"Báu vật dưới lòng đất" xưa dành cho người nghèo, nay thành đặc sản ở thành phố có hương vị đặc biệt, 70.000 đồng/kg

Google News

Từ món ăn dân dã của người nghèo ngày xưa, giờ đây loại khoai này thành đặc sản ở thành phố, bán trên chợ mạng và các sàn thương mại điện tử. 

Ngoài củ từ, khoai lang, khoai sọ còn có một loại củ gắn bó với cuộc sống dân dã của người dân ở cả 3 miền từ xưa đến nay, đó là củ khoai vạc. 

Khoai vạc còn có tên gọi khác là khoai mỡ, khoai tím, củ cái, củ mỡ, củ cầm, củ tía, khoai ngà..., tên khoa học Dioscorea alata. Loại khoai này có nguồn gốc từ châu Phi, kích thước củ lớn hơn hẳn so với các loại củ khác, có thể nặng tới 50kg. 

Củ khoai vạc có kích thước lớn hơn các củ khoai khác, màu tím bắt mắt nên nhiều người nhầm với khoai môn

"Khoai vạc có vỏ màu nâu xám, bên trong thịt màu tím, khi nấu chín sẽ mịn như khoai tây. Nhiều người nhầm khoai vạc với củ khoai môn, nhưng thực chất đây là 2 loại khác nhau. Khoai vạc khi ăn có vị ngọt bùi, được dùng để chế biến nhiều món ăn, kể cả món ngọt và món mặn. Đặc biệt, chúng có chứa nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe. 

Trước đây khoai vạc là món ăn "cứu đói". Mình còn nhớ hồi đó trong vườn trồng đủ các loại khoai, đến mùa thu hoạch vào để ăn. Bây giờ khoai vạc thành đặc sản ở thành phố, được bán trên sàn thương mại điện tử hay trên chợ mạng với giá khoảng 50.000-70.000 đồng/kg", chị Loan (ở vùng Đồng Tháp Mười của huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) chia sẻ. 

Khoai vạc được người thành phố "săn lùng" trong những năm gần đây, giá có thể lên tới 70.000 đồng/kg

Theo chị Loan, vì khoai vạc mang lại giá trị kinh tế nên mấy năm nay nhiều hộ dân ở vùng Đồng Tháp Mười mở rộng mô hình trồng để bán ra thị trường. Đặc tính của khoai vạc là thích nghi trên đất phèn, chúng được trồng từ tháng 11 năm trước, đến tháng 7 năm sau bắt đầu thu hoạch. Củ khoai này nổi trội về hương vị thơm, ngon, dẻo, bùi, màu sắc đa dạng như tím than, tím bông lau. 

Khoai vạc có khả năng tự sinh trưởng rất tốt mà không cần chăm bón nhiều, chỉ cần chú ý tưới nước vừa đủ cung cấp độ ẩm cho cây. Sau khi thu hoạch, chúng được thương lái thu mua tận nơi để bán đi các tỉnh thành, nhờ đó mang về nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. 

Từ khoai vạc có thể làm thành nhiều món ăn hấp dẫn như nấu chè, canh khoai vạc, nấu cháo, làm bánh...

Nhớ về những củ khoai vạc, bạn Hoàng Lan (ở Nghệ An) kể: "Trước đây ở quê nhà nào cũng có vài khóm khoai vạc. Củ nào củ nấy to như bắp chân, người ta thu hoạch vào ăn thay cơm. Khi xã hội phát triển, những thứ khoai lạ này được ưa chuộng, dân thành phố tìm mua về chế biến đủ món ngon. 

Củ khoai vạc làm thành nhiều món ăn hấp dẫn

Mình hay mua khoai vạc ở chợ gần nhà về nấu chè. Chè khoai vạc có màu tím rất bắt mắt, vừa bùi vừa thơm nên cả nhà mình ai cũng thích. Nếu không có thời gian, bạn có thể luộc khoai vạc là nhanh nhất, chỉ cần rửa sạch rồi cho vào nồi luộc đến khi chín là có thể ăn được. Nếu muốn ngon hơn, hãy chấm miếng khoai vạc với đường. Khi ấy, cả bầu trời tuổi thơ sẽ ùa về, cảm giác vô cùng thích thú".

H.A

Bình luận(0)