Với chiều dài 245km từ Hà Nội qua các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái đến Lào Cai, cao tốc Nội Bài - Lào Cai là tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam.
Tuyến đường rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3,5 tiếng so với 7 tiếng nếu đi theo quốc lộ 70 hiện nay.
Phát biểu tại lễ thông xe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam này không chỉ có ý nghĩa lớn với việc phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương có tuyến đường đi qua mà còn có ý nghĩa lớn với khu vực Tây Bắc và cả nước.
Thủ tướng gửi lời cảm ơn tới hơn 25.000 hộ dân đã dành đất để làm đường cao tốc, đồng thời thay mặt Chính phủ cảm ơn Ngân hàng phát triển Châu Á tài trợ 1 tỉ USD cho dự án; biểu dương các đơn vị thực hiện dự án đã nỗ lực làm việc trong 5 năm qua để hoàn thành tuyến cao tốc.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương rà soát quy hoạch giao thông trong trong vùng, nghiên cứu đầu tư sớm các hệ thống giao thông kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, trong đó có các địa phương lân cận như Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu.
Thủ tướng giao các bộ ngành liên quan phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai sớm hoàn thành 19km kết nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với cửa khẩu quốc tế Lào Cai, tạo thế liên thông cho cả tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh cùng các đại biểu cắt băng thông xe đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Ảnh: Tuấn Phùng |
|
Đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi từ Yên Bái đến Lào Cai - Ảnh: Tuấn Phùng |
|
Đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ Hà Nội đến Yên Bái được thiết kế 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp - Ảnh: Tuấn Phùng |
Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai được khởi công ngày 25/4/2009, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A. Đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái xây dựng 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 100 km/giờ và đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai xây dựng cao tốc 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp tốc độ thiết kế 80 km/giờ.
Dự án có diện tích giải phóng mặt bằng hơn 2.062 ha, đền bù cho 25.031 hộ dân bị ảnh hưởng, xây dựng 99 khu tái định cư.
Để xây dựng đường cao tốc dài nhất Việt Nam, ngoài phần đường, các nhà thầu trong và ngoài nước đã xây 120 cầu lớn nhỏ (có 2 cầu lớn là cầu Sông Hồng và Sông Lô với chiều dài 1,68 km, rộng 16,5m); 1 hầm xuyên núi dài 530m, cao 9m, rộng 14m; 1 hầm chui (giao cắt quốc lộ 2) dài 645m; 12 nút giao thông khác mức, 13 trạm thu phí, 5 trạm dừng nghỉ rộng 23 ha.
Tổng mức đầu tư là 1,464 tỉ USD bao gồm vay ưu đãi 236,21 triệu USD, vay thông thường 1,034,5 tỉ USD từ Ngân hàng phát triển Châu Á và vốn đối ứng 170,31 triệu USD cho giải phóng mặt bằng.
Để hoàn vốn đầu tư, VEC thực hiện thu phí với mức phí 1.500 đồng/km với đoạn cao tốc 4 làn, 1.000 đồng/km với đoạn cao tốc 2 làn xe (từ km 123-244). Theo đó, mức phí thấp nhất khi xe đi toàn tuyến là 300 ngàn đồng/lượt, mức phí cao nhất là 1,22 triệu đồng/lượt tùy theo các loại xe.
Cụ thể, các xe dưới 12 ghế, xe trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt chở khách công cộng có mức phí 300 ngàn đồng/lượt; Xe từ 12 ghế đến 30 ghế, xe có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn mức phí 460 ngàn đồng/lượt; Xe từ 31 ghế trở lên và xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn mức phí 610 ngàn đồng/ lượt; Xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở container 20 feet mức phí 760 ngàn đồng/lượt; Xe có tải trọng 18 tấn trở lên và xe chở container 40 feet mức phí 1,22 triệu đồng/lượt. Với những xe đi từng chặng đường trên cao tốc sẽ tính phí theo quãng đường thực đi.
|