5 món ăn thơm phưng phức, nóng hổi thích hợp cho cuối tuần trời lạnh

Google News

Cuối tuần trời vẫn lạnh, các bạn có thể lựa chọn nấu những món hấp dẫn, ngon miệng này cho gia đình thưởng thức nhé!

1. LẨU SỐT VANG

Nguyên liệu: (cho 10 người ăn, nếu gia đình bạn ít/nhiều người hơn thì thêm bớt cho phù hợp nhé)

- Ba chỉ: 1kg

- Nạm: 0,5kg

- Lõi rùa hoặc bắp hoa: 1kg

- Tuỷ bò: 0,5kg

- Gầu giòn: 0,5kg

- Cuống tim: 1kg

- Gân cổ (gân vàng): 0,5kg

- Váng đậu, nấm, hành tím, cà rốt, khoai tây,cải ngọt, cải cay, rau cần.

Gia vị:

- Tương nếp- Tỏi, chanh, ớt, gấc.- Hạt nêm, muối, rượu vang, mắm, đường, quế, hồi, thảo quả, gừng.

Cách làm nước lẩu:

Gấc lấy thịt bóp với chút rượu cho ra màu.

Quế, hồi, thảo quả, gừng nướng hoặc quay nồi chiên không dầu cho thơm, đập dập.

Ba chỉ bò, gân chần qua nước đun sôi có đập gừng, vớt ra thái miếng vuông.

Ướp với hạt nêm, mắm muối, đường, gấc, quế hồi, thảo quả, gừng, rượu vang trong 30 phút - 1 tiếng.

Phi thơm tỏi, cho thịt đã ướp vào đảo 15 phút, đổ ngập nước om nhỏ lửa đến độ mềm mong muốn.

Cho nhiều nước một chút để làm nước lẩu.

Nước lẩu nên nấu trước khoảng 5-6 tiếng. Để nguội cho tủ lạnh khi váng mỡ đông lại thì vớt bỏ đi. Nước sẽ trong và không ngấy.

Trình bày: 

Lõi rùa, gầu giòn rửa sạch thấm khô cho vào ngăn đá 45-60 phút rồi thái mỏng.

Tuỷ bò thì rút bỏ phần vỏ thái miếng vừa ăn.

Cuống tim chần qua lọc bỏ phần mỡ thái vừa ăn.

Nạm luộc với gừng khoảng 45 phút để thật nguội lúc nào ăn mới thái mỏng. Nước luộc nạm đổ vào nước lẩu luôn nhé.

Rau củ quả rửa sạch cắt thái tuỳ sở thích.

Váng đậu rửa sạch cắt miếng chiên giòn lên lúc nhúng ngon hơn nhiều.

2. CƠM GÀ HỘI AN

Nguyên liệu:

- Gà ta thả vườn, trứng gà non

- Bột nghệ

- Gừng, tỏi, ớt, hành tím, hành lá, hành tây, ngò rí

- Củ cải trắng, củ cải đỏ (cà rốt)

- Rau răm

- Trái tắc

- Tiêu

- Hành phi

- Gia vị 

Cách làm:

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

- Gà ta làm sạch, rửa với muối và gừng để khử hết mùi tanh.

- Rau, củ làm sạch, rửa sạch để ráo nước.

Bước 2: Luộc gà

- Đun một nồi nước với lượng nước có thể vừa ngập con gà, cho vào một 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê hạt nêm và vài củ hành tím để nước dùng thêm ngọt.

- Cho vào thêm một chút bột nghệ hoặc nước cốt nghệ tươi để tạo màu vàng đặc trưng cho món ăn cũng như làm cho món ăn này thơm mùi nghệ hơn.

- Đun nước nóng đến 80 độ, cầm cái chân gà nhún đều con gà vào nước để da gà làm quen với nhiệt độ của nồi, khi luộc thì da không bị bung toe toét, nếu có nứt thì cũng chút ít thôi.

- Sau đó, luộc gà trong nước sôi và lửa lớn trong vòng 10 phút. Tiếp tục luộc với lửa vừa trong vòng 15 phút rồi tắt bếp. Cứ để gà trong nồi và đậy nắp như thế khoản 30 phút để cho gà chín đều.

- Ngay khi tắt bếp cho lòng và trứng non của gà vào để cho chín cùng gà.

Bước 3: Ngâm gạo, nấu cơm

- Khi bắt đầu luộc gà thì lấy gạo đem ngâm khoản 30 phút rồi để ráo nước.

- Dùng một cái chảo, đun với một ít dầu ăn, cho gạo đã để ráo vào xào cho thơm khoản 1 phút.

- Cho gạo vào nồi cơm điện, trộn cùng một ít muối (khoản ½ muỗng cà phê).

- Cho nước luộc gà vào ngập gạo rồi bắt đầu nấu chín.

Bước 4: Xé gà

Sau khi gà chín thì xé gà để ăn và trộn gỏi.

Bước 5: Nấu canh gà

- Dùng nước luộc gà để nấu canh.

- Cho vào xương gà đã xé ở bước 4 vào nồi nấu cùng.

- Cho huyết gà vào nồi.

- Cho củ cải trắng, củ cải đỏ tỉa hoa, cắt khúc vào nấu cùng cho ngọt ngào (dùng mỗi thứ nữa củ thôi, còn lại để làm gỏi).

- Nên nếm cho vừa vị.

Bước 6: Làm gỏi gà

- Thái mỏng củ hành tây và cho vào nước đá lạnh.

- Pha hỗn hợp trộn gỏi: 1 cà phê đường + 2 muỗng cà phê nước cốt tắc (quất) + ½ muỗng cà phê muối + ½ muỗng cà phê tiêu. Mọi người có thể nêm nếm để phù hợp hơn với khẩu vị của mình nhé.

- Trộn đều gà xé + rau răm + hành tây + hành phi + hỗn hợp trộn gỏi.

Bước 7: Làm dưa chua ăn kèm

Ngoài Hội An người ta dùng đu đủ và củ cải đỏ, còn trong bài này thay đu đủ bằng củ cải trắng.

- Bào sợi củ cải trắng, củ cải đỏ và ngâm vào nước đá.

- Làm hỗn hợp trộn gồm: 1 muỗng cà phê đường + 2 muỗng cà phê nước cốt tắc.

- Trộn tất hỗn hợp trộn + củ cải bào sợi + rau răm + hành phi.

Bước 8: Làm nước chấm

Nước chấm của món này gồm muối tiêu, tương ớt ăn cơm gà Hội An, nước mắm pha và nước tương. Vì không có có tương ớt ăn cơm gà Hội An nên trong bài dùng tương ớt tự làm.

Bước 9: Bày biện và thưởng thức

Lần lượt bày các nguyên liệu của món cơm gà Hội An lên mẹt rồi thưởng thức nhé!

3. THỊT XIÊN NƯỚNG

1. Về phần chọn thịt

Nên chọn thịt vai giòn có chút mỡ (hay còn gọi là nạc dăm). Thịt chỗ này giòn, mềm và có thêm chút mỡ sẽ ngậy hơn. Nếu bạn nào thích mỡ hơn thì chọn thịt ba chỉ cũng được.

Thịt mua về rửa sạch, thái mỏng vừa ăn. Không nên thái dày quá vì như thế sẽ khi ướp khó ngấm và lúc nướng có khi bên ngoài xém mà bên trong lại mềm quá. Cũng không nên thái quá mỏng.

2. Về phần gia vị

(Phần gia vị này ướp cho 500g thịt)

- 1 củ hành tím, 1 củ tỏi, 1 củ sả cho vào cối giã nát, việc giã gia vị sẽ thơm hơn. Sau đó thêm thìa ăn cơm nước mắm, 1 thìa dầu hào, 1 thìa to syrup thốt nốt (không có syrup thay bằng mật ong hoặc mật mía), 1 thìa cà phê tiêu, 2 thìa cà phê dầu mè (hầu mè hàn quốc càng thơm) hoặc dầu olive/dầu ăn tuỳ ý, 2 thìa canh vừng trắng vào cối trộn đều lên.

3. Ướp

Đeo găng tay trộn tất cả gia vị đã chuẩn bị ở trên với thịt đã thái. Khâu này bạn nên trộn thật kỹ... Thịt ướp đựng trong hộp sạch rồi bỏ tủ lạnh 5-6h hoặc qua đêm. Ai không thích ướp qua đêm có thể ướp 1-2h rồi nướng cũng được.

Sau khi ướp bạn xiên thịt vào que, đừng dồn quá chặt. Phần nước ướp thịt còn lại giữ lại nhé.(Lưu ý là khi xiên thịt xong, gạt hết vỏ sả gừng tỏi đi vì nướng rất dễ cháy).

4. Nướng thịt

Nướng bằng nồi chiên không dầu ở 175 độ 15 phút (Tùy công suất mỗi nồi để điều chỉnh thời gian cho phù hợp).

Sau đó phết hỗn hợp nước ướp thịt lúc nãy còn dư nướng thêm 2-3 phút nữa cho màu thịt đẹp hơn. (Có thể thay bằng chút mật ong hoặc mật mía)

5. Pha nước chấm

- Cho nước lọc + mắm + đường vào nồi. Thêm vài lát dứa, đun lửa nhỏ 10 phút. - Sau đó lọc lấy nước bỏ dứa đi. Có thể cho chút tương ớt vào khuấy đều cho nước mắm có màu đẹp. Thêm chanh, tiêu, tỏi băm, ớt băm vào. Nêm nếm vừa miệng.

6. Làm nộm dưa chuột ăn kèm

- Dưa chuột cắt đôi, khoét bỏ ruột. Dùng dao thái miếng. Tương tự cà rốt thái lát cắt miếng vừa ăn

- Cho dưa chuột, cà rốt vào bát, thêm đường, muối, chanh, chút tương ớt + tỏi đập dập, xóc trộn đều để 1h trong tủ lạnh. 

4. MÓNG GIÒ GIẢ CẦY

Nguyên liệu:

Khẩu phần cho nhà 4 người ăn:

- 1 cái móng giò.

- 1 cái thịt chân giò (khoảng 7-8 lạng).

- Mắm tôm - mẻ - riềng, sả, hành khô, tỏi.

- Nghệ tươi (hoặc bột nghệ) hoặc bột nghệ.

- Rau ăn kèm: Húng chó, mùi tàu, lá mơ, hành, răm, ngổ, kinh giới, dưa chuột...

- Bún ăn kèm.

- Đậu rán ăn kèm: 10 bìa.

- Măng củ chua để nấu kèm (tùy ý).

Cách làm chân giò giả cầy

Bước 1: Sơ chế

- Thịt chân giò, móng giò heo sát muối hạt rửa sạch.

- Cho lên bếp gas với lửa lớn hết cỡ để bì lợn được thơm, giòn hơn. Nếu ở chung cư thì tốt nhất bạn nên nhờ người bán thui hộ. Hoặc nhà có khò thì khò chân giò cũng được.

- Thịt chân giò, móng giò thui xong thì cạo phần cháy và rửa sạch. Chặt khúc, thái miếng vừa ăn (thái thịt to hơn kho tàu chút nha, dầy cỡ khoảng 2 ngón tay chập lại)

- 1 củ riềng, 2 củ sả, 1 củ nghệ, giã dập hoặc cho vào cối xay xay nhỏ.

- Măng củ gọt bỏ phần già, bổ miếng to bằng 2 ngón tay để nấu cùng.

- Rau ăn kèm: Húng chó, mùi tàu, lá mơ, hành, răm, ngổ, kinh giới, dưa chuột... nhặt và rửa sạch.

Bước 2: Ướp thịt giả cầy

- Gia vị ướp: Chỗ riềng, sả, nghệ, hành khô đã xay (giã) ở trên + 2 thìa canh mắm tôm + 2 thìa canh mẻ + 1 thìa canh bột canh + ½ thìa mì chính + 1 thìa canh nước mắm.

- Trộn đều và ướp 1-2 giờ.

Bước 3. Nấu giả cầy

- Bắc nồi lên bếp, làm nóng nồi. Cho xíu mỡ lợn (hoặc dầu ăn) vào nồi phi thơm hành khô băm nhỏ, tỏi băm nhỏ.

- Cho phần thịt chân giò, móng giò đã ướp và nồi xào săn lại. Đảo đều tầm 10 phút với lửa to cho săn thịt và ngấm gia vị.

- Đổ 1.5 lít nước vào nồi (thấy xâm xấp mặt thịt là được), thêm măng.

Đun sôi và vặn nhỏ lửa. Nấu lửa vừa tầm 15 phút cho móng và thịt ngấm, mềm (còn giữ độ giòn của thịt).

- Đến khi nồi nước sệt sệt lại, nêm nếm vừa miệng rồi tắt bếp cho hành, rau răm thái nhỏ lên trên.

Bước 4. Trình bày và thưởng thức

- Múc giả cầy ra tô, ăn nóng cùng bún (hoặc cơm) và các loại rau ăn kèm như húng chó, mùi tàu, lá mơ, hành, răm, ngổ, kinh giới, dưa chuột...

- Bạn có thể chiên thêm 1 đĩa đậu rán + pha 1 bát mắm tôm nhỏ ăn cùng. Bún giả cầy cho bữa ăn thêm phong phú.

Cách pha mắm tôm chấm đậu rán: 1 thìa canh mắm tôm + 1 thìa canh đường + ½ thìa canh giấm + 1/2 quả chanh (hoặc 2 quả quất) + thìa canh dầu nóng vừa rán đậu + ớt tươi. Đánh bông bát mắm tôm trước khi ăn.

Chân giò giả cầy thơm nức mũi, giòn ngon, nóng hổi, đậm đà ăn cùng bún hay cơm cùng các loại rau thơm thật chẳng còn gì hấp dẫn bằng!

5. ỐC NẤU CHUỐI ĐẬU

Nguyên liệu cần cho món ốc nấu chuối đậu:

- Ốc nhồi: 1kg.

- Đậu phụ nướng: 3 bìa hoặc đậu phụ thường mua về rán.

- Chuối xanh: 5 trái.

- Thịt ba chỉ: 200gr.

- Mẻ: ½ chén.

- Nghệ tươi: 1 củ nhỏ.

- Mắm tôm: ½ muỗng.

- Hành tím: 2-3 củ.

- Tỏi: 1 củ.

- Lá lốt: 300gr.

- Lá tía tô: 100gr.

- Hành lá.

- Gia vị: nước mắm ngon, bột ngọt, hạt nêm, giấm.

Cách làm ốc nấu chuối đậu:

Bước 1: Sơ chế chế ốc

- Ốc nhồi mua về, đem ngâm trong nước vo gạo cho nhả hết chất nhớt và cát ra. Vớt ốc ra rửa lại thật sạch với nước rồi cho vào nồi. Cho thêm 1 muỗng cà phê muối rồi luộc chín. Luộc chín với lửa lớn cho đến khi vẩy ốc bong ra hết tắt bếp.

- Vớt ốc ra để nguội, dùng tăm khui lấy phần thịt ốc bên trong, cho vào một cái bát nhỏ. Cho một ít nước mắm và bột ngọt vào ướp với ốc.

- Ốc nhồi thường được dùng trong món ốc nấu chuối đậu, tuy nhiên nếu không tìm được thì bạn cũng có thể thay thế bằng những loại ốc khác.

Bước 2: Sơ chế chuối và những nguyên liệu khác

- Hành tím và tỏi bóc sạch vỏ, đập dập, rồi băm nhuyễn.

- Chuối xanh sau khi mua về gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn rồi mang đi ngâm với nước muối pha loãng. Làm như vậy sẽ giúp chuối sau khi lột vỏ không bị thâm. Ngâm một lúc thì vớt ra để ráo nước.

- Thịt ba chỉ mua về rửa sạch với nước muối loãng, để kỹ hơn bạn có thể chà sát mặt thịt với muối. Rửa sạch với nước, cắt thịt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.

- Đậu phụ mua loại đậu phụ nướng hoặc không có thì mua đậu phụ thường về rán vàng. Sau khi mua về rửa sạch với nước, để ráo rồi cắt thành từng lát nhỏ vừa ăn.

- Lá tía tô, lá lốt, hành lá rửa sạch với nước, để ráo nước, cắt thành những sợi nhỏ.

- Cho thêm một ít nước lọc vào bát mẻ, dùng đũa khuấy đều cho tan, đem lọc lấy phần nước.

Dùng muỗng cạo sạch vỏ nghệ tươi, rửa sạch qua nước rồi mang đi giã nhỏ, lọc lấy phần nước nghệ để tạo màu.

Bước 3: Chiên đậu

- Bắc một cái chảo lên bếp, cho dầu ăn vào chảo. Bật bếp đun cho đến khi dầu nóng thì cho đậu hũ vào chiên vàng 2 mặt, vớt ra để ráo dầu.

- Dùng lại chảo dầu chiên đậu phụ vừa nãy, cho thịt heo vào đảo xém cháy cạnh. Sau đó, cho chuối xanh vào xào. Nhớ vớt bỏ đi phần cặn chiên đậu phụ trong chảo dầu, nếu dầu nhiều quá thì cho bớt ra chén.

Bước 4: Nấu ốc chuối đậu

- Cho phần nước nghệ đã lọc trước đó vào chung với bát mẻ, dùng đũa khuấy đều. Tiếp đến cho thêm ½ muỗng mắm tôm vào khuấy đều cho đến khi tan.

- Đem hỗn hợp mẻ vừa pha rưới vào chảo thịt, chuối xào, trộn đều cho tất cả nguyên liệu thấm đều gia vị. Tiếp đến cho thêm một lượng nước lọc vừa đủ sao cho nước xâm xấp mặt chuối thì được.

- Um vung cho đến khi sôi thì hạ lửa nhỏ lại, tiếp tục nấu thêm một lúc cho đến khi chuối chín mềm. Cho đậu phụ nướng vào, đảo đều, nấu thêm khoảng 5 phút.

- Khi tất cả các nguyên liệu chính và thấm đều gia vị thì cho ốc vào, đảo đều rồi nêm nếm lại lần cuối. Tiếp tục um vung cho đến khi sôi lại lần nữa, cho ra tía tô, lá lốt và hành lá vào đảo đều. Tắt bếp.

Thành phẩm

Ốc nấu chuối đậu là một món canh thơm ngon, có màu sắc bắt mắt, hương vị đậm đà vô cùng bắt cơm. Phần nước có vị chua thanh xen lẫn với vị ngọt nhẹ, chuối xanh bùi bùi, ăn cùng thịt ốc gia giòn sật sật. 

MINH NGỌC

Bình luận(0)