3 người đàn ông nghèo trúng độc đắc có kết cục khác hẳn nhau

Google News

Sau khi trúng số, 3 người đàn ông này có những kết cục khác nhau.

Anh thợ hàn trúng số và cái kết khiến nhiều người thở phào

Tháng 11/2016, anh D (quê Quảng Ngãi) sống và làm việc tại TP.HCM bất ngờ trở thành người thứ 2 trúng số Vietlott trị giá 71 tỷ đồng. Rút kinh nghiệm từ người đầu tiên, anh lên nhận giải đã đeo măt nạ song sự phiền toái sau đó khiến anh ám ảnh đến mãi sau này.

Anh D bảo sở dĩ bản thân ám ảnh khi nhận số tiền “siêu khủng” bởi mặt nạ chỉ che được phần mắt khiến những ai từng gặp qua anh đều nhận ra. Do đó đủ mọi thành phần trong xã hội đã đến nơi ở và quê làm phiền, xin tiền đểu.

Tôi đã đeo mặt nạ lên nhận giải mà ai ai cũng nhận ra rồi phải trốn khổ sở, không dám nghe điện thoại. Người ta tìm đến tận nơi ở tại Sài Gòn và nhà ở Quảng Ngãi để truy tìm tôi, xin đểu.

Thậm chí có người đến đặt vấn đề xin hàng trăm triệu đồng. Tôi ngồi quán cà phê cũng không dám... Cuối cùng, tôi phải về quê mở tiệc đãi bà con, sau đó chia lộc bằng cách mỗi người đến dự sẽ được phát phong bì đem về. Tôi và vợ cũng đi khắp nơi làm từ thiện”, anh D nói.

Anh D làm công nhân thợ hàn, còn bà xã phụ bán ở quán cơm. Hai vợ chồng vào Sài Gòn mưu sinh và sống nhờ nhà người quen, không phải tốn tiền ở trọ.

Anh D tâm sự sau khi trúng số độc đắc.

Hằng ngày cả hai chăm chỉ làm lụng với ước mơ dành dùm được chút tiền gửi ngân hàng để mỗi tháng rút đồng lãi ra chi tiêu. Nhưng với công việc chân tay chỉ kiếm đủ cái ăn cái mặc thì ước mơ đó mãi xa vời với họ.

Và khi xổ số điện toán xuất hiện, anh bắt đầu tìm hiểu và chơi mỗi ngày 2 tờ. “Suốt 3 tháng ròng theo đuổi, tôi đã trúng giải 71 tỷ đồng khiến bao người trong nhà ngỡ ngàng. Cuối cùng ước mơ có của ăn của để cũng thành hiện thực, giúp gia đình thay đổi cuộc sống”, anh D tâm sự.

Sau một đêm có 71 tỷ đồng trong tay, anh D nghỉ hẳn nghề thợ hàn và chuyển sang kinh doanh. Anh mua đất gần nhà để đầu tư sinh lời, xây nhà trọ cho thuê kiếm tiền đi chợ hằng ngày, tậu miếng đất lớn xây biệt thự, sắm ô tô 2.6 tỷ đồng phục vụ đi lại, mua chiếc mô tô khủng trị giá 800 triệu đồng.... Ngoài ra vợ chồng anh đã giúp đỡ họ hàng đôi bên, dựng nhà mới cho cha mẹ ở quê.

Về phần vợ anh D, chị nghỉ phụ bán cơm rồi ở nhà nội trợ, chăm sóc cho 5 đứa con. Đặc biệt cả hai còn tính toán tương lai cho các con: ai đã trưởng thành cho học nghề, đứa nào vẫn tuổi cắp sách đến trường thì được chuyển sang ngôi trường có môi trường giảng dạy tốt hơn.

Số tiền trúng số còn lại, anh D quyết định gửi ngân hàng lấy lãi hàng tháng. Số tiền lại, anh dành để chi tiêu, trang trải sinh hoạt cuộc sống hằng ngày. Anh cho biết dù có nhiều tiền nhưng vợ chồng anh vẫn giữ nếp sống tằn tiện, chi tiêu đúng mực, mua cái gì sẽ ghi vào sổ sách cái đó.

Mất mạng vì trúng số độc đắc

Cách đây chục năm, gia đình ông Bé (SN 1951, Vĩnh Long) đã có cơ hội đổi đời khi con trai ông – anh Huỳnh Văn Thức trúng độc đắc. Khi ấy, Thức mừng rỡ về báo tin với cha mẹ đã trúng 13 tờ vé số độc đắc khiến cả xóm xôn xao và ngỡ ngàng.

“Vợ chồng tôi có tất thảy 5 người con. Hồi ấy gia đình nghèo khổ nên chúng nó chỉ học hết tiểu học là ở nhà làm nông phụ giúp cha mẹ lo kinh tế. Thức là đứa thứ ba, tính tình hung hăng và rất hay nóng giận. Nó thường xuyên ăn nhậu nhưng không quậy phá bao giờ. Vậy mà khi nó trúng độc đắc, tính nết thay đổi hẳn”, ông Bé trầm ngâm nói về cậu con trai “trời đánh”.

Ngôi nhà của ông Bé hiện tại. (Ảnh Nguyễn Cường)

Sau khi lĩnh thưởng tiền tỷ, Thức liền “mạnh tay” tậu một căn nhà, xe sang và ruộng đất. Nhưng cậu lại ki bo với cha mẹ, chỉ cho một chút để sửa lại căn nhà dột nát. “Có tiền “trên trời rơi xuống”, nó ăn chơi sa đọa, lao vào các cuộc nhậu thâu đêm. Song “miệng ăn núi lở”, chẳng mấy chốc hết sạch tiền. Nó đành phải bán nhà, bán đất ruộng để phục vụ thói ăn chơi của mình. Đến khi quay trở lại cuộc sống nghèo khó, nó phải đi làm mướn kiếm tiền trả nợ”, ông Bé cho hay.

Chưa dừng lại ở đó, Thức còn đến nhà cha mẹ đòi lại số tiền năm xưa cho để sửa chữa nhà cửa phụ vụ các cuộc nhậu. Ông Bé thấy vậy ra sức khuyên ngăn con tu chí làm ăn nhưng không được vì Thức quá ngang ngược, không chịu “cải tà quy chính”.

Chơi bời mãi thành ra nó xấu tính, sinh tật. Nó liên tục chửi bới, đánh đập vợ con và cha mẹ. Vợ nó không chịu được liền bỏ đi khi đứa con gái còn đỏ hỏn”, ông Bé buồn bã.

Những tưởng bi kịch của gia đình ông Bé chỉ dừng ở đó, ngờ đâu chuyện xót xa và đớn đau nhất mãi sau này mới xảy ra – tháng 7/2014. Khi ấy Thức đi nhậu về liền kéo con gái đang ngủ dậy để đánh đập. Ông liền chạy vào căn ngăn. Thức không nghe lời, liền chửi bới ông thậm tệ và cầm bình trà ném vào người mẹ ruột.

Thấy nó hành hạ vợ chồng tôi và con bé con, thằng Trường (em trai Thức – PV) quá uất ức nên nảy sinh cãi vã. Hàng xóm đã chạy sang can ngăn, sau đó hai anh em bỏ đi nhậu.

Trường uống vài ly đã say, về nhà thấy Thức nằm trong buông ngủ liền cầm cây tô vít xông vào buồng và nói lớn: “Mày nhậu về chửi cha mẹ, đập phá đồ đạc trong nhà và đánh cháu tao”. Thằng Thức bị phá giấc ngủ đã lao tới đánh em trai”, ông Bé nhớ lại.

Trường cầm cây tô-vít đâm nhiều nhát vào người làm Thức chết trên đường đi cấp cứu. Sau đó anh đến công an đầu thú và bị toà tuyên 10 năm tù.

Sau nhiều biến cố, ông Bé bị tai biến 2 lần, di chứng nặng nề, nhớ nhớ quên quên. Còn anh Trường nhờ cải tạo tốt đã được xét giảm án nhiều lần. Dịp 30/4/2021, anh đã được đặc xá trước thời hạn 3.5 năm. Nhưng để tái hòa nhập cộng đồng anh đã gặp vô vàn khó khăn.

Nghèo lại hoàn nghèo sau khi trúng độc đắc 3 tỷ đồng

Ba Vương (55 tuổi, Tiền Giang) sinh ra trong một gia đình có 4 anh em thì 3 người phiêu dạt khắp nơi. Ông thương cha mẹ nên cố bám trụ lại mảnh vườn nhỏ, mưu sinh bằng nghề bán vé số quanh khu vực chợ nổi.

Năm tháng đó, ông gặp được bà Nguyễn Thị Hẹ làm nghề bán trái cây ở Cái Bè rồi nên duyên vợ chồng. Không lâu sau, bà Hẹ mang song thai sinh hai quý tử trong niềm vui của cả gia đình.

Anh Ba Vương quay trở lại cuộc sống nghèo khó chỉ sau vài năm.

Khi cặp song sinh tròn 3 tuổi, bà Hẹ mang thai ngoài kế hoạch. Vì quá túng quẫn, họ quyết định bán mảnh vườn bố mẹ để lại kiếm vốn để bà Hẹ đi buôn, còn ông Ba Vương lên Sài Gòn bán vé số.

Bẵng đi hai năm, trong một ngày bán vé số ế ẩm lại gặp trời mưa, ông không chạy về đại lý giao trả được. Buồn lòng vì một ngày rã rời đi bộ, đói khát mà bị lỗ, Ba Vương chợt giật thót mình khi nghe đài thông báo kết quả số. Ông nhớ mang máng trong dãy số mình đang giữ có 2 tờ trùng với giải đặc biệt.

Ba Vương vùng dậy dò lại tưởng mình đang mơ khi dãy số đặc biệt trùng khớp 100%. Giá trị giải thưởng 2 tờ độc đắc năm 2010 là 3 tỷ đồng (chưa trừ thuế). Ông hào phóng chia ngay cho hai bạn cùng nhà trọ mỗi người 1 trăm triệu, còn lại thuê xe chở mình về thẳng Tiền Giang.

Về đến nhà, ông bỏ 100 triệu ra liên hoan, đãi dân làng 2 ngày 2 đêm. Sau đó, ông mua lại mảnh vườn đã bán, xây dựng căn nhà để vợ con không phải sống nơi ghe thuyền. Đặc biệt, ông tuyên bố từ nay không phải đi kiếm sống nữa.  Vì thế, bà Hẹ chỉ việc ở nhà, sáng đi chợ, trưa nấu ăn, tối lại đi chợ...Riêng Ba Vương từ ngày rũ áo cơ hàn đã có thói quen uống cà phê buổi sáng. Thậm chí, ông còn đi bar, vũ trường.

Cuộc sống tỷ phú của gia đình Ba Vương kéo dài được khoảng 5 năm thì lụi dần. Lúc này, bà Hẹ bắt đầu hãm việc chi tiêu lại và bắt đầu đổ số tiền còn lại chơi hụi và cho vay lấy lãi.

Tiền lãi mỗi tháng được năm bảy triệu, bà trang trải cuộc sống. Còn tiền hụi khi nào hốt thì bà lại chơi mẻ lớn hơn. Duy trì được đâu hơn một năm thì bà chủ hụi ôm tiền bỏ trốn.

Vậy là trắng tay, vốn liếng đã hết sạch. Ông Ba Vương thất thần, ngồi co ro một xó trong nhà không dám bước ra đường. Mấy ngày sau, ông bàn với vợ bán bớt chiếc xe máy lấy vốn rồi lại theo nghề cũ, vợ đi đường vợ, chồng đi đường chồng.

NGỌC HÀ

Bình luận(0)