3 loại rau không có thuốc trừ sâu, được ví như "tiên dược" nhưng người Việt ít dùng

Google News

Dù đây đều là những loại rau dễ tìm, không hề bị phun hóa chất, tuy nhiên các gia đình Việt lại rất ít dùng trong bữa ăn hàng ngày, hoặc phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Thu Thủy, Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, ngoài những loại rau phổ biến dùng làm thực phẩm, nước ta còn có nhiều loại cây có hai chức năng vừa làm rau ăn, vừa làm thuốc nhưng người Việt lại rất ít dùng.

Ví dụ như rau ngải, rau mơ và rau lá lốt là ba loại rau dễ tìm, thậm chí mọc dại nhiều nhưng mọi người không sử dụng phổ biến. Theo bác sĩ Thủy, đây là ba loại rau được ví như “tiên dược”, không chỉ làm tăng độ ngon, tăng hương vị món ăn mà còn giúp chữa được nhiều bệnh khi sử dụng.

Ngoài ra, cả ba loại rau này còn có ưu điểm rất lớn là không bị nhiễm hay tồn dư hóa chất. “Với các loại rau ăn lá khác, điều mọi người lo lắng nhất là tồn dư hóa chất. Nhưng với lá lốt, ngải cứu và lá mơ thì có thể yên tâm về vấn đề này. Các loại rau này chứa nhiều tinh dầu nên sâu bọ ít tấn công, hơn nữa do rau dễ trồng và phát triển nhanh nên dường như người trồng không phải dùng thuốc kích thích”, bác sĩ Thủy cho hay.

Lá mơ, ngải cứu hay lá lốt ngoài làm thực phẩm có thể sử dụng như dược liệu hỗ trợ điều trị một số bệnh, nhất là bệnh xương khớp. Ảnh minh họa. 

Dưới đây là một số công dụng của ba loại rau này, theo tư vấn của bác sĩ Nguyễn Thu Thủy:

Lá mơ

Lá mơ kết hợp với trứng gà là món ăn, bài thuốc được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, trong cuộc sống dường  như chỉ khi có vấn đề về đường tiêu hóa mọi người mới sử dụng bài thuốc này. Bác sĩ Thu Thủy cho rằng, ngay cả ngày thường, chúng ta cũng nên sử dụng món ăn này thường xuyên.

Theo bác sĩ Thủy, trong lá mơ có các hoạt chất tốt cho tiêu hóa, giúp bảo vệ đại tràng, còn trứng gà có nhiều axit amin quý, bồi bổ cơ thể. Do vậy khi kết hợp nấu trứng gà cùng lá mơ sẽ tạo ra món ăn ngon đơn giản bổ dưỡng, lại có tác dụng chữa bệnh.

Khi dùng làm thuốc, tốt nhất nên bọc trứng gà lá mơ vào lá chuối, rán trên chảo nóng đến khi chín rồi ăn, không cần cho thêm dầu, mỡ. Còn nếu chế biến món ăn hàng này thì cho thêm dầu mỡ sẽ khiến món ăn hấp dẫn hơn.

Lá mơ có nhiều tác dụng chữa bệnh nhưng người Việt ít dùng. Ảnh minh họa. 

Ngoài ra, có thể dùng rễ hoặc lá mơ lông để điều trị bệnh xương khớp, phong thấp khá hiệu quả. Cách làm rất đơn giản, chỉ cần dùng 30-60g rễ hoặc thân và lá mơ lông đem sắc với 300ml nước và một chén rượu nhỏ. Kết hợp uống thuốc và xoa bóp bên ngoài để nhanh khỏi bệnh.

Lá lốt

Ngoài kết hợp nấu canh, làm tăng giá trị dinh dưỡng và hương vị món ăn, lá lốt còn là vị thuốc quý được ông cha ta sử dụng từ lâu. Bác sĩ Thu Thủy tư vấn, các gia đình thấy lá lốt mọc dại đừng phát bỏ, hãy cắt vào đun với nước dùng để ngâm chân trước khi đi ngủ sẽ rất tốt cho sức khỏe.

Lá lốt chứa nhiều tinh dầu và ancaloit với thành phần chính là beta-caryophylen - chất có khả năng chống viêm, giảm sưng đau hiệu quả. Đồng thời ngâm chân với lá lốt cùng một ít muối sẽ giúp các ion có trong muối hoạt động tích cực hơn, làm giảm tình trạng đau nhức do bệnh xương khớp gây ra.

Lá lốt khô hoặc tươi là loại thảo dược cực tốt để ngâm chân, nhất là vào buổi tối. Ảnh minh họa. 

Dùng lá lốt để nấu nước ngâm chân có thể đẩy nhanh quá trình lưu thông khí huyết, đả thông kinh mạch, điều hòa âm dương trong cơ thể, trừ cảm lạnh. Ngoài ra, ngâm chân bằng lá lốt giúp tinh thần thư thái, dễ đi vào giấc ngủ. Khi bạn có một giấc ngủ chất lượng, tinh thần sảng khoái, cơ thể cũng sẽ mạnh khỏe, sống lâu.

Ngải cứu

Ngải cứu không đơn giản chỉ là loại rau gia vị, có thể chế biến thành nhiều món ngon như trứng ngải cứu, gà tần ngải cứu, tim hầm ngải cứu… mà nó còn được ví là “vua” của các loài thảo mộc.

Theo Đông y, ngải là loại cây thuốc chữa bệnh giúp xoa dịu những cơn đau cơ, tăng tuần hoàn máu, giảm cơn đau vùng bụng… Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngải cứu có nhiều tác dụng như an thần, lợi mật, có thể kháng khuẩn, cầm máu... Theo kinh nghiệm dân gian, ăn rau ngải cứu có tác dụng trong điều trị kinh nguyệt không đều, đại tiểu tiện ra máu, chống đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón...

Ngải cứu rất tốt cho sức khỏe chị em, vì thế chuyên gia khuyên nên sử dụng thường xuyên. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Thu Thủy tư vấn, ngải cứu có thể đun nước ngâm chân giống như lá lốt cũng rất tốt cho cơ thể. Những người bị đau đầu cũng có thể kết hợp ngải cứu nấu thành các món ăn giúp điều trị hiệu quả.

Phụ nữ sau khi sinh bị đau nhức xương khớp có thể đun nước ngải cứu (dùng ngải cứu khô tốt hơn) tắm cũng sẽ cải thiện rất nhanh do có tác dụng điều hòa khí huyết, giúp làm ấm kinh mạch, trừ phong hàn và giảm đau nhức.

LÊ PHƯƠNG.

Bình luận(0)