5 người gần gũi nhất quyết định hướng đi cuộc đời bạn

Google News

Tự hoàn thiện bản thân không chỉ là điều chỉnh bản thân mà còn là sự sàng lọc của vòng tròn kết nối.

Tất cả chúng ta đều trải qua những thời điểm như này trong đời: Rõ ràng muốn đề cao bản thân, bỏ ra rất nhiều nỗ lực nhưng kết quả lại chẳng được là bao. Chúng ta đặt tay lên trán mà suy ngẫm: “Có điều gì mình làm chưa tốt không?”

Nhưng đôi khi, ta thấy mình đã làm tất cả những gì nên làm, vậy vấn đề là ở đâu? Việc tự kiểm điểm mình là điều đáng được khuyến khích và nên làm nhưng nhiều khi, chúng ta lại bỏ qua một nguyên nhân đến từ bên ngoài chính là vòng tròn xã hội.

“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Chúng ta tiếp xúc với kiểu người nào trong cuộc sống hàng ngày, điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trạng thái của chúng ta. Rất nhiều người trắc trở trên con đường trưởng thành không hẳn vì họ không đủ tốt mà vì họ đã bỏ qua yếu tố xã hội.

Ở mức độ nhỏ, vòng tròn quan hệ sẽ ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt hàng ngày và trạng thái cảm xúc của bạn. Ở mức độ lớn, nó sẽ ảnh hưởng đến ý thức về quyền lực bản thân, ý thức về giá trị và thậm chí toàn bộ trạng thái cuộc sống của một người.

Tự hoàn thiện bản thân không chỉ là điều chỉnh bản thân mà còn là sự sàng lọc của vòng tròn kết nối.

1. Không thể giảm cân? Hãy kết bạn mới!

Có cô nhân viên văn phòng nọ mãi vẫn không thể thành công trong việc giảm cân. Cô đem thắc mắc của mình đến hỏi một người tư vấn. Thông thường, phản ứng đầu tiên của người tư vấn sẽ là: “Có phải ý chí chưa đủ, mục tiêu đặt ra quá cao, hay kế hoạch luyện tập không hợp lý?” Nhưng tư vấn viên này biết rằng vấn đề không nằm ở đó nên đưa ra 2 câu hỏi:

“Những người xung quanh bạn có thích thể thao không? Bạn bè của bạn thích làm gì khi ra ngoài?”

Cô nàng suy nghĩ một lúc và phát hiện không có bạn bè nào của mình thích thể thao, ra ngoài ai cũng thích uống rượu ăn thịt nướng. Khi cô thấm mệt sau những buổi tập thể dục, bạn cô sẽ khuyên rằng: “Nghỉ vài buổi có sao! Trời này ngủ nướng là sướng nhất”. Khi cô nói rằng sẽ ăn kiêng, bạn cô sẽ nói: “Thôi đừng làm mọi người mất vui. Cứ ăn thoải mái đi!” Nếu cô quyết tâm thực hiện kế hoạch một cách nghiêm túc, cô sẽ mất đi sự tương tác với bạn bè, đối mặt với sự một mình.

Suy cho cùng, con người ta ai cũng cần các mối quan hệ. Bởi vậy, cô đành ưu tiên tán gẫu với bạn bè, đi mua sắm, sau đó tất yếu phải đi uống rượu ăn thịt nướng, kế hoạch giảm cân lại đổ bể.

Tư vấn viên đưa ra cho cô một gợi ý rất đơn giản: “Hãy chú ý đến những người yêu thích thể thao xung quanh bạn, liên lạc với họ nhiều hơn, trò chuyện và kết bạn”. Sau một hồi suy nghĩ, cô nhận ra mình có những người bạn thích chơi cầu lông sau giờ làm việc, chạy bộ trong công viên vào buổi sáng hay đi bơi vào cuối tuần... Cô nhanh chóng tìm được đối tác cùng chí hướng và tần suất vận động cũng tăng lên.

Doanh nhân nổi tiếng Jim Rohn từng nói: “Bạn là trung bình cộng của 5 người bạn dành nhiều thời gian ở cùng nhất”.

Không thể phủ nhận tương tác xã hội có tác động lớn đến con người. Nếu vòng tròn không khớp, bạn sẽ giống như cô nhân viên văn phòng trên, không thể thiết lập mối liên hệ phát triển với những người xung quanh, thường phải vật lộn với nỗ lực của mình và tiến độ phát triển còn chậm. Ngược lại, khi đã tìm đúng vòng tròn, bạn làm việc gì cũng thuận lợi hơn, như vịt trong nước.

2. Người lúc nào cũng lo lắng có thể không phải vấn đề từ bản thân

Tiến xa hơn một bước, các vòng kết nối xã hội có thể ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc của chúng ta.

Từ khi con vào học lớp 1, chị Châu tham gia nhiều hơn vào các nhóm phụ huynh và ngày ngày được nghe, đọc rất nhiều tâm sự. Họ thường thảo luận về việc đăng ký cho con học lớp nào, mua tài liệu học tập ở đâu và so sánh tiến độ phát triển của từng đứa trẻ. Có đứa trẻ khiến cha mẹ như ngồi trên đống lửa vì mê game mà bỏ học, có đứa trẻ vì không đi học thêm mà không vào được trường cấp hai tốt; lại gia đình đầu tư cả hè cho con học thêm để có thể nhanh chóng gia tăng thành tích... 

Gia đình chị vốn dĩ bình thường chuyện dạy dỗ học hành con cái khá thoải mái. Nhưng mỗi khi trò chuyện xong với các phụ huynh, trong lòng chị lại có một sự lo lắng không thể giải thích. Ngẫm con nhà người khác rồi nhìn lại con mình, chị luôn cảm thấy  mình phải làm gì đó. "Chẳng phải chúng nên nói không với ti vi sao? Mình có cần thuê giáo viên kèm không? Có phải con nên đi học thêm trong những ngày nghỉ?..."

Dần dần, chị chỉ trích con nhiều hơn, mâu thuẫn giữa hai mẹ con ngày càng gay gắt. Mãi sau này trong một buổi họp phụ huynh, giáo viên tâm lý của trường gọi chị ra nói chuyện riêng để nhắc nhở về tình trạng tâm lý của con, chị mới nhận ra trước đây mình đã quá lo lắng, phương pháp giáo dục có vấn đề.

Chị quyết định rời khỏi các nhóm phụ huynh kia, thay vào đó là kết giao với một số phụ huynh có phương pháp nuôi dạy con tích cực hơn. Mỗi cuối tuần, chị lại đưa con đi đạp xe, câu cá, bớt nói chuyện học hành, bớt lo lắng. về điểm số... Dần dần, cả tâm lý của chị và con đều trở nên ổn hơn.

Trạng thái cảm xúc giữa con người với nhau sẽ ảnh hưởng đến nhau. Trên thực tế, sự lây lan cảm xúc lẫn nhau này rất phổ biến và thậm chí không cần nói ra. 

Hãy tưởng tượng tình huống, bạn định đọc sách và phía trước có 2 phòng học, mỗi phòng có 1 người. Bên trong phòng học A là một người đang ngồi lo lắng, tay vò đầu bứt tóc và bên trong phòng học B, một người đang thư thái viết thư pháp. Bạn sẽ chọn bước vào phòng nào để đọc sách? 

Mặc dù cả hai đều im lặng một cách khách quan, nhưng chúng ta có thể cảm nhận được cảm xúc của nhau rất nhanh chóng. Ở phòng B, sự điềm tĩnh ấy sẽ lan tỏa và khiến chúng ta dễ tập trung hơn. Ngay cả khi ban đầu tâm trạng của ta đang không ổn, sẽ dần trở nên thoải mái trong bầu không khí này.

Tránh xa những nhóm người hay lo lắng và ở gần những người điềm tĩnh có thể giúp chúng ta giữ bình tĩnh hơn. Đây là tác động trực tiếp hơn của giao tiếp xã hội đối với con người. Sự tương tác xã hội còn ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận về chính bản thân mình và thế giới.

3. Đánh mất niềm tin vào chính mình vì một đánh giá duy nhất

Có không ít người chỉ vì những lời mắng mỏ của cấp trên mà tâm trạng trở nên ủ dột, cho rằng bản thân thật vô giá trị, có đi đâu cũng không thể làm tốt công việc. Họ đã sống theo giá trị "kết quả là trên hết" từ khi còn nhỏ. Ngày đi học, họ được dạy rằng chỉ người đạt điểm cao mới có thể thành công sau này. Khi lên đại học, họ tin rằng nếu nghiên cứu mà không ra kết quả thì chỉ là vô ích. 

Nếu bạn ở trong một kiểu vòng kết nối đơn lẻ, sự đánh giá của mọi người về bản thân sẽ trở nên đơn lẻ và bạn dễ phủ nhận bản thân vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn của ai đó. Nhớ rằng, những đánh giá, dù là của bất kỳ ai cũng không làm nên con người bạn. 

Lọc các vòng kết nối xã hội chính là để bạn phát triển bản thân mình. Muốn phát triển tốt hơn, hãy tiến gần hơn đến những người giỏi. Như nào là người giỏi, kiếm được nhiều tiền hơn, học vấn cao hay có địa vị cao... mấu chốt là hãy tự hỏi bản thân "Tôi cảm thấy thế nào khi kết thân với người này".

Đây là 4 chỉ số giúp bạn đánh giá mối quan hệ trước mắt có xứng đáng hay không:

- Cảm thấy tốt: Ở bên người này khiến bạn cảm thấy thư giãn và thoải mái.

- Tăng trưởng tốt: Khi bạn hòa hợp, bạn sẽ trở nên có động lực và muốn thách thức bản thân. 

- Tự đánh giá tốt: Bạn ngày càng thích bản thân mình hơn và chấp nhận bản thân hơn.

- Cuộc sống tốt: Để bạn thêm yêu và tận hưởng cuộc sống và khám phá niềm vui.

Trong cuộc sống, cũng có một số vòng tròn tưởng chừng như “cao cấp”, nhưng nếu chúng không thể mang lại tác động tích cực cho cuộc sống của bạn, thì điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Nhớ rằng, một người giỏi giang không nhất thiết phải sinh ra với bất kỳ khả năng phi thường nào mà giỏi sử dụng các lực lượng bên ngoài để phát triển bản thân.

BẢO ANH.

Bình luận(0)