1. Ngành Nha khoa
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe răng miệng ngày càng được chú trọng. Phát triển theo xu hướng này, chuyên ngành bác sĩ nha khoa (hay còn gọi là nha sĩ) trở thành một ngành nghề hot hit “hái ra tiền" tại thị trường lao động.
Bộ Y Tế từng đưa ra kết quả khảo sát cho thấy trên 90% người dân Việt Nam bị bệnh răng miệng. Riêng ở trẻ em 6-8 tuổi, hơn 85% bị bệnh sâu răng (trung bình là 5,4 chiếc). Các bệnh viện, phòng nha… đều ở trong tình trạng quá tải khách, luôn tuyển dụng nha sĩ có kỹ năng chuyên môn để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của khách hàng.
Sau khi ra trường bác sĩ nha khoa có mức lương thuộc vào hàng "khủng". Nếu có kinh nghiệm lâu năm trong nghề thì bạn có thể sống sung túc với nghề nha sĩ, lên tới 50-70 triệu đồng/tháng. Nếu mở phòng nha riêng, có thương hiệu thì bác sĩ nha khoa sẽ “hái ra tiền". Theo một số khảo sát, mức lương của nha sĩ trung bình là 30.000.000 đồng, cho 8 giờ làm việc/ngày và 7 ngày/tuần.
Các cơ sở đào tạo nha sĩ nổi tiếng ở Việt Nam như Đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, Khoa Y Đại học Quốc Gia TP.HCM cùng nhiều trường tư khác. Tại Đại học Y Hà Nội, năm 2024, điểm chuẩn ngành Răng Hàm Mặt lấy 27,67 điểm.
2. Ngành Ngân hàng
Trong bối cảnh kinh tế ngày càng mở rộng, nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính ngày càng tăng cao, Tài chính - Ngân hàng đã và đang là ngành nghề có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
Các chuyên gia dự báo, đến năm 2025, nhu cầu nhân lực cấp cao ngành tài chính ngân hàng sẽ tăng khoảng 20%/năm. Trong đó, trình độ Đại học trở lên, Cao đẳng chiếm tỷ lệ 80,4% nhu cầu. Riêng tại TP.HCM, nhu cầu nhân lực nhóm ngành này đến năm 2025 chiếm tỉ trọng 5% (khoảng 15.000 lao động) tổng số việc làm cần tuyển hàng năm.
Báo cáo tài chính riêng lẻ của 27 ngân hàng niêm yết ở nước ta trong quý I/2024 cũng chỉ ra, các ngân hàng đã bỏ ra hơn 25.000 tỷ đồng để chi trả chi phí cho nhân viên. Ước tính, thu nhập bình quân mỗi tháng của nhân viên ngân hàng đạt khoảng 35,8 triệu đồng.
Một số trường đại học uy tín đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng gồm: Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thương mại, ĐH Ngoại thương, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Tài chính – Marketing, ĐH Kinh tế TP.HCM… Năm 2024, điểm chuẩn ngành Ngân hàng thuộc top cao. Tại Học viện Ngân hàng, năm 2024 điểm chuẩn ngành Ngân hàng lấy 26,2 điểm.
3. Ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô
Tốc độ tăng trưởng nhanh về phương tiện cơ giới đường bộ, đặc biệt đối với ô tô ở Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ nền công nghiệp ô tô. Theo dự kiến đến 2025, nhu cầu tiêu thụ ô tô tại thị trường trong nước là 800.000 – 900.000 xe. Khi đời sống của người dân được nâng cao, việc sở hữu ô tô cũng nhiều hơn, trở thành nhu cầu thiết yếu.
Nhiều tập đoàn về ô tô lớn đều đặn tuyển dụng ở nhiều vị trí hàng năm nhưng luôn trong tình trạng thiếu hụt nhân sự. Ngành công nghệ kỹ thuật ô tô đã và khẳng vị thế đứng đầu trong nền kinh tế, điều này đặt ra yêu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng. Do đó, cơ hội việc làm với các tân cử nhân/kỹ sư ngành Công nghệ ô tô là rất rộng mở.
Tại Việt Nam, theo thống kê của VietnamWorks, mức lương cho kỹ sư công nghệ ô tô dao động từ 1.000 đến 2.000 USD mỗi tháng (từ 25 - 50 triệu đồng/tháng), tùy thuộc vào vị trí và năng lực. Khảo sát của ZipRecruiter cũng cho thấy mức lương của một kỹ sư hệ thống ô tô và điều khiển có kinh nghiệm tại Việt Nam có thể lên tới 8.000 USD mỗi tháng (khoảng 203 triệu đồng/tháng).
Hiện tại ở nước ta có nhiều trường Đại học, đơn vị giáo dục đào tạo ngành công nghệ ô tô như: Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Bách khoa TP. HCM, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng... Năm 2024, điểm chuẩn ngành này tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội lấy 25,9 điểm.
4. Ngành Công nghệ thông tin
Công nghệ thông tin (CNTT) là lĩnh vực chưa bao giờ ngừng phát triển. Các thiết bị điện tử không ngừng được đổi mới, sự phổ biến mạng xã hội… khiến CNTT là ngành giữ vị thế tiên phong, luôn thiếu nhân lực và đòi hỏi trình độ nâng cao.
Theo thống kê trong thời kỳ phát triển của công nghệ 4.0, số lượng lao động cần trong ngành công nghệ thông tin là rất lớn, tính riêng thị trường TP HCM ước tính cần khoảng 24.000 người/năm từ nay đến năm 2025. Trên cả nước mỗi năm cần khoảng 78.000 lao động chuyên ngành công nghệ thông tin.
Trong nội dung Báo cáo hướng dẫn lương 2022 của Adecco Việt Nam công bố, mức lương "khủng" của ngành công nghệ thông tin cao nhất là 400 triệu và thấp nhất là 15 triệu. Mức lương này có thể thấp hoặc cao hơn tuỳ theo năng lực của mỗi người.
Bạn có thể lựa chọn theo học ngành này tại một số trường đại học như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM... Năm 2024, điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Bách khoa Hà Nội lấy 28,01 điểm.
5. Ngành Truyền thông quốc tế
Trước xu hướng toàn cầu hóa, việc hợp tác và kết nối giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng trở nên chặt chẽ ở mọi lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, du lịch, giáo dục,… Điều này dẫn đến nhu cầu tăng cao về nguồn nhân lực ngành Truyền thông quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối con người, truyền tải thông tin trên toàn cầu.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, đến năm 2025, thị trường lao động cần đến 21.600 nhân sự trong ngành Truyền thông - Quảng cáo mỗi năm. Con số này cho thấy, tiềm năng phát triển mạnh mẽ và cơ hội việc làm rộng mở cho sinh viên theo học ngành Truyền thông quốc tế.
Theo các cuộc khảo sát từ các trường đại học, mức lương khởi điểm sinh viên ngành Truyền thông quốc tế nhận được khi mới ra trường dao động từ 8 – 14 triệu đồng. Khi có kinh nghiệm hơn, mức này có thể chạm ngưỡng 20 triệu đồng/tháng. Ở trình độ cấp quản lý, mức thu nhập có đạt mức từ 25 – 50 triệu đồng, tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp.
Tại Học viện Ngoại giao năm 2024, ngành Truyền thông quốc tế khối C00 (Ngữ Văn, Địa lý và Lịch sử) lấy điểm chuẩn là 29,05 điểm. Đây là mức điểm chuẩn cao thứ 2 của trường chỉ sau ngành Trung Quốc học.