Những đại gia “chân đất” chơi ngông nhất Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Dù là những nông dân đích thực nhưng không ít đại gia "chân đất" khiến cho dân chơi phải ngả mũ vì độ ngông gây choáng của mình.

Đại gia nông dân chơi nhà gỗ tiền tỷ

Đến làng Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, người ta không khỏi ngỡ ngàng với những ngôi nhà gỗ được làm cầu kỳ, cổ kính nhưng không kém phần hiện đại. Tính ra thì ở làng này phải ngót nghét trăm cái nhà gỗ. Trong đó, ngôi nhà gỗ của ông Trần Văn Ca (61 tuổi) là đẹp nhất. Nhà ông Ca là một ngôi nhà lầu theo kiến trúc cung đình Huế, trị giá trên 3 tỷ đồng. Đó là một ngôi nhà 2 tầng đồ sộ, với nhiều lầu nhỏ nhấp nhô. Tầng dưới làm xưởng gỗ, tầng trên có 3 gian với 4 cột trụ, 3 cửa chính, trên các xà khắc cảnh vật 4 mùa trong năm...
 Nhà gỗ tiền tỷ của đại gia Thủy Triêu, Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Qua tìm hiểu, hầu hết những đại gia này đều làm nông nhưng giàu lên nhanh chóng là nhờ có con đi nước ngoài làm ăn và gửi tiền về. Vì thấy nhà gỗ đang là một trào lưu mới ở miền quê này nên các đại gia đua nhau dốc tiền tỷ để có một ngôi nhà đẹp.

Đại gia đóng tàu lớn làm lái buôn Biển Đông

Xã Hải Bình (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) có những con tàu lớn ngày đêm ra khơi, thu mua cả tỷ đồng hải sản trên biển. Một trong những chiếc tàu cá lớn, đánh bắt hiệu quả ở Hải Bình, đó là tàu của thuyền trưởng Nguyễn Văn Đức. Chiếc tàu có công suất 500 mã lực, lớn nhất xã. Mỗi chuyến này ra biển, tàu của anh thu mua được số hải sản trị giá hàng tỷ đồng.
 Đại gia đóng tàu lớn làm lái buôn Biển Đông.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - chủ tịch UBND xã Hải Bình cho biết: "Trước năm 2005, Hải Bình có 200 tàu nhưng là tàu nhỏ, công suất 90 mã lực trở lại, đánh bắt quanh quẩn gần bờ, sản lượng mỗi năm được 1.000 tấn chỉ đủ tự cung tự cấp. Giờ xã có hơn 100 tàu công suất từ 80 đến 100 tấn thường xuyên ra khơi, sản lượng đạt tới 70.000 tấn kéo theo sự ra đời của 30 công ty, tổ hợp dịch vụ trên bờ. Sản phẩm được chế biến, xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và một số nước Đông Âu; đồng thời bán khắp cả nước, thậm chí cả Trung Quốc".

Bên cạnh đó, nhiều ngư dân còn chuyển hướng kinh doanh, trở thành những xưởng cơ khí cung cấp và lắp máy cho tàu cá. Một số khác trở thành ông chủ của những kho cấp đông cả ngàn tấn hải sản mỗi năm, bên cạnh những xưởng mộc chuyên sửa chữa, nâng cấp và đóng mới tàu lớn. Nhờ vậy, nơi đây đã xuất hiện ngày càng nhiều ngư dân trở thành những đại gia lớn nhờ sở hữu kho cấp đông cả ngàn tấn hải sản và những xưởng mộc chuyên đóng tàu lớn.

“ Vua” tôm sú xỏ dép Lào đi mua xế hộp

Dư luận Cà Mau đến nay vẫn còn xôn xao đến câu chuyện sắm xe ô tô của nhóm bốn lão nông ở miệt cuối đất này vào giai đoạn cách đây gần 2 năm. Số là dân miền Tây cứ sáng sáng xôm tụ rượu đế như uống trà. Phút chốc khi đã ngà ngà, bốn lão nông bàn luận đủ thứ chuyện từ chính trị nước Mỹ đến con tôm, con cá. Cuối cùng đến chuyện xe hơi, vậy là xảy ra cự cãi về cái chuyện xe nào đắt hơn xe nào. Thách đố nhau, bốn lão nông rủ nhau kéo lên Tây Đô… mua xe!

Bốn nông dân vẫn cứ quần cộc, dép Lào, xách ba lô, bắt xe đò lên phố thị. Thuê hẳn taxi chở đến salon lớn ở trung tâm Cần Thơ. Thấy bốn lão nông ăn mặc xuề xòa, quần ống thấp ống cao, chân còn lấm phèn vào coi xe, những nhân viên salon miễn tiếp, mà sau một hồi thấy các vị khách chỉ trỏ thì có ý mời ra. Không ngờ bốn lão nông tức khí, quát nạt. Ban đầu, một lão nông chỉ đại một chiếc ô tô hỏi bao nhiêu. Gã nhân viên nói bâng quơ “tỷ tư”.

Lão nông này đặt ba lô trên bàn nhờ nhân viên phụ đếm từng cọc, lấy tỷ tư chung liền tại chỗ. Ba lão nông còn lại cũng bắt chước, chỉ đại xe ô tô rồi đưa ba lô lên bàn chung tiền, mua xe ngay tại chỗ. Bận ấy, bốn lão nông chi thêm vài chục triệu để thuê bốn nhân viên của salon lái ô tô vừa mua đưa về tận quê; còn chuyện thuê tài xế sau này tính tiếp.

Nghe chuyện thật tưởng như đùa, nhưng hỏi ra mới biết đó là bốn lão nông từng một thời được mệnh danh là “vua” tôm sú miệt cuối Tổ quốc. Giờ thì họ vẫn sống có phần vương giả, dù không giàu có như xưa nhưng câu chuyện các lão nông đi sắm ô tô được kể lại như một giai thoại.

Đại gia lái xe hơi thăm ruộng

Làng hoa Vạn Thành nằm sâu trong thác Cam Ly, địa hình đồi dốc hiểm trở nhưng dọc các con đường xe hơi đời mới đậu san sát nhau như đang ở giữa những con phố trung tâm Đà Lạt.

Trước đây vùng dân cư này chỉ có trên 100 gia đình, chủ yếu sống với nghề trồng rau xanh. Khi Đà Lạt có những nhà đầu tư nước ngoài đến thuê đất trồng hoa xuất khẩu vào đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 thì người dân ấp Vạn Thành cũng chuyển đổi cây trồng từ rau sang hoa với kiểu “ăn theo" các công ty lớn và trở thành một trong 3 làng hoa của Đà Lạt. Làm ăn khấm khá, dân làng Vạn Thành sống sung túc như những đại gia khi tất cả đều xây nhà lầu, cứ 2 gia đình thì có một xe hơi, nhiều nông dân của làng mỗi sáng đi làm vườn bằng ô tô.
Đại gia lái ô tô đi thăm ruộng. 

Ở làng hoa Vạn Thành, người sở hữu nhiều nhất có 2 hecta hoa, người ít nhất diện nhập cư cũng được một sào. Đất trồng hoa ở đây giá chuyển nhượng một sào cũng phải 700 triệu đồng, nên hàng chục người đang có tổng tài sản trên chục tỷ đồng. Với thu nhập này thì chuyện sở hữu trên một biệt thự bạc tỷ là chuyện rất thường tình.

Cũng đầy rẫy xe hơi và thường lái xe đi thăm ruộng giống người dân Vạn Thành là những đại gia ở xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song (Đăk Nông). Hiện, thống kê trên địa bàn xã Thuận Hạnh có hơn 50 chiếc ô tô con, trong đó loại đắt tiền trên 1 tỷ có khoảng 10 chiếc. Những hộ mua xe thường xuống các công ty đặt hàng nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài đưa về, có những hộ có xe rồi mới đi học bằng lái.

Đại gia chăn bò tiêu tiền như nước

Người dân miệt ven thành phố mới ở Bình Dương vẫn kể cho nhau nghe chuyện Tư Mọi làm nghề chăn bò thuê, trúng ba tờ độc đắc và trở thành đại gia.

Vốn vợ chồng Tư Mọi không con, lang thang từ Bình Định vào Bình Dương làm cái nghề chăn bò thuê cho một gia đình ở đây cũng chừng hơn mười năm. Vợ chồng ông cất được cái lều tạm bợ ở mảnh đất của chủ bỏ không, cạnh những cái chuồng bò. Vì xót thương hoàn cảnh tội nghiệp của bà bán vé số ế ẩm lúc chiều mà Tư Mọi  mua 3 tờ vé số, ai ngờ trúng độc đắc. Chỉ vài ngày sau, người ta thấy vợ chồng ông lên đời, mua đứt luôn căn nhà của chủ.

Ban đầu, vợ chồng Tư Mọi xách túi tiền lên Sài Gòn mua bảy chiếc SH, gần trăm triệu mỗi chiếc, rồi thuê xe tải chở nguyên kiện về tận nhà. Tất nhiên, vợ chồng Tư Mọi đâu xài hết, mà tặng các đồng nghiệp chăn bò thuê một thời và láng giềng thân thiết mỗi người một chiếc. Thời gian ngắn sau sau làng trên xóm dưới xôn xao Tư Mọi sắm ô tô sang cả tỷ rưỡi, kéo ào ào đến xem. Gần 2 năm sau khi trúng 3 tờ độc đắc, dân địa phương chứng kiến cảnh gia đình Tư Mọi tan tác. Sau đó, Tư Mọi cũng bán luôn căn nhà rồi không ai biết đi đâu.

Nguyễn Nguyên (tổng hợp)

Bình luận(0)