bán tại trang trại của anh Phương, giá chim công giống (đạt một tháng tuổi, đã được tiêm vắc-xin) đắt nhất là chim công má vàng với giá 7 triệu đồng/cặp, chim công trắng có giá 5 triệu đồng/cặp và chim công xanh có giá 2 triệu đồng/cặp.
Đối với chim công má vàng trưởng thành, giá lên tới 80 triệu đồng/cặp. Giá của chim còn tùy thuộc vào vào vẻ đẹp, bộ lông, sức khỏe và độ thuần chủng. Trung bình, mỗi năm anh Phương có thể kiếm được 300 - 500 triệu đồng.
Cũng làm giàu từ mô hình nuôi chim công, anh Trương Văn Phúc (xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) đã bắt đầu lập nghiệp từ năm 2009 với cặp chim giống đầu tiên.
Hiện tại, trang trại anh Phúc rộng 2.000 m2 với nhiều chuồng. Mỗi chuồng rộng 6m2, thả từ 2 - 4 con công trống và mái. Xung quanh chuồng phải rào lưới, phủ bạt để tránh mưa và công bay ra ngoài.
Theo anh Phúc, chim công nuôi 2 năm trở lên bắt đầu sinh sản, mỗi lần chúng đẻ hơn 30 trứng. Trại sử dụng máy ấp và cách chăm sóc riêng nên tỷ lệ trứng nở thành công đạt 80%. Chim công con được nuôi trong phòng tối, có bật đèn vàng để giữ ấm. Công được hơn 2 tháng tuổi sẽ tiêm vắc-xin và bán với giá từ 4 - 7 triệu đồng/cặp tùy giống.
Trong các giống thì loài công xám khá hiếm, có giá cao. Anh Phúc đang nuôi 6 con công xám trưởng thành, giá từ 90 - 120 triệu đồng/cặp. Ngoài ra, chủ trại còn có các giống công trắng, công hoa, công ngũ sắc,... có giá dao động từ 7 - 20 triệu đồng/con. Anh Phúc cũng tích trữ lông công rụng để bán vào dịp Tết với giá từ 20.000 đến 40.000 đồng/cọng.
Ngoài nuôi chim công là chủ lực, anh Phúc còn sở hữu những giống gà, chim, vịt kiểng độc đáo như vịt uyên ương, chim trĩ bảy màu, trĩ đỏ,… Mỗi năm, anh Phúc xuất bán hàng trăm chim công và gà, vịt kiểng cho các khu du lịch, giới chơi chim cảnh. Với mô hình chăn nuôi hiện tại, anh Phúc thu lãi từ 500 - 600 triệu đồng/năm.
Nuôi chim công hiện đang là mô hình có tiềm năng với thu nhập ổn định. Các hộ nông dân cần chú ý tới việc xây dựng chuồng trại, thức ăn hàng ngày, tiêm phòng đầy đủ,... sẽ cho hiệu quả kinh tế cao, làm giàu nhanh chóng.