Trực bão xuyên đêm
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 17h ngày 23/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 150km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (tức là khoảng từ 60 đến 90km một giờ), giật cấp 10 - 11. Đến tối ngày 23/6, bão số 1 đang áp sát khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh. Người dân các địa phương này đang trắng đêm đón bão.
Khoảng 19h tối ngày 23/6, tại Hải Phòng, bão số 1 đã ảnh hưởng trực tiếp đến huyện đảo Bạch Long Vỹ với sức gió giật trên cấp 9 kèm theo mưa lớn. Hơn 430 tàu thuyền với 1965 lao động đã được đưa về âu cảng Bạch Long Vỹ, các tàu thuyền khác cũng đã tìm được nơi trú ẩn an toàn.
|
Ông Nguyễn Văn Thành, PCT tỉnh Quảng Ninh cùng người dân Vân Đồn phòng chống bão.
|
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Đào Trọng Tuệ, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Bạch Long Vỹ, TP. Hải Phòng cho biết: “Từ 7h sáng 23/6, công tác chuẩn bị đón cơn bão số 1 đã được triển khai khẩn trương. Thời tiết tại Bạch Long Vỹ buổi chiều bắt đầu có mưa nhỏ, gió cấp 6, cấp 7. Chiều 23/6, trên biển đã không còn tàu thuyền hoạt động, tất cả đã được đưa vào Au cảng tránh bão. UBND Huyện đảo sẽ cùng nhân dân trực bão cả đêm”.
Ngay trong chiều tối 23/6, ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng họp triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 1. Theo đó, công tác phòng chống bão số 1 đã được chuẩn bị khẩn trương. Tương tự, tỉnh Quảng Ninh cũng đã sẵn sàng những phương án tối ưu để chống bão.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng, đến 13h00 ngày 23/6/2015, Bộ Chỉ huy BĐBP Hải Phòng đã phối hợp thông báo, kiểm đếm cho 4.212 phương tiện, lồng bè, chòi canh với 13.707 lao động biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đã yêu cầu các doanh nghiệp quản lý khai thác cảng, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển, chủ tàu, đại lý và thuyền trưởng các tàu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động ứng phó và có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, kho hàng…
Toàn thành phố Hải Phòng hiện đã huy động hơn 1.000 ô tô các loại; 532 tàu xuồng; 23 xà lan; 49.329 m3 đá hộc; 923.165 chiếc bao tải; 569 tấn lương thực; 7.511 thùng mỳ ăn liền; 9.383 phao tròn; huy động hơn 43.641 người tham gia xung kích, hộ đê, trong đó lực lượng do Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đảm nhiệm và hiệp đồng là 10.056 người, 46 xe ô tô các loại, 18 tàu xuồng cao tốc, 04 xe thiết giáp; lực lượng do BĐBP thành phố đảm nhiệm và hiệp đồng là 225 người, 14 tàu, 37 xuồng, 19 xe ô tô các loại để phục vụ cho công tác phòng chống bão số 1.
Đánh giá về công tác chuẩn bị chống bão số 1, Đại tá Đào Quang Thức, Chính ủy Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Hải Phòng cho biết: “Tuy cơn bão đổ bộ vào khá bất ngờ nhưng Bộ chỉ huy BĐBP Hải Phòng đã có kinh nghiệm xử lý bão từ các năm trước nên triển khai phương án phòng chống rất nhanh chóng. Tất cả lực lượng đang sẵn sàng trực bão đêm nay”. Thông tin từ Bộ Chỉ huy BĐBP Hải Phòng: 22h ngày 23/6, Bộ chỉ huy BĐBP Hải Phòng sẽ có báo cáo tình hình cuối ngày cho công tác phòng chống cơn bão số 1. Theo đó, toàn bộ lực lượng trực bão sẽ là lực lượng Quân sự TP. Hải Phòng, nhân dân trong vùng an toàn để tránh bão.
Tại Quảng Ninh, trao đổi với PV, Bí thư huyện ủy Cô Tô cho biết, bão đã ảnh hưởng đến khu vực này với sức gió mạnh cấp 7 kèm mưa vừa. Vào khoảng 20h cùng ngày, Đồn Biên phòng Cô Tô đã bắn đến quả pháo hiệu thứ 18 để báo bão. Trong tối 23/6, lãnh đạo huyện Cô Tô và lượng chức năng chia thành các tổ ra khu vực âu cảng tiến hành di dời toàn bộ ngư dân về các nhà dân trên đảo trú ẩn trước khi bão đổ bộ.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Vân Đồn cho hay: tính đến 18h ngày 23-6, trên 1.500 phương tiện đánh bắt thủy hải sản đã về nơi neo đậu tránh trú bão an toàn trong đó 56/57 tàu đánh cá xa bờ của huyện đã về tránh trú bão, trên địa bàn còn 1 tàu tránh trú an toàn ở khu vực phía nam. Huyện chỉ đạo người dân chủ động chằng chống, gia cố đảm bảo an toàn 450 lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn; tuyên truyền vận động trên 1.000 lao động, người già trẻ em ở các nhà bè nuôi trồng thủy sản lên bờ tránh bão an toàn. Các phương tiện chuyển khách các tuyến đảo cũng đã cấm xuất bến di chuyển ra các đảo.
Trao đổi với PV Kiến Thức, đại diện TP Hạ Long cho biết, đến 18h, ngày 23/6, tất cả các phương tiện tàu, thuyền đều về nơi tránh trú an toàn, các điểm có nguy cơ sạt lở đất thành phố phân công người theo dõi, ứng trực, thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình để có chỉ đạo kịp thời, tổ chức di chuyển dân.
Khoảng 16h ngày 23/6, công tác chuẩn bị tránh bão ở Bãi Cháy, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cũng diễn biến khá nhanh. Tất cả các khu du lịch ở Bãi Cháy đều có phương án che chắn, dọn dẹp những đồ dễ bay, dễ tốc trong gió to.
Tình người trong bão lũ
Theo cập nhật của PV, tại huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, chuyến tàu khách cuối cùng từ các đảo Minh Châu, Quan Lạn, Cô Tô vào cảng Cái Rồng là từ 6h30’ sáng 23/6. Hiện có hơn 500 khách du lịch tham quan bị mắc kẹt do đã có lệnh cấm tàu từ sáng sớm nay, bên cạnh việc chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý giá cả thị trường, huyện Cô Tô đã kịp thời chỉ đạo các nhà nghỉ, khách sạn có phương án giảm giá phòng, bố trí ăn uống đảm bảo cho du khách. Có mặt nơi đoàn khách nghỉ chân, những chủ nhà hàng, khách sạn tiếp đón khách rất ân tình, nhiều dịch vụ đã được giảm giá.
|
Người dân thường xuyên đi kiểm tra trên địa bàn xã Minh Châu, Vân Đồn, Quảng Ninh (Ảnh: Hải Ninh). |
Cũng giống như ở Cô Tô, có mặt tại xã đảo Minh Châu, lúc 21h30 ngày 23/6, sức gió tại đây là cấp 9 – cấp 10 nhưng chưa có mưa. Tuy nhiên, do tàu khách không thể hoạt động, nhiều du khách cũng buộc phải ở nơi đây. PV Kiến Thức đã ghi nhận những tình cảm bà con trên đảo Minh Châu dành cho khách du lịch . Lúc 22h đêm 23/6, khi mọi công tác chuẩn bị chống bão ở đây đã hoàn tất, người dân địa phương đang có những cuộc giao lưu hiếm hoi vì khách du lịch bị kẹt bão. Người dân chia sẻ với khách du lịch một khoản nhỏ các chi phí trong dịch vụ du lịch. “Tiền phòng có thể một số chủ khách sạn sẽ cân nhắc. Một số dịch vụ ăn uống cũng sẽ rẻ hơn ngày thường một chút vì khách du lịch bị ở lại sẽ tốn kém rất nhiều”, chị Anh Thư, chủ một khách sạn nhỏ ở Minh Châu cho biết.
|
Du khách giao lưu với người dân Minh Châu chờ bão đến. |
|
Tất cả đã sẵn sàng đón bão. |
PV Kiến Thức tiếp tục cập nhật...