Sự thật khó tin về tỷ phú George Soros

Google News

Đối với nhiều người, George Soros là nhân vật nguy hiểm, sẵn sàng làm sụp đổ các nền kinh tế vì lợi nhuận của ông.

Việc tỉ phú người Mỹ gốc Do Thái George Soros bất ngờ đến Việt Nam đón năm mới thu hút sự quan tâm rộng rãi của giới kinh doanh trong nước. Người ta không chỉ biết đến ông như một tỉ phú giàu có mà còn là một nhà đầu cơ từng khuynh đảo thị trường tài chính nhiều nước. Thậm chí, ông từng bơm tiền cho các thế lực nhằm lật đổ chính phủ nước ngoài.

Những tay đầu cơ tiền tệ luôn đánh cược vào nhược điểm của các nền kinh tế. Cách đây 20 năm, ông Soros vận dụng nguyên lý này đến mức cực điểm, quật đổ cả Ngân hàng Trung ương Anh. Một số người vinh danh tỉ phú Soros là nhà tiên tri của thị trường tài chính, đa số lại cho rằng ông là kẻ tung hứng thị trường tài chính một cách nhẫn tâm. Bản thân Soros tự nhận là một nhà từ thiện, giúp đỡ các chính phủ xác định được những điểm yếu kém để họ có thể loại bỏ các thiếu sót và chỉ “nhân tiện” tận dụng những lỗ hổng đó để hưởng lợi, theo hãng truyền thông Deutsche Welle. Gần đây, tạp chí Forbes ước tính tài sản của ông Soros phải hơn 19 tỉ USD.

 Tỉ phú George Soros, nhà đầu cơ lừng danh.

Trong tất cả những biệt danh được gán cho tỉ phú Soros, có lẽ nổi tiếng nhất là danh xưng “kẻ đánh sập Ngân hàng Anh”. Sinh năm 1936 tại Hungary, cậu thanh niên Soros di cư đến Mỹ với 5.000 USD, nhưng gia sản nhanh chóng phồng to nhờ những lần đầu cơ tiền tệ đầy khôn ngoan. Năm 1992, ông phát hiện chính phủ Anh đang đối mặt áp lực nặng nề về thị trường tài chính, và kết luận rằng London sớm muộn cũng phải phá giá tiền tệ. Soros đã dẫn đầu các cuộc tấn công khiến đồng bảng Anh mất giá mạnh, nước này thiệt hại khoảng 3,4 tỉ bảng Anh (theo tính toán vào năm 1997).

Đồng thời, London phải rút khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu, cơ chế tiền tệ chung của Cộng đồng châu Âu. Hôm đó là ngày thứ tư (16/9/1992) nên được gọi là “Thứ tư đen tối”, một vết sẹo của lịch sử Anh trong thế kỷ 20. Trong khi đó, Soros được cho là đã thu lợi từ 1 đến 2 tỉ USD thông qua phi vụ này. Soros còn khuynh đảo tài chính châu Á vào năm 1997, khơi mào cuộc khủng hoảng khởi đầu từ Đông Á lan đến Mỹ.

Tính đến khi tuyên bố về hưu ở tuổi 81 vào năm 2011, tỉ phú Soros làm việc không ngừng nghỉ, tạo ra các cơ hội để vơ vét lợi nhuận từ những điểm yếu của các nước. Ông biện minh rằng luật pháp cho phép làm điều ấy. Theo ông, đúng hay sai không quan trọng, mà đúng thì được lợi bao nhiêu tiền và sai thì mất bao nhiêu tiền. Ông tạo ra lợi nhuận bằng dự đoán sự hình thành của các bong bóng tài chính và dùng hàng tỉ USD để hỗ trợ và quảng bá lý tưởng của mình về một xã hội mở.

Trang mạng WorldNetDaily từng gọi Soros là “chúa tể bóng tối” của phe tả, nhà tài trợ cho các phong trào cánh tả trên toàn cầu. Ông từng chi gần 24 triệu cho 527 nhóm trong giai đoạn 2003 - 2004 với hy vọng có thể đánh bật George W.Bush khỏi đường đua tổng thống, theo Đài Fox. Đồng thời, tỉ phú này còn được cho là có tác động lớn dẫn đến cuộc Cách mạng hoa hồng ở Georgia vào năm 2003, theo tạp chí Newsmax. Kể từ năm 1979 đến 2011, Soros bỏ ra hơn 8 tỉ USD để làm từ thiện thông qua các tổ chức xã hội mở tại khoảng 70 nước.

Theo Thanh Niên

Bình luận(0)