2 gia vị hại cả tim, thận và dạ dày hơn thức ăn nhanh nhưng bếp nhà nào cũng có, biết cách dùng lại cực tốt

Google News

Thức ăn nhanh được chứng minh là không tốt cho sức khỏe nếu ăn thường xuyên. Nhưng 2 loại gia vị dưới đây cũng có thể làm bạn dễ mắc các bệnh mạn tính nếu ăn không đúng và quá dư thừa.

Muối và đường là 2 loại gia vị không thể thiếu trong ẩm thực của người Việt. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, cả 2 loại gia vị này đều không đặc biệt nguy hiểm nếu chúng được tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, nếu ăn không đúng lại có nhiều tác động tiêu cực hơn đến sức khỏe, dễ có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp và tim mạch. 

Muối và đường là 2 loại gia vị hầu như gia đình nào cũng có - Ảnh minh họa.

Đường

Theo các bác sĩ Dinh dưỡng ở một bệnh viện tư tại TP.HCM, ăn nhiều đường tự nhiên như sữa, các loại trái cây tự nhiên không làm tăng huyết áp, còn cung cấp thêm các chất dinh dưỡng cần thiết khác cho cơ thể như vitamin và khoáng chất, protein (trong sữa) và polyphenol (trong nước trái cây). Ngược lại, ăn đồ ngọt như soda, trà và thức ăn nhanh chứa nhiều đường tinh luyện sẽ không tốt.

Tổ chức Y tế thế giới từng cảnh báo, người Việt sử dụng đường ở mức 46,5g/ngày, trong khi mức khuyến cáo của WHO là 25g/ngày. Việc sử dụng nhiều đường khiến cho tỷ lệ béo phì ở nước ta tăng nhanh nhất Đông Nam Á. Dư thừa năng lượng dẫn đến tích lũy mỡ, rối loạn chuyển hóa, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như thừa cân - béo phì, tăng huyết áp, loãng xương. 

Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều đường không tốt cho sức khỏe - Ảnh minh họa. 

Theo Healthline, chế độ ăn nhiều đường bổ sung có thể có hại, liên quan đến nhiều bệnh mạn tính, bao gồm ung thư, tiểu đường loại 2, bệnh tim, béo phì... Để kiểm soát lượng đường nạp vào, mỗi người nên chọn một chế độ ăn dựa trên thực phẩm toàn phần thay vì loại thực phẩm qua chế biến.

Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế ăn các loại bánh, nước ngọt có ga, nước sốt chứa nhiều đường. Thay vào đó, hãy tiêu thụ đường từ các loại trái cây, sữa… sẽ tốt hơn.

Muối

Bộ Y tế từng khuyến cáo, nhiều người Việt có thói quen ăn các thực phẩm chứa nhiều muối. Nguyên nhân là do nhiều người có thói quen ăn bột canh, nước mắm, nước chấm, dưa, cà, thịt kho, thực phẩm đóng gói sẵn có nhiều muối…

Theo Tiến sĩ Trần Quốc Bảo - Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, dù muối rất cần thiết đối với cơ thể nhưng ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Ngoài ra ăn thừa muối làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây nhiều rối loạn cho sức khỏe.

Trong thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối - Ảnh minh họa.

Các bác sĩ của Bệnh viện K cũng cho rằng, sử dụng thực phẩm chứa nhiều muối, ăn mặn kéo dài là thói quen không tốt cho sức khỏe, có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, ảnh hưởng đến chức năng thận và có nguy cơ cao bị loãng xương. 

Để hạn chế ăn nhiều muối, mọi người cần:

- Hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều muối như thịt nguội, mì gói, bánh snack (bim bim), các loại sốt chế biến sẵn, phô mai, cá khô, các loại đậu hạt rang muối...

- Giảm lượng muối và gia vị nêm nếm trong mỗi bữa ăn.

- Tập thói quen không chấm thêm bất kỳ loại nước chấm gì trong bữa ăn.

- Thay thế nước chấm thông thường bằng loại giảm muối.

DIỆU THUẦN

Bình luận(0)