Người Trung Quốc có câu "Nhân thụy tam giác, mệnh bỉ chỉ bạc", chỉ ra ba kiểu ngủ rất hại cho sức khỏe, thậm chí gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của con người.
Giấc ngủ ảnh hưởng tới sức khỏe. (Ảnh minh họa).
Ngủ ngay sau bữa ăn
Buồn ngủ ngay sau khi ăn là điều dễ hiểu, vì "căng cơ bụng, chùng cơ mắt". Tuy nhiên, không nên đi ngủ ngay sau bữa ăn vì thói quen này sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và cản trở lợi ích của giấc ngủ đối với cơ thể. Tốt nhất nên đi dạo sau bữa ăn hoặc vận động nhẹ nhàng để dạ dày có thời gian tiêu hóa.
Ăn no sau đó ngủ khiến dạ dày phình to, đẩy cơ hoành lên chèn ép cản trở hoạt động của tim. Ngoài ra, nằm ngay sau bữa ăn làm tăng sức ép đối với khả năng tiêu hoá thức ăn của dạ dày. Việc nằm xuống cũng khiến quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thu chất dinh dưỡng không được tối ưu, do cản trở dòng dịch axit trong dạ dày chảy. Thậm chí, dòng axit trào ngược qua dạ dày đến thực quản và các bộ phận nhạy cảm của hệ tiêu hóa. Điều này có thể dẫn đến chứng ợ nóng, cảm giác đau rát ở ngực hoặc cổ họng.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, ngủ ngay sau khi ăn làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch châu Âu chỉ ra, so với những người đi ngủ trong vòng một giờ sau bữa tối, những người đợi từ 60 - 70 phút ít bị đột quỵ hơn 66%. Những người đợi từ 70 - 120 phút, có nguy cơ bị đột quỵ thấp hơn 76%.
Do đó, tốt nhất là nên ngủ sau khi ăn khoảng 1-2 giờ đồng hồ.
Ngủ muộn
Thức khuya, dậy muộn là thói quen của nhiều người trẻ. Tuy nhiên, bạn rất dễ phá vỡ nhịp đồng hồ sinh học, gây tổn hại cơ thể nếu có thói quen này. Thậm chí, bạn sẽ thấy càng ngủ nhiều thì càng mệt mỏi, thậm chí còn chóng mặt, hoa mắt, da dẻ kém tươi...
Các nghiên cứu chỉ ra, ngủ muộn làm suy giảm trí nhớ, suy giảm hệ miễn dịch, gây ra lão hóa nhanh chóng, ảnh hưởng nặng nề đến hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo như tiêu hóa, tim mạch, đái tháo đường...
Đảo lộn giờ ngủ - thức
Việc ngủ ngược ngày và đêm đi trái ngược với đồng hồ sinh học của cơ thể con người, do đó rất có hại. Cách ngủ này sẽ ảnh hưởng đến quá trình bài tiết sắc tố melanin và gây rối loạn nội tiết nghiêm trọng.
Nghiên cứu chỉ ra, rối loạn nhịp sinh học có thể gây tổn hại sức khỏe nghiêm trọng. Những người làm ca đêm dễ bị suy giảm chức năng miễn dịch, dẫn đến phát sinh một loạt bệnh mãn tính, thậm chí ung thư. Các nghiên cứu cũng cho thấy, sự rối loạn nhịp sinh học có thể dẫn đến một số hậu quả tiêu cực như rối loạn giấc ngủ, làm mất ngủ, ngưng thở khi ngủ, suy giảm chức năng của hệ thống miễn dịch, cản trở các đồng hồ gen liên quan đến các bệnh ung thư như ung thư vú, tuyến tiền liệt và ung thư đại trực tràng... Sự rối loạn này gây ra các bệnh béo phì, tiểu đường, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn tim mạch, các vấn đề sinh sản và rối loạn cảm xúc theo mùa...
Các dấu hiệu cảnh báo cơ thể bất thường thông qua giấc ngủ
Khi những khó chịu sau xảy ra trong khi ngủ, bạn cũng nên cảnh giác xem đó có phải là dấu hiệu của một số bệnh hay không. Đó là:
+ Đau tức ngực
Nếu bạn cảm thấy đau vùng xương ức, có thể kèm theo tức ngực, khó thở, thở gấp và tim đập nhanh hơn rõ rệt... khi ngủ, bạn đang gặp vấn đề cần phải đi khám.
+ Chuột rút
Nhiều người bị chuột rút bắp chân khi ngủ. Điều này có thể do lưu lượng máu ở chân bị tắc nghẽn, chẳng hạn như do xơ cứng động mạch hoặc giãn tĩnh mạch. Nếu bạn thường xuyên bị chuột rút trong một khoảng thời gian dài, tốt nhất nên đến bệnh viện để điều trị.
+ Chảy nước dãi khi ngủ
Khi ngủ sai tư thế, nằm sấp hay úp mặt khi ngủ sẽ gây kích ứng miệng và khiến bạn chảy nước dãi một cách vô thức. Tuy nhiên, trong trường hợp nằm đúng tư thể mà vẫn chảy dãi, bạn phải thận trọng. Đặc biệt là người già, khi ngủ thường chảy nước miếng một cách vô thức, đây có thể là dấu hiệu của chứng huyết khối não.
Ngủ ngon giúp bạn khỏe khoắn hơn mỗi ngày. (Ảnh minh họa)
+ Tiểu đêm nhiều
Đối với người cao tuổi thường gặp các vấn đề về lão hóa nội tạng, gây kích thích niệu đạo, làm hình thành triệu chứng đi tiểu nhiều lần.
Tiểu đêm nhiều cũng liên quan đến các lý do bệnh lý, chẳng hạn như rối loạn chức năng thận do tổn thương bệnh thận, viêm cầu thận mãn tính phổ biến, viêm bể thận mãn tính hoặc bệnh tiểu đường, trong đó lượng đường trong máu cao dẫn đến lợi tiểu.
+ Miệng khô khốc khi ngủ
Về cơ bản, khô miệng là hiện tượng rất phổ biến. Hàng ngày cơ thể cần tiêu hao năng lượng để trao đổi chất, tất cả đều cần nước để duy trì, vì vậy khi uống ít nước, ăn quá mặn, căng thẳng, môi trường trong nhà hanh khô… thì khô miệng có thể xảy ra. Khô miệng có thể là tình trạng khô miệng do sinh lý, không liên quan đến bệnh tật.
Tuy nhiên, khô miệng thường xuyên cũng có thể là dấu hiệu của bệnh. Đầu tiên là các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh , viêm mũi, viêm xoang… có thể gây ra tình trạng thở bằng miệng do ngạt mũi, từ đó gây khô miệng. Thứ hai là tình trạng viêm nhiễm, chẳng hạn như viêm amidan, viêm họng, viêm phổi... ảnh hưởng đến niêm mạc miệng, khiến chức năng bài tiết giảm sút, từ đó sinh ra triệu chứng khô miệng. Thứ ba là bệnh tiểu đường. Bệnh nhân tiểu đường thường mắc chứng uống nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều, sụt cân. Khi đường trong cơ thể không thể được sử dụng hết, nó chỉ có thể được đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Nhưng với việc đi tiểu nhiều lần, cơ thể cũng sẽ mất nhiều nước, gây cảm giác khát nước.
Nếu bạn khô miệng do bệnh lý, uống nước thường xuyên cũng không thuyên giảm, nên đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt để giải quyết tận gốc vấn đề.