1. BÒ HẦM CÀ CHUA
Nguyên liệu:
- 3 quả cà chua, 1 củ hành tây, 400g thịt dẻ sườn bò, 3 thìa rượu nấu ăn, 20 gam đường phèn, 2 lá nguyệt quế, 1 hoa hồi, 1 miếng quế nhỏ, vài lát gừng, 2 miếng cam thảo, lượng hành lá vừa phải, 2 thìa hắc xì dầu, 3 thìa nước tương nhạt, 1 thìa muối, lượng rau mùi vừa phải.
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế thịt bò
Thịt bò rửa sạch, thái miếng vuông vừa ăn. Cho thịt bò vào nồi, thêm nước vào, cho thêm hành lá, gừng thái lát, rượu nấu ăn vào. Đun sôi ở lửa lớn trong 2 phút, sau đó vớt bọt. Lấy thịt bò ra, rửa lại với nước ấm cho sạch bọt bẩn. Bước này nhằm loại bỏ tạp chấp và máu thừa trong thịt bò, giúp thịt bớt mùi gây. Khi nấu chín sẽ thơm ngon hơn.
Bước 2: Sơ chế cà chua
Cà chua rửa sạch, khứa chéo ở đáy quả. Sau đó cho cà chua vào nồi nước sôi, chỉ 1 phút sau là có thể lột được vỏ cà chua. Sau khi lột vỏ cà chua xong, đem thái cà chua thành miếng nhỏ, để sang một bên.
Bước 3: Xào cà chua
Cho ít dầu ăn vào chảo, cho cà chua vào xào. Dùng muôi ấn cà chua xuống để nó ra nước. Thêm một ít nước vào để cà chua nhuyễn ra. Bước này sẽ khiến món hầm ngon hơn. Tắt bếp.
Bước 4: Xào thịt bò
Cho một ít dầu ăn vào chảo khác, thêm thịt bò vào, khi thịt bò chuyển màu thì thêm lượng nước vừa đủ vào.
Bước 5: Hoàn thiện
Đồng thời cho hành tây, thêm các loại gia vị như quế, lá nguyệt quế, hoa hồi, rượu nấu ăn, hắc xì dầu, nước tương, đường vào. Đun sôi trên lửa lớn. Cho đường phèn vào để trung hòa vị chua cà của chua và tăng hương vị ngọt tự nhiên của món ăn lên.
Cuối cùng, đổ cà chua đã xào nhuyễn vào, đậy vung và hầm nhỏ lửa trong 1 giờ. Chú ý lượng nước đã thêm vào nồi để tránh bị cạn. Hết thời gian, thịt đã chín mềm, tắt bếp. Rắc rau mùi thái nhỏ. Trước khi ăn, bạn có thể nếm thử, nếu thiếu gia vị có thể điều chỉnh lại cho vừa miệng.
2. CHÂN GIÒ GIẢ CẦY
1. Nguyên liệu:
Khẩu phần cho nhà 4 người ăn:
- 1 cái móng giò.
- 1 cái thịt chân giò (khoảng 7-8 lạng).
- Mắm tôm - mẻ - riềng, sả, hành khô, tỏi.
- Nghệ tươi (hoặc bột nghệ) hoặc bột nghệ.
- Rau ăn kèm: Húng chó, mùi tàu, lá mơ, hành, răm, ngổ, kinh giới, dưa chuột...
- Bún ăn kèm.
- Đậu rán ăn kèm: 10 bìa.
- Măng củ chua để nấu kèm (tùy ý).
Cách làm chân giò giả cầy
Bước 1: Sơ chế
- Thịt chân giò, móng giò heo sát muối hạt rửa sạch.
- Cho lên bếp gas với lửa lớn hết cỡ để bì lợn được thơm, giòn hơn. Nếu ở chung cư thì tốt nhất bạn nên nhờ người bán thui hộ. Hoặc nhà có khò thì khò chân giò cũng được.
- Thịt chân giò, móng giò thui xong thì cạo phần cháy và rửa sạch. Chặt khúc, thái miếng vừa ăn (thái thịt to hơn kho tàu chút nha, dầy cỡ khoảng 2 ngón tay chập lại).
- 1 củ riềng, 2 củ sả, 1 củ nghệ, giã dập hoặc cho vào cối xay xay nhỏ.
- Măng củ gọt bỏ phần già, bổ miếng to bằng 2 ngón tay để nấu cùng.
- Rau ăn kèm: Húng chó, mùi tàu, lá mơ, hành, răm, ngổ, kinh giới, dưa chuột... nhặt và rửa sạch.
Bước 2: Ướp thịt giả cầy
- Gia vị ướp: Chỗ riềng, sả, nghệ, hành khô đã xay (giã) ở trên + 2 thìa canh mắm tôm + 2 thìa canh mẻ + 1 thìa canh bột canh + ½ thìa mì chính + 1 thìa canh nước mắm.
- Trộn đều và ướp 1-2 giờ.
Bước 3. Nấu giả cầy
- Bắc nồi lên bếp, làm nóng nồi. Cho xíu mỡ lợn (hoặc dầu ăn) vào nồi phi thơm hành khô băm nhỏ, tỏi băm nhỏ.
- Cho phần thịt chân giò, móng giò đã ướp và nồi xào săn lại. Đảo đều tầm 10 phút với lửa to cho săn thịt và ngấm gia vị.
- Đổ 1.5 lít nước vào nồi (thấy xâm xấp mặt thịt là được), thêm măng.
Đun sôi và vặn nhỏ lửa. Nấu lửa vừa tầm 15 phút cho móng và thịt ngấm, mềm (còn giữ độ giòn của thịt).
- Đến khi nồi nước sệt sệt lại, nêm nếm vừa miệng rồi tắt bếp cho hành, rau răm thái nhỏ lên trên.
Bước 4. Trình bày và thưởng thức
- Múc giả cầy ra tô, ăn nóng cùng bún (hoặc cơm) và các loại rau ăn kèm như húng chó, mùi tàu, lá mơ, hành, răm, ngổ, kinh giới, dưa chuột...
- Bạn có thể chiên thêm 1 đĩa đậu rán + pha 1 bát mắm tôm nhỏ ăn cùng. Bún giả cầy cho bữa ăn thêm phong phú.
Cách pha mắm tôm chấm đậu rán: 1 thìa canh mắm tôm + 1 thìa canh đường + ½ thìa canh giấm + 1/2 quả chanh (hoặc 2 quả quất) + thìa canh dầu nóng vừa rán đậu + ớt tươi. Đánh bông bát mắm tôm trước khi ăn.
Chân giò giả cầy thơm nức mũi, giòn ngon, nóng hổi, đậm đà ăn cùng bún hay cơm cùng các loại rau thơm thật chẳng còn gì hấp dẫn bằng!
3. ĐÙI GÀ NƯỚNG TIÊU
Nguyên liệu:
- 3 chiếc đùi gà góc tư (phần đùi còn nguyên má đùi).
- Gia vị ướp gồm: 2 thìa tương cà, 2 thìa tương ớt - 1 thìa nước mắm - 1 thìa dầu hào - 2 thìa nước tương (xì dầu) - 1 thìa đường - 2 thìa mật ong - 2 thìa dầu màu điều - 1 củ hành khô, 4-5 tép tỏi băm nhỏ - Tiêu sọ.
Cách làm đùi gà nướng
Bước 1: Ướp đùi gà
- Rửa sạch đùi gà với muối và gừng.
- Dùng dao khía lên 2 mặt đùi gà để dễ ngấm gia vị hơn
- Trộn đều gia vị ướp.
- Rưới sốt đều lên 2 mặt. Mát xa đều đùi gà với gia vị ướp.
- Đặt đùi gà vào giấy bạc rồi rưới hết phần nước sốt còn lại lên đùi gà.
- Bọc kín, ướp gà 2-3 giờ.
Bước 2: Nướng đùi gà
- Nướng lần 1: 30 phút - 180 độ C.
- Bỏ giấy bạc, rưới tiếp sốt lên đùi gà.
- Nướng lần 2: 20 phút - 200 độ C (có thể lật gà để phần mặt dưới vàng đều hơn).
- Phần nước sốt và nước gà chảy ra khi nướng có thể cho lên bếp đun sệt lại rồi rưới lên khi thưởng thức cũng ngon vô cùng.
Đùi gà nướng sốt tiêu thơm nức, mềm mọng, thấm đẫm nước sốt, từ người già đến trẻ nhỏ đều phải thích mê.
4. LƯƠN OM CHUỐI ĐẬU
Nguyên liệu:
- Lươn đồng 2 con nhỡ, làm sạch nhớt, lọc bỏ xương.
- 80g thịt vai giòn xay, xay rồi trộn với chút bột năng, hạt nêm và lá lốt băm nhỏ. Cuộn chả lá lốt chiên.
- 1 miếng ba chỉ, quay cháy cạnh.
- 1 bìa đậu cắt nhỏ chiên vàng.
- Vài quả chuối tiêu xanh tước vỏ, cắt miếng luộc sơ.
- 2 quả cà chua bổ múi cau.
- Gia vị, mẻ, giấm táo, rau thơm: hành, mùi tàu, tía tô, lá lốt, tỏi đập dập.
Cách nấu:
- Lươn cắt từng đoạn, cho chả lá lốt vào giữa, cuộn lại.
Dùng dây chỉ cố định, cho chút dầu ăn vào chảo, áp chảo cho vàng đều.
- Xào thơm cà chua + đậu + chuối, cho tiếp thịt ba chỉ + lươn vào xào thơm, cho chút mắm + nước lọc mẻ vào nấu tới khi cà chua mềm.
- Thêm nước đun sôi để nguội đủ ăn, đậy nắp nồi om lửa nhỏ 20-30 phút. Tiếp theo mình nêm nếm vừa ăn, cho thêm 1 thìa giấm táo hoặc bỗng rượu cho thơm, cuối cùng cho rau thơm các loại, tỏi vào là xong. Các miếng lươn om thơm nức, vô cùng hấp dẫn.
Múc lươn om chuối đậu ra bát, ăn nóng với bún và rau thơm sẽ tuyệt ngon.
5. ỐC NẤU CHUỐI ĐẬU
Nguyên liệu cần cho món ốc nấu chuối đậu:
- Ốc nhồi: 1kg.
- Đậu phụ nướng: 3 bìa hoặc đậu phụ thường mua về rán.
- Chuối xanh: 5 trái.
- Thịt ba chỉ: 200gr.
- Mẻ: ½ chén.
- Nghệ tươi: 1 củ nhỏ.
- Mắm tôm: ½ muỗng.
- Hành tím: 2-3 củ.
- Tỏi: 1 củ.
- Lá lốt: 300gr.
- Lá tía tô: 100gr.
- Hành lá.
- Gia vị: nước mắm ngon, bột ngọt, hạt nêm, giấm.
Cách làm ốc nấu chuối đậu:
Bước 1: Sơ chế chế ốc
- Ốc nhồi mua về, đem ngâm trong nước vo gạo cho nhả hết chất nhớt và cát ra. Vớt ốc ra rửa lại thật sạch với nước rồi cho vào nồi. Cho thêm 1 muỗng cà phê muối rồi luộc chín. Luộc chín với lửa lớn cho đến khi vẩy ốc bong ra hết tắt bếp.
- Vớt ốc ra để nguội, dùng tăm khui lấy phần thịt ốc bên trong, cho vào một cái bát nhỏ. Cho một ít nước mắm và bột ngọt vào ướp với ốc.
- Ốc nhồi thường được dùng trong món ốc nấu chuối đậu, tuy nhiên nếu không tìm được thì bạn cũng có thể thay thế bằng những loại ốc khác.
Bước 2: Sơ chế chuối và những nguyên liệu khác
- Hành tím và tỏi bóc sạch vỏ, đập dập, rồi băm nhuyễn.
- Chuối xanh sau khi mua về gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn rồi mang đi ngâm với nước muối pha loãng. Làm như vậy sẽ giúp chuối sau khi lột vỏ không bị thâm. Ngâm một lúc thì vớt ra để ráo nước.
- Thịt ba chỉ mua về rửa sạch với nước muối loãng, để kỹ hơn bạn có thể chà sát mặt thịt với muối. Rửa sạch với nước, cắt thịt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
- Đậu phụ mua loại đậu phụ nướng hoặc không có thì mua đậu phụ thường về rán vàng. Sau khi mua về rửa sạch với nước, để ráo rồi cắt thành từng lát nhỏ vừa ăn.
- Lá tía tô, lá lốt, hành lá rửa sạch với nước, để ráo nước, cắt thành những sợi nhỏ.
- Cho thêm một ít nước lọc vào bát mẻ, dùng đũa khuấy đều cho tan, đem lọc lấy phần nước.
Dùng muỗng cạo sạch vỏ nghệ tươi, rửa sạch qua nước rồi mang đi giã nhỏ, lọc lấy phần nước nghệ để tạo màu.
Bước 3: Chiên đậu
- Bắc một cái chảo lên bếp, cho dầu ăn vào chảo. Bật bếp đun cho đến khi dầu nóng thì cho đậu hũ vào chiên vàng 2 mặt, vớt ra để ráo dầu.
- Dùng lại chảo dầu chiên đậu phụ vừa nãy, cho thịt heo vào đảo xém cháy cạnh. Sau đó, cho chuối xanh vào xào. Nhớ vớt bỏ đi phần cặn chiên đậu phụ trong chảo dầu, nếu dầu nhiều quá thì cho bớt ra chén.
Bước 4: Nấu ốc chuối đậu
- Cho phần nước nghệ đã lọc trước đó vào chung với bát mẻ, dùng đũa khuấy đều. Tiếp đến cho thêm ½ muỗng mắm tôm vào khuấy đều cho đến khi tan.
- Đem hỗn hợp mẻ vừa pha rưới vào chảo thịt, chuối xào, trộn đều cho tất cả nguyên liệu thấm đều gia vị. Tiếp đến cho thêm một lượng nước lọc vừa đủ sao cho nước xâm xấp mặt chuối thì được.
- Um vung cho đến khi sôi thì hạ lửa nhỏ lại, tiếp tục nấu thêm một lúc cho đến khi chuối chín mềm. Cho đậu phụ nướng vào, đảo đều, nấu thêm khoảng 5 phút.
- Khi tất cả các nguyên liệu chính và thấm đều gia vị thì cho ốc vào, đảo đều rồi nêm nếm lại lần cuối. Tiếp tục um vung cho đến khi sôi lại lần nữa, cho ra tía tô, lá lốt và hành lá vào đảo đều. Tắt bếp.
Thành phẩm
Ốc nấu chuối đậu là một món canh thơm ngon, có màu sắc bắt mắt, hương vị đậm đà vô cùng bắt cơm. Phần nước có vị chua thanh xen lẫn với vị ngọt nhẹ, chuối xanh bùi bùi, ăn cùng thịt ốc gia giòn sật sật.
Chúc các bạn thành công!